Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhiều bất cập trong đào tạo nghề cho lao động DTTS ở Đăk Lăk

Lê Hường - 11:46, 05/12/2020

Những năm qua, tỉnh Đăk Lăk luôn chú trọng đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số (DTTS) giúp nhiều người có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ở một số địa phương việc đào tạo nghề cho đồng bào DTTS chưa phù hợp với thực tế nên không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Một lớp học nấu ăn thu hút chị em phụ nữ tham gia
Một lớp học nấu ăn thu hút chị em phụ nữ tham gia

Nhiều chuyển biến

Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đúng đắn, thiết thực, tạo việc làm ổn định để phát triển kinh tế trong điều kiện còn rất nhiều người dân thiếu đất sản xuất, đặc biệt là đồng bào DTTS. 

Lập gia đình ra ở riêng, chỉ có vài sào cà phê, vợ chồng anh Y Liễu Byă ở Buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana đi làm thuê để trang trải cuộc sống qua ngày. Năm 2012, anh đăng ký học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện. Sau 3 tháng học, Y Liễu vay vốn mở tiệm sửa xe trước nhà. Mỗi ngày sửa hơn chục chiếc xe máy, anh thu về 200 - 300 nghìn đồng/ngày. 

Nhờ đó, chưa đầy 2 năm, Y Liễu không chỉ trả hết nợ, xây được căn nhà  kiên cố mà còn mở được cửa hàng tạp hóa cho vợ bán, kinh tế gia đình dần khá giả, các con anh được đầu tư ăn học đầy đủ. Y Liễu chia sẻ: “Nhờ học nghề, có việc làm đều mà thu nhập gia đình ngày càng ổn định. Hiện giờ cả hai vợ chồng không phải đi làm thuê nữa, cái nghèo cũng đã lùi xa”.

Tương tự, chị H’Tuyết Êban trước đây thuộc diện nghèo nhất buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Gia đình chỉ có 3 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp, không nuôi đủ 5 miệng ăn. Hai vợ chồng không có nghề, quanh năm đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Năm 2011, chị H’Tuyết đăng ký tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm do Trung tâm dạy nghề TP. Buôn Ma Thuột phối hợp Hội LHPN xã tổ chức. Kết thúc khóa học, chị đã tự dệt các sản phẩm thổ cẩm truyền thống như khăn, mền, váy, áo… với nhiều họa tiết hoa văn đẹp mắt. Chị vừa dệt sản phẩm theo nhu cầu của người dân trong vùng, vừa nhận thêm đơn hàng từ Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông. 

Năm 2016, chị H’Tuyết học thêm nghề may và được nhận làm thợ may cho HTX Tơng Bông. “Từ khi học nghề dệt, may, mình có được công việc phù hợp, có nguồn thu nhập ổn định hơn 3 triệu đồng/tháng, quan trọng hơn, mình giữ nghề truyền thống dân tộc mà bà, mẹ đã gắn bó nhiều năm. Bây giờ gia đình mình đã thoát nghèo và có thu nhập khá hơn rất nhiều”, chị H’Tuyết tâm sự.

Mới đây, UBND tỉnh Đăk Lăk vừa tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo báo cáo, giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.022 lớp đào tạo nghề cho 35.629 lao động với tổng kinh phí thực hiện trên 105 tỷ đồng. Trong đó, số lao động nông thôn được đào tạo nghề có việc làm mới và làm nghề cũ thu nhập đều tăng lên, đạt trên 82%. Qua thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, đã hình thành một số mô hình có hiệu quả về kinh tế - xã hội, phù hợp với nhiều địa phương và đang được triển khai nhân rộng, đã có sự gắn kết hơn giữa đào tạo nghề với việc làm sau đào tạo.

Vẫn còn nhiều bất cập

Mặc dù đào tạo nghề cho lao động DTTS đạt được kết quả tích cực, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Song công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Đó là tình trạng một số địa phương chưa xác định rõ đối tượng ưu tiên đào tạo nghề, chưa quan tâm đến các yếu tố đặc thù về lao động nông thôn nên học xong không áp dụng hiệu quả vào thực tiễn; trang thiết bị đầu tư tại một số đơn vị chưa đáp ứng nhu cầu học nghề; một số cơ sở đào tạo nghề chưa thực sự chú trọng đến chất lượng đào tạo, cơ hội tìm việc làm và sử dụng nghề được đào tạo của học viên...

Điển hình như nghề may công nghiệp, những năm qua, các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk mở rất nhiều lớp, nhưng sau đào tạo chỉ có số ít  người sống được với nghề. Một trong những nguyên nhân đó là trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, rất ít cơ sở may công nghiệp, muốn có việc thì phải đến các tỉnh, thành phát triển ngành may mặc.

Đơn cử, từ năm 2016 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức 5 lớp dạy may với 175 học viên. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số học viên mở được tiệm may, số ít chị em đi làm công nhân may ở các cơ sở may ngoài tỉnh, còn lại chị em trở về với nghề nông nghiệp truyền thống.

Thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk tham gia học nghề chăm sóc sắc đẹp
Thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk tham gia học nghề chăm sóc sắc đẹp

Chị Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Súp cho biết: Do địa bàn rộng, dân cư đông, đời sống người dân còn nghèo nên các tiệm may cũng hạn chế việc làm. Trong khi đó, đường giao thông lại xa, đi lại khó khăn nên Hội chưa thể nhận sản phẩm về cho chị em may gia công được, vì không thể đáp ứng tiến độ. Học viên chủ yếu phụ nữ đã có gia đình, tâm lý của đồng bào DTTS không muốn đi làm xa gia đình nên phần đông lại bỏ nghề để làm bạn với nương rẫy.

Hay như việc dạy nghề dệt thổ cẩm, học viên sau khi học nghề cũng chỉ làm để bảo tồn nghề truyền thống chứ chưa thực sự sống được với nghề, vì thị trường đầu ra của sản phẩm thổ cẩm vẫn rất hạn chế...

Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Đăk Lăk phấn đấu đào tạo nghề cho 20.000 lượt lao động nông thôn; trong đó, nghề nông nghiệp cho 12.000 người, phi nông nghiệp 8.000 người. Số nghề đào tạo là 110 nghề, trong đó nghề nông nghiệp 46 nghề, nghề phi nông nghiệp 64 nghề. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. 

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, việc đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk cần phải thay đổi cho phù hợp theo hướng chú trọng đến nhu cầu của thị trường cũng như cơ hội việc làm của học viên sau đào tạo...

Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho giai đoạn tiếp theo, chúng tôi tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, tư vấn để người lao động DTTS thấy được hiệu quả của công tác đào tạo nghề. Hơn nữa, nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề phải xác định được việc gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đào tạo nghề trên cơ sở theo nhu cầu của người học, phù hợp với địa phương.

Ông Phạm Phú Hùng

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Lăk

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.