Cụ thể, nhóm thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi) sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp; nhóm F1 (phải cách ly tại khu cách ly tập trung) sẽ thi tại điểm thi đặt trong khu cách ly, hoặc khu vực phù hợp lân cận; nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1), sẽ được tổ chức thi tại phòng thi dự phòng, hoặc một điểm thi riêng; trường hợp còn lại, học sinh thi tại điểm thi bình thường.
Thế nhưng, cách phân chia này cũng đặt ra không ít vấn đề cho tính công bằng, hiệu quả của kỳ thi. Việc phân loại các nhóm đối tượng là điều vô cùng phức tạp, tốn thời gian khi nguồn nhân lực của mỗi địa phương không đồng đều, đặc biệt là đối với một số vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Việc tập trung các học sinh vào thời điểm dịch Covid-19 quay lại như hiện nay khiến nhiều bậc phụ huynh và cả các em học sinh đều lo lắng, bất an về tâm lý dự thi lẫn sức khỏe thể chất của các em.
Với các thầy cô, cũng thật khó để nói rằng họ gạt bỏ nỗi hoài nghi về các thí sinh để mà tự tin “coi thi” được, nhất là đối với những người phụ trách đối tượng F1.
Dù có áp dụng các biện pháp bảo vệ cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay thì với con số hơn 900.000 sĩ tử, tập trung lượng người lớn như vậy cũng tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch. Hơn nữa, phân chia từng khu vực dự thi cho thí sinh với các điều kiện khác nhau liệu có bảo đảm tính công bằng cho cuộc thi này?