Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Nhiệt huyết vì cộng đồng của bác sỹ Y Ma Ry

Hà Văn Đạo - 16:13, 30/08/2021

Được sống giữa những chập trùng xanh thẳm của núi rừng kỳ vỹ, bác sĩ đa khoa Y Ma Ri như thấy tâm hồn mình rộng mở hơn. Ý nghĩ và khát vọng cũng lớn dần lên để đóng góp sức mình cho các buôn làng, giúp đồng bào các dân tộc giữ gìn sức khỏe, sống chan hòa và làm nhiều việc tốt...

Bác sĩ đa khoa Y Ma Ri tận tình khám bệnh cho người dân vùng sâu
Bác sĩ đa khoa Y Ma Ri tận tình khám bệnh cho người dân vùng sâu

Chinh phục giấc mơ vì cộng đồng

Bây giờ thì người dân nhà ở ngóc ngách, đường to, lối nhỏ, thậm ở cả những căn chòi canh rẫy cheo leo các mép núi đều biết đến Y Ma Ri. Cô bé người Xơ Đăng sinh ra ở Đắk Xú (huyện biên giới Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) ngày nào còn rụt rè, trầm lặng, đã vươn lên thành một bác sĩ giỏi.

Ông Ma Long và nhiều già làng chia sẻ: Ở đây chục năm trước rừng núi heo hút, đường sá đi lại gian nan. Người dân làm trong rẫy sâu đổ bệnh có khi ở liều trong đó. Dân tộc này với dân tộc khác lại ít giao lưu với nhau lắm.

Khi đó, mới chỉ là học sinh nhưng Ma Ri chứng kiến được hết. Trong đầu Ma Ri luôn ngổn ngang hàng trăm câu hỏi. Rằng, làm sao để người dân các buôn đều khỏe mạnh; làm sao để quét sạch những tập tục lạc hậu; làm sao để mọi tôn giáo đùm bọc lẫn nhau hơn… Cuối cùng, Ri cũng tìm ra được câu trả lời là hãy vươn lên chinh phục tri thức. Học để làm bác sĩ, thầy thuốc. Bởi khi ấy, trong những giờ khám chữa bệnh cho dân sẽ thuyết phục được mọi người.

Con đường phía trước đã vạch ra trong suy nghĩ và Y Ma Ri cần mẫn học tập. Ngày nhận thông báo nhập học ở Học viện Quân y (Hà Nội), Ri vỡ òa trong hạnh phúc. Cứ mỗi kỳ nghỉ Hè cô lại về rong ruổi qua các buôn, hướng dẫn người dân sống vệ sinh, ăn uống đúng cách để tránh mọi nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ri còn truyền cảm hứng cho những đứa trẻ trong cộng đồng các làng miền biên giới này hãy vươn lên học tập.

Cô kể về những mênh mông kiến thức mình đang được thu nhận. Ri cũng sớm chuyển tải cho thế hệ đàn em của mình suy nghĩ, chỉ có tri thức mới giúp chúng ta vươn lên, trở thành những con người có ích để giúp đỡ bản làng, quê hương. Những thanh niên người Xê Đăng cùng các dân tộc khác ở Ngọc Hồi đã vươn lên, học tập tốt hơn từ tấm gương của Ri.

Sau 6 năm cần mẫn học tập, năm 2014, Y Ma Ri tốt nghiệp hệ bác sĩ đa khoa, Học viện Quân y. Lời tâm tình đầy xúc cảm ngay ngày mới ra trường của Ri là sẽ về chốn non cao nơi mình sinh ra và lớn lên. Về để vượt đường đất đỏ, vượt những cơn mưa rừng đi chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ý nguyện được đáp ứng, Y Ma Ri về nhận công tác ở Trạm Y tế xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi (Kon Yum).

Mang hết sức trẻ ra để cống hiến. Không kể dân tộc hay tôn giáo nào, bất cứ ai gọi là bác sĩ Y Ma Ri đều tư vấn tận tình. Trong các giờ khám bệnh ở Trạm Y tế, Ma Ri còn lồng ghép tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Hướng dẫn từ bỏ các thói quen lạc hậu. Chị còn giúp các buôn làng thấu hiểu mọi nghèo nàn rồi sẽ bị đẩy lùi lại phía sau. Muốn vậy phải có sức khỏe tốt. Phải làm theo bác sĩ. Phải hưởng ứng nhiệt tình các mô hình làm kinh tế của Nhà nước. Dân tộc này phải chia sẻ cách làm hay cho dân tộc khác...

Bác sĩ Ma Ri trong những phút giải lao hiếm hoi (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)
Bác sĩ Ma Ri trong những phút giải lao hiếm hoi (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)

Cùng vươn đến cuộc sống no ấm

Từ một người hay bỏ bê công việc, thích làm bạn với rượu, anh A Thanh ở xã Đắk Nông đã trở thành người đàn ông mẫu mực của gia đình và quyết tâm không đẻ nhiều khiến con nheo nhóc nữa. A Thanh tâm tình: Bác sĩ Ma Ri vẫn khuyên đồng bào các buôn làng là phải biết chăm lo gia đình. Đẻ con phải nuôi dạy thật tốt. Gia đình sẽ đầm ấm hơn. Nghe Ma Ri, mình làm theo rất hiệu quả. Nhiều trai tráng khác cũng làm theo”.

Không chỉ thăm khám bệnh ở Trạm Y tế, trong giờ làm việc, Ma Ri còn hẹn đến tận nhà người dân. Chị bảo: "Có người đi làm về mệt, họ ngại đến Trạm thì mình tìm đến họ vậy. Làm bác sĩ là giống như con của mọi nhà, chăm sóc sức khỏe cho họ như người thân của mình thôi".

Cảm động nhất với người dân là trong những trưa Hè dưới cái nóng hầm hập ở miền biên giới, Y Ma Ri cứ thoăn thoắt băng qua ngõ này đến đường khác để lo cho người dân. Nhiều người cảm thương, trân trọng xem cô như đứa con của gia đình, của làng mình.

Bác sĩ Y Ma Ri dãi bày rằng: "Những ngày đầu cũng bỡ ngỡ, nhưng rồi quyết tâm luôn được giữ vững, cộng với sự quan tâm, cổ vũ của lãnh đạo, đồng nghiệp nên Ma Ri đã sớm thành thục với công việc. Ngoài động viên, tuyên truyền người dân, Ma Ri còn phải không ngừng trau dồi, nâng cao các kiến thức chuyên môn để chẩn đoán, chữa bệnh cho người dân được tốt nhất".

Nghe theo hướng dẫn của các y tá và bác sĩ Y Ma Ri, cộng đồng dân tộc Xơ Đăng ở biên giới Ngọc Hồi đã biết chăm lo tốt cho sức khỏe. Bà Y Ma Tâm (xã Đắk Nông) bộc bạch: Giờ chị em phụ nữ mình đã hứa với nhau sẽ làm theo các chính sách của Nhà nước thôi. Có bệnh là đến Trạm Y tế. Sinh đẻ cũng đến cơ sở y tế. Các con sinh ra phải được tiêm chủng đầy đủ. Có sức khỏe thì sẽ làm được nhiều việc tốt để xây dựng quê hương mình, đời sống gia đình mình ngày càng ấm no hơn!".

Khi người dân đồng lòng, các chương trình phòng chống dịch bệnh, các chương trình mục tiêu quốc gia ai cũng hăng hái thực hiện. Nhiều hộ gia đình xã Đắk Nông cho biết: Khỏe để làm kinh tế; khỏe để xây dựng nông thôn mới… giờ đã thành khẩu hiệu khắc ghi trong trí nhớ của những người dân nơi đây. Sau gần 7 năm công tác ở Trạm y tế xã Đắk Nông, đầu năm 2021, bác sĩ Y Ma Ri chuyển công tác về Trạm Y tế xã Đắk Xú. Người dân cũng nhớ lắm. Nhưng xã đó cũng gần xã mình, các xã đều như anh em với nhau thôi.

Tin cùng chuyên mục