Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nhận diện “vùng trũng” trong phòng chống thiên tai: Thảm họa thiên tai luôn rình rập (Bài 2)

Sỹ Hào - 15:41, 17/12/2020

Cả nước hiện có hàng nghìn điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trong đó có những điểm đã từng nhiều lần xảy ra các sự cố. Nhưng do thói quen, nhiều hộ dân vẫn sinh sống ở những điểm này; trong khi để di dời, tái định cư cho người dân không hề dễ dàng.

Lũ quét gây thiệt hại nặng nề tại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên vào ngày 17/8/2020
Lũ quét gây thiệt hại nặng nề tại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên vào ngày 17/8/2020

Liên tiếp lặp lại

Trong kỳ báo trước, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh, khu vực miền núi với địa hình chia cắt, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp càng khiến lũ quét, sạt lở đất luôn thường trực. Đáng chú ý, không chỉ số điểm sạt lở đất, lũ quét ngày càng tăng mà những sự cố này xảy ra trên cùng một địa bàn cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Trở lại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) để thấy, chiều 28/10/2020, 15 ngôi nhà ở nóc Ông Đề, thuộc thôn 1 đã bị vùi lấp trong một vụ sạt lở. Chỉ sau đó một tuần (ngày 6/11), cũng tại xã Trè Leng, nước sông Leng dâng cao gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp 14 ngôi nhà ở ​làng Tăc Pát, thuộc thôn 2. Rất may, chính quyền địa phương đã sơ tán người dân trước đó nên vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.

Tương tự Trà Lèng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) từ lâu đã được khoanh vùng báo động đỏ trước thực trạng lũ quét, sạt lở đất. Gần đây nhất, sáng ngày 6/8/2020, tại thôn Sùng Vui đã xảy ra một vụ sạt lở đất, khiến ông Tẩn Díu Châu (sinh năm 1957), vợ là Tẩn Líu Mẩy (sinh năm 1959) tử vong.

Trước đó, rạng sáng ngày 5/8/2016, mưa lớn kéo dài đã gây thảm họa lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng ở xã Phìn Ngan. Báo cáo còn lưu tại UBND xã Phìn Ngan cho thấy, cơn lũ kinh hoàng đã cuốn trôi 30 nhà dân cùng tài sản; hàng trăm ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, tốc mái; hơn 170 ha hoa màu bị ngập úng và gẫy đổ, hai nhà máy thủy điện bị hư hỏng…

Thiệt hại nặng nề nhất là thôn Sùng Hoảng. Cả thôn có 16 hộ dân tộc Dao thì 16 ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản bị lũ quét cuốn trôi; người dân bị cô lập trên đồi cao do cầu treo nối trung tâm xã vào thôn bị lũ cuốn mất.

Trước đó nữa, vào tháng 9/2004, cũng tại thôn Sùng Hoảng, xã Phìn Ngan đã xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng. Chỉ sau hai tiếng đồng hồ có mưa lớn, cả một trái núi bị sạt lở đã xóa sổ 4 hộ sinh sống dưới chân núi, làm chết và mất tích 23 người.

Trà Leng, Phìn Ngan là hai trong rất nhiều địa bàn nằm trong diện nguy cơ rất cao và đã từng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Theo kết quả khảo sát của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” (do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), cả nước hiện có gần 15.000 điểm từng xảy ra các tai biến địa chất, gồm 13.233 điểm sạt lở đất đá; 337 điểm lũ ống, lũ quét; 947 điểm xói lở ở bờ sông, suối, biển; 344 điểm khai thác mỏ sụt lún;…

Hàng trăm nghìn hộ đang ở vùng có nguy cơ cao

Trên thực tế, hiện việc thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam”, mới chỉ xây dựng được 15 bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá cho 15 tỉnh, thành miền núi, chủ yếu từ Nghệ An trở ra phía Bắc. Và với tỷ lệ bản đồ là tỉ lệ 1/50.000, thì việc khoanh vùng cảnh báo mới chỉ đến cấp xã; vì thế trên bản đồ, mỗi xã được khoanh vùng chỉ là một chấm nhỏ.

Biểu đồ số trận lũ quét xảy ra tại các tỉnh MNPB từ 2001 – 2019 (Nguồn: Tổng cục PCTT)
Biểu đồ số trận lũ quét xảy ra tại các tỉnh MNPB từ 2001 – 2019 (Nguồn: Tổng cục PCTT)

Do đó, kết quả ban đầu của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản mới chỉ là “bề nổi” về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở nước ta. Chỉ tính riêng khu vực miền núi phía Bắc (MNPB), số liệu của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) cho thấy, trên địa bàn 15 tỉnh điều tra hiện có 116 huyện, 730 xã có nguy cơ cao lũ quét; 136 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông bờ suối.

Đặc biệt, tính riêng trên địa bàn các xã đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất hiện có 450 điểm nguy cơ cao lũ quét, 920 điểm nguy cơ cao sạt lở đất, 383 điểm nguy cơ cao sạt lở bờ sông bờ suối. Đây là những điểm có nguy cơ cao được tính chi tiết đến đơn vị thôn/bản.

Biểu đồ số điểm sạt lở đấtxảy ra tại các tỉnh MNPB từ 2001 – 2019 (Nguồn: Tổng cục PCTT)
Biểu đồ số điểm sạt lở đấtxảy ra tại các tỉnh MNPB từ 2001 – 2019 (Nguồn: Tổng cục PCTT)

Vì thế, khu vực miền núi hiện có hàng trăm nghìn hộ dân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất cần được di dời, tái định cư để bảo đảm an toàn. Chỉ tính riêng tại địa bàn các xã đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực MNPB, số liệu của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, ở khu vực này vẫn còn khoảng 56.028 hộ cần phải di dời, tái định cư.

Khó khăn di dời, tái định cư

Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng (tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg); mục tiêu là bố trí ổn định cho 160.000 hộ, trong đó có 32.100 hộ vùng thiên tai; 6.600 hộ vùng đặc biệt khó khăn.

Về lâu dài, chúng ta phải di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong những khu vực có nguy cơ trượt lở. Để thực hiện điều này thì cần nguồn lực rất lớn. Do đó, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch ngân sách hằng năm cần ưu tiên bố trí vốn cho công tác này.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT

Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác di dời, tái định cư cho người dân ở vùng thiên tai vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Dù hiện vẫn chưa có số liệu báo cáo chung về kết quả thực hiện Quyết định 1776/QĐ-TTg, nhưng thống kê đơn lẻ từ các địa phương cũng cho thấy rõ, kết quả thực hiện việc bố trí dân cư chưa được như mục tiêu đề ra.

Như tại Điện Biên, thực hiện Quyết định 1776/QĐ-TTg, toàn tỉnh sẽ bố trí, ổn định cho 978 hộ dân, với 6.404 nhân khẩu; trong đó có 874 hộ, 5.739 nhân khẩu trong vùng thiên tai. Nhưng đến thời điểm này, Điện Biên mới bố trí, sắp xếp, hỗ trợ di được 537 hộ, vị chi còn 337 hộ đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao về thiên tai.

Còn tại Quảng Trị, theo thống kê, toàn tỉnh có 30.000 hộ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có khoảng 10.000 hộ nằm trong diện nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Nhưng giai đoạn 2016 – 2020, Quảng Trị mới bố trí ổn định nơi ở mới cho 204 hộ vùng thiên tai (sạt lở, lũ quét)…

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thực hiện bố trí ổn định dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg gặp nhiều khó khăn một phần là do thiếu kinh phí. Ngoài ra, việc các địa phương thiếu quỹ đất, cũng như phong tục, tập quán của người dân ở khu vực miền núi cũng là những vướng mắc rất khó tháo gỡ.

Hàng nghìn hộ dân cần được di dời khởi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. (Ảnh minh họa)
Hàng nghìn hộ dân cần được di dời khởi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. (Ảnh minh họa)

Như tại bản Huổi Điết, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (Điện Biên) hiện có hơn 30 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Được ngành chức năng cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng tới thời điểm này, cũng mới có 19 hộ đồng ý di dời, hiện vẫn còn 13 hộ vẫn vẫn đang sống cách khu vực nguy cơ sạt lở chỉ 20 - 30m.

Theo ông Lù Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng, do người dân có thói quen sinh sống theo từng cụm, phần lớn là anh, em họ hàng nên nếu phải di dời họ cũng yêu cầu được bố trí ở gần nhau. Tuy nhiên, bản đã hết quỹ đất, không thể bố trí cho các hộ dân tái định cư tại một điểm nên việc di dời chưa thể thực hiện.

Rõ ràng, việc di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống ở vùng thiên tai, là nhiệm vụ cấp bách. Bởi thực tế, nguy cơ gia tăng sự cố lũ quét, sạt lở đất ngày càng hiện hữu khi mà các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người đang từng bước bào mòn sức đề kháng tự nhiên của đồi núi. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong phần tiếp theo.