Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sạt lở đất – Thiên tai và nhân tai: Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo (Bài 4)

Sỹ Hào - 23:23, 01/11/2020

Miền Trung là khu vực đồi núi cao, địa chất có nhiều đất đá cổ nứt nẻ, có nhiều đất sét, lại thường xuyên hứng chịu mưa bão nên rất dễ xảy ra các sự cố địa chất. Mặc dù công tác dự báo, cảnh báo đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn không tránh được những thảm họa từ những sự cố sạt lở đất.

Sạt lở đất – Thiên tai và nhân tai: Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo (Bài 4)
Việc tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở đất ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn đang tiếp tục được triển khai (Ảnh: Tổng cục PCTT cung cấp)

Nỗ lực cảnh báo

Diễn biến khí tượng trong những năm gần đây ở nước ta rất phức tạp, bất thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Để phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia xác định, phải nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia để kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai, hiện hầu hết các bản tin dự báo bão đã được phát sớm đến 3 ngày và cảnh báo sớm đến 5 ngày. Đối với các bản tin áp thấp nhiệt đới hạn dự báo cũng đã nâng lên đến 2 ngày và cảnh báo đến 3 ngày; tin lũ, tin lũ khẩn cấp được ban hành kịp thời và kèm theo các hình ảnh về ngập lụt. Vậy nhưng, dường như nhiều sự cố thiên tai vẫn nằm ngoài khả năng cảnh báo, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, về tình hình mưa bão ở khu vực miền Trung đã được cảnh báo từ tháng 1/2020. Ngay cả tình hình ngập lụt lịch sử ở Quảng Bình, Quảng Trị giữa tháng 10 cũng đã được cảnh báo trước 15 ngày, nhưng người dân không kịp chạy lũ.

“Người dân cũng đã biết thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện gửi 56,1 triệu lượt tin nhắn đến bà con miền Trung. Nhưng một số nơi diện ngập rộng, ngập sâu, có nơi như Lệ Thủy lên tới 6,3m, bà con không biết trốn tránh lũ thế nào!”, ông Hiệp trăn trở nói.

Sạt lở đất – Thiên tai và nhân tai: Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo 1
Cấp độ rủi ro theo diễn biến mưa bão (Nguồn: IT)

Đáng chú ý, trước tình hình “lũ chồng lũ” ở miền Trung và sự xuất hiện tổ hợp tác động của nhiều thiên tai nguy hiểm khác, ngày 18/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất lên cấp 4, là cấp Chính phủ chỉ đạo. Việc kích hoạt cảnh báo cấp độ 4 (thuộc cấp độ rủi ro rất lớn) là để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân.

Vẫn khó dự báo sạt lở

Còn nhớ, trận lũ lịch sử ở miền Trung năm 1999 đã làm 818 người chết và mất tích. Trong đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, mặc dù tình hình mưa lũ phức tạp hơn, với tổ hợp nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm, nhiều nơi ngập vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999; nhưng với nỗ lực dự báo, cảnh báo của các cấp, các ngành, các địa phương đã góp phần quan trọng giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản.

Nhưng con số thương vong về người vẫn đầy ám ảnh. Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, từ ngày 6/10 đến 17 giờ 30 ngày 31/10, các hình thái thiên tai cực đoạn do mưa bão đã làm 229 người chết và mất tích. Đáng lưu tâm là, số người thương vong do thiên tai trong những ngày vừa qua ở miền Trung phần lớn là do các sự cố sạt lở đất.

Cụ thể, bão số 9 làm 79 người chết, mất tích; trong đó có 45 người do sạt lở đất. Trước đó, mưa lũ từ ngày 6 - 21/10 làm 150 người chết, mất tích; trong đó có 64 người do sạt lở đất.

Điều này cho thấy, sạt lở đất là hình thái hiên tai đặc biệt nguy hiểm, một khi xảy ra là gây thương vong rất nặng nề. Hơn nữa, sạt lở đất chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng núi, khi xảy ra công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn; khiến cho những nạn nhân bị vùi lấp càng khó có cơ hội sống sót.

"Những điểm sạt lở như Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 không có trong cảnh báo, nên cần phải ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn để cảnh báo. Ta có bản đồ sạt lở, nhưng đang là 1/20.000, trong khi để tối thiểu triển khai phải là 1/10.000 và xây dựng nhiệm vụ cụ thể phải là 1/500, nên chưa thể thực hiện ngay được. Cần thiết sắp tới phải có chỉ đạo và đầu tư cho công tác này”.

(Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Nhận diện được mức độ nguy hiểm của hình thái thiên tai này, từ năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” với nguồn kinh phí từ ngân sách hằng năm. Đề án này được đánh giá là “quý như vàng”; tuy nhiên hiện Đề án mới hoàn thành 30% khối lượng công việc khi mới xây dựng được bản đồ (tỷ lệ 1/20.000) phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai cho 15/37 tỉnh, thành phố có nhiều điểm nguy cơ trượt lở cao.

Mặc dù chỉ mới đạt 1/3 tiến độ nhưng phải khẳng định Đề án là “cẩm nang” để các địa phương có những giải pháp giảm thiểu thiệt hại từ các sự cố sạt lở đất. Nhưng điều băn khoăn là các địa phương có thực sự quan tâm đến “cẩm nang” này hay không?

Lấy Thừa Thiên – Huế làm ví dụ; đây là một trong 15 tỉnh đã được lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai. Sau khi sự cố sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra (ngày 12/10), thông tin với báo chí trong ngày 16/10, ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (đơn vị được giao thực hiện Đề án) cho hay, vào tháng 6/2019, nhóm nghiên cứu của ông đã chỉ rõ trên địa bàn huyện Phong Điền (gồm cả khu vực Thủy điện Rào Trăng 3) của tỉnh Thừa Thiên-Huế có 1 hệ thống đứt gãy chính theo phương Tây Bắc - Đông Nam và các đứt gãy phụ. Từ đó có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực trọng điểm Nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3. Bỏ qua lời cảnh báo của những nhà khoa học và hệ quả của nó là công trường Thuỷ điện Rào Trăng 3 gần như bị san phẳng chỉ sau một sự cố sạt lở đất.

Giải pháp nào để ứng phó sạt lở đất?

Nếu đúng như khẳng định của Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thì sự cố sạt lở đất ở Rào Trăng 3 đã được cảnh báo; nhưng địa phương và chủ đầu tư vẫn “phớt lờ”. Điều này cần thiết phải được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ để quy trách nhiệm, thành bài học cho các địa phương, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; đồng thời cũng là bài học trong việc tuân thủ cảnh báo thiên tai để không xảy ra những thiệt hại có thể phòng tránh được.

Trên thực tế, hình thái thiên tai sạt lở đất ngày càng diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở Trạm kiểm lâm 67 ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế khiến 13 người trong Đoàn tìm kiếm, cứu nạn sự cố sạt lở đất Rào Trăng 3) hay sự cố sạt lở đất ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Hướng Hóa, Quảng Trị vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ) đều không nằm trong những điểm cảnh báo nguy cơ sạt trượt. Đây đều là nơi đã được khảo sát kỹ về địa chất để xây dựng trụ sở ổn định từ hàng chục năm nay, nhưng sạt lở vẫn xảy ra.

Sạt lở đất – Thiên tai và nhân tai: Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo 2
Cần đầu tư thiết bị cảnh báo, tìm kiếm cứu nạn trong PCTT. (Trong ảnh: Bộ đội dùng điện thoại vệ tinh chuyên dụng liên lạc trong quá trình trình khơi thông đường vào khu sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Ảnh: Tổng cục PCTT cung cấp)

Điều nay cho thấy, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” là cấp thiết; nhưng để có cảnh báo đúng thì phải điều chỉnh, bổ sung. Bên cạnh việc mới chỉ có 15/37 tỉnh thành có bản đồ phân vùng cảnh báo thì với tỷ lệ bản đồ 1/20.000 là rất hạn chế.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/10, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận rằng: “Hiện nay chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng tỉ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000 nên trong bản đồ này xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề làm sao là phải đưa ra tỉ lệ 1/500. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các chuyên gia để chuyển tỉ lệ này về 1/500 thì khi đó chúng ta mới quản lý được”.

Nhưng trong khi chờ có bản đồ phân vùng cảnh báo thiên tai, làm thế nào để phòng chống sạt lở đất, lũ quét? Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Giải pháp phòng chống hiệu quả nhất vẫn là lựa chọn địa điểm tránh sạt lở đất, xây dựng mới để tái định cư cho bà con.

Vấn đề mà ông Hùng đề cập trên thực tế là giải pháp đã được thực hiện có hiệu quả cao ở một số điểm có nguy cơ sạt lở đất cao. Trong đó, điểm tái định cư bản Sa Ná (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng mới sau thảm họa sạt lở đất năm 2019 là một điển hình. Nhưng cùng với giải pháp tái định cư phù hợp thì để giảm thiểu thiệt hại so sạt lở đất cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ khác. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong thời gian tới.


Tin cùng chuyên mục
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) khánh thành Chợ trung tâm Phja Đén và đón bằng công nhận cây di sản

Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) khánh thành Chợ trung tâm Phja Đén và đón bằng công nhận cây di sản

UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức lễ khánh thành Chợ phiên Phja Đén; công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng về công nhận làng nghề miến dong Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình và đón Bằng công nhận cây di sản Việt Nam.