Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thầy cô vùng cao sáng đèn giúp học sinh ôn tập

Đào Thọ - 14:21, 29/06/2020

Không quản ngại thời tiết nóng bức hay mưa gió, cứ mỗi buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, các thầy cô giáo vùng cao ở Nghệ An lại sáng đèn giúp học sinh ôn tập lại kiến thức ban ngày đã học ở lớp.

Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập
Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập

Không quản ngại thời tiết nóng bức hay mưa gió, cứ mỗi buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, các thầy cô giáo vùng cao ở Nghệ An lại sáng đèn giúp học sinh ôn tập lại kiến thức ban ngày đã học ở lớp.

Bữa cơm tối vừa xong, tiếng trống trường đã điểm 6 tiếng báo hiệu giờ vào học. Thấy chúng tôi hơi ngạc nhiên, thầy Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) giải thích, đó là tiếng trống trường để giục học sinh học ban đêm. Mỗi ngày, giáo viên ở đây đều phải thay phiên nhau tập trung ôn tập cho các em từ 19h 30 đến 21h 30. Công việc của họ là vừa trực cho học sinh trật tự học bài, vừa củng cố kiến thức cho những em còn yếu. Nếu học sinh có nhu cầu hỏi bài, giáo viên có thể hướng dẫn các em thêm.

Theo thầy Nguyễn Đức Luyện thì mỗi tuần như vậy, thầy đều trực một đêm. Công việc này đã tiến hành được cả chục năm nay và đã thành thói quen đối với giáo viên. “Chúng tôi muốn rèn luyện cho các em thói quen học tập, ý thức tự giác, tự lập trong môi trường bán trú”, thầy Luyện nói.

Cô Trần Thị Thanh Phương, một giáo viên có thâm niên bám trụ với ngôi trường nơi rẻo cao này cho hay, học sinh nơi đây có thói quen cứ đêm đến là vào rừng bẫy chuột, bẫy sóc hoặc đi chơi từ bản này sang bản khác, rất nguy hiểm. Thời gian đầu, cô giáo bắt các em ngồi học liền 2 giờ đồng hồ, một số em rất khó chịu. Tuy nhiên, sau khi được thầy, cô động viên và hướng dẫn cách học, sáng mai lên lớp trả bài lại được điểm cao nên em nào cũng hào hứng học tập.

Ngồi miệt mài đến hết giờ nhưng em Xồng Y Lầu vẫn chưa muốn về phòng để ngủ. Năm nay Y Lầu phải thi vào lớp 10 nên em cảm thấy lo lắng hơn. Thấu hiểu điều đó, khi đã hết giờ, giáo viên trực vẫn ngồi lại động viên em tiếp tục học. 

Còn tại huyện Tương Dương, nhiều điểm trường chưa có điện lưới, giáo viên vẫn chung tay nhau góp tiền mua từng chiếc bóng tích điện miệt mài giúp học sinh học tập. Có mặt tại điểm bản Minh Thành của Trường Tiểu học xã Lượng Minh, vào 19 giờ tối, khi tiếng trống trường vang lên từ bên kia khe Mạt cũng là lúc những đứa trẻ í ới gọi nhau thắp đèn dầu vượt suối đến lớp. 

Theo chân đám trò nhỏ đi về phía trường tiểu học, chúng tôi thấy mấy cô giáo trẻ đã đứng đợi ở bên suối để dẫn từng em học sinh đi qua. Trong phòng học, mỗi cô phụ trách một lớp hướng dẫn tỉ mỉ từ cách đánh vần đến viết chữ, tính toán. Cô Lương Thị Vân, một giáo viên trẻ sinh năm 1995 vượt 50km từ xã Xá Lượng lên đây cắm bản tâm sự: “Ban đêm không có điện, các cô phải tranh thủ chạy hàng chục cây số nạp bóng tích điện để thắp sáng cho các cháu đến trường học bài. Nhờ vậy mà chất lượng học tập được nâng cao hẳn”. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho hay: “Kỳ Sơn là huyện biên giới của tỉnh Nghệ An với hệ thống 19 trường bán trú. Điều kiện giao thông cách trở nên hàng nghìn học sinh phải ở lại trường để học tập. Do đó, từ hàng chục năm nay, các trường trên địa bàn huyện đã tổ chức học tập ban đêm cho học sinh trên tinh thần tự nguyện của giáo viên. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn duy trì và thực hiện đều đặn”. 

Kỳ Sơn là huyện biên giới của tỉnh Nghệ An với hệ thống 19 trường bán trú. Từ hàng chục năm nay, các trường trên địa bàn huyện đã tổ chức học tập ban đêm cho học sinh trên tinh thần tự nguyện của giáo viên. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn duy trì và thực hiện đều đặn”.

Ông Phan Văn Thiết Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.