Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Quảng Ngãi: Người dân áp dụng hiệu quả kiến thức từ đào tạo nghề

Thành Nhân - 16:34, 10/11/2020

Thời gian qua, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, thu nhập cho một bộ phận người lao động (NLĐ). Đây cũng là giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu LĐ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn và miền núi.

Nhiều lao động nông thôn Quảng Ngãi sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng vào sản xuất hiệu quả
Nhiều lao động nông thôn Quảng Ngãi sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng vào sản xuất hiệu quả

Chuyển dịch cơ cấu lao động

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Quảng Ngãi, sau 10 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 41.000 LĐNT, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 14.441 người và nghề phi nông nghiệp cho 26.842 người. Sau học nghề, đã có 37.000 LĐ có việc làm, thu nhập cao hơn. Kết quả này góp phần tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề từ 28,4% năm 2010, lên 55% vào cuối năm 2020; đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Hủy, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn chia sẻ, trước đây, ông nuôi bò theo kiểu nhỏ lẻ, vì chưa có kiến thức cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả thấp. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho bò, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại rộng 1.000m2, nuôi 40 con bò, cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

Nếu như trước đây, người dân ở huyện miền núi Trà Bồng chủ yếu chỉ biết chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của gia đình, thì sau khi tham gia lớp học nghề nông nghiệp, họ đã biết mở rộng mô hình để chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định.

Nâng cao tay nghề cho lao động

Đến những địa phương có nhiều LĐNT học nghề may như các xã Tịnh An, Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), Đức Nhuận, Đức Lợi (huyện Mộ Đức)... có thể gặp được nhiều nhóm thợ miệt mài làm việc. Không chỉ vậy, nhiều LĐ sau khi học nghề cũng tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi) ở xã Tịnh An (Quảng Ngãi) chia sẻ: “Trước kia, tôi chỉ làm công việc đồng áng, thu nhập bấp bênh. Cuối năm 2017 tôi được Hội LHPN xã hỗ trợ học nghề may công nghiệp vào. Chỉ sau 3 tháng học nghề, tôi đã có việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/tháng”.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả hơn nữa, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề. Hiện, toàn tỉnh có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trung tâm cũng có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT như: Chủ động phối hợp với các địa phương, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, các hợp tác xã để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi học nghề.

Bên cạnh đó, các loại hình đào tạo nghề cũng đa dạng, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, cung ứng LĐ cho khu công nghiệp, các làng nghề và đào tạo nghề tham gia xuất khẩu LĐ, góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐNT.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Ngãi, Lương Kim Sơn cho biết: Hiệu quả của công tác đào tạo nghề đã giúp cải thiện đáng kể đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là việc đào tạo nghề cho LĐ là người DTTS, do phần lớn đồng bào là trụ cột gia đình, nên rất khó để sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ các buổi học và khóa đào tạo nghề.

Tin cùng chuyên mục
Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Từ 1/7/2025, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài tiền lương hưu, người lao động còn được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.