Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học, khẩn trương ứng phó siêu bão số 4

T.Hợp - 09:07, 27/09/2022

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão số 4 gây ra, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhiều tỉnh, thành phố như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Kon Tum đã phát đi thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh siêu bão số 4 (bão Noru).

Công an phường Kim Long, TP Huế hỗ trợ cắt tỉa cành cây xanh tại trường học ở địa bàn phường trước bão số 4. Ảnh CAND
Công an phường Kim Long, TP Huế hỗ trợ cắt tỉa cành cây xanh tại trường học ở địa bàn phường trước bão số 4. Ảnh CAND

Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi thông báo tạm dừng việc dạy và học trên địa bàn tỉnh từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới. Hiện tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 280.000 học sinh và 19.000 giáo viên các cấp. Sở yêu cầu các trường học huy động lực lượng chằng chống phòng, lớp, trường học, cắt tỉa cây xanh trong sân trường, chuyển tài liệu, thiết bị đồ dùng dạy học về nơi an toàn, tổ chức trực 24/24 giờ để nhận nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền về phòng, chống bão số 4.

Đồng thời, các trường cần phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp phòng, lớp học cho người dân vào tránh trú bão; không để học sinh, giáo viên, nhân viên ra ngoài khi bão đổ bộ.

Trường học ở vùng biển huyện Gio Linh (Quảng Trị) gia cố cửa để phòng tránh bão. Ảnh: Hưng Thơ.
Trường học ở vùng biển huyện Gio Linh (Quảng Trị) gia cố cửa để phòng tránh bão. Ảnh: Hưng Thơ.

Sở GD&ĐT Quảng Trị cho phép hơn 170.000 học sinh các cấp nghỉ học từ 12h45 ngày 27/9 đến khi có thông báo mới. Ngành giáo dục tạm hoãn các cuộc họp, cuộc thi, hội nghị, tập huấn chưa thực sự cấp bách. Bên cạnh đó, các đơn vị tham mưu với chính quyền địa phương kế hoạch sơ tán học sinh tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão, mưa lũ, khu vực trũng thấp, ven sông, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn; cử lực lượng trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình mưa bão và giải quyết sự cố phát sinh.

Các đơn vị, trường học phải chuẩn bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu để phòng, chống bão, tiến hành ngay việc chằng chống, che đậy nhà cửa, phòng học; khẩn trương di chuyển sách vở, máy móc tại phòng máy tính, thư viện, thiết bị dạy học... đến vị trí an toàn. 

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị cũng đã lên các phương án, kịch bản di dân tránh bão và tránh lũ, đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ.

Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào các ngày 27 - 28/9. Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế yêu cầu, các trường thực hiện chằng chống, gia cố đảm bảo an toàn cơ sở giáo dục, trường học; cắt tỉa cành cây trong khu vực trường có nguy cơ gãy đổ; lên phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất, chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ đến vị trí cao ráo để tránh hư hại. Đặc biệt, các trường chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố các công trình tại đơn vị, trường học.

Các trường thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Hue-S, Website của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh) để chủ động ứng phó, không để xảy ra bị động khi bão vào. Duy trì lực lượng, phương tiện và phân công lãnh đạo, lực lượng tự vệ cơ quan tổ chức trực tại đơn vị, trường học để chủ động xử lý các tình huống xảy ra trong bão lũ.

Trước đó, các thầy cô giáo ở các huyện vùng ven biển đã khẩn trương chằng chống trường lớp; di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không bị nguy cơ ngập lụt để tránh hư hỏng.

Các trường học ở Đà Nẵng khẩn trương chằng chống, bảo vệ trường lớp trước khi bão đổ bộ. Ảnh: AN
Các trường học ở Đà Nẵng khẩn trương chằng chống, bảo vệ trường lớp trước khi bão đổ bộ. Ảnh: AN

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học từ chiều ngày 26/9 cho đến khi có thông báo đi học lại. Các trường, trung tâm ở địa bàn thấp trũng, dễ bị ngập lụt hoặc được chọn làm nơi sơ tán dân đến tránh bão, thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ, báo cáo Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện; chủ động đề xuất phương án cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế.

Riêng các trường đại học tư thục trên địa bàn thành phố sẽ theo dõi tình hình bão, liên hệ với chính quyền địa phương nơi trường đóng chân, chủ động quyết định thời gian cho sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn và các yêu cầu về phòng, chống bão.  

Hơn 166.000 học sinh tại Kon Tum được nghỉ học để tránh siêu bão Noru ĐỨC NHẬT
Hơn 166.000 học sinh tại Kon Tum được nghỉ học để tránh siêu bão Noru ĐỨC NHẬT

Để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, Sở GD&ĐT Kon Tum cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thông báo cho 166.300 học sinh được nghỉ học để tránh bão Noru từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới. 

Đối với các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú chủ động báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với cha mẹ học sinh có phương án đảm bảo an toàn cho các em tại trường trong trường hợp nghỉ học tại chỗ.

Sở GD&ĐT Quảng Nam cho học sinh nghỉ học để phòng, tránh bão Noru từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới. Địa phương hiện có trên 354.000 học sinh thuộc 793 trường học. Sở yêu cầu các đơn vị chằng chống trường lớp, nhà làm việc, nhà kho, hệ thống cây xanh và các công trình xây dựng khác để phòng tránh gió bão làm tốc mái, ngã đổ, di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị các phương tiện kỹ thuật khác của đơn vị đến nơi an toàn để tránh ướt, hư hỏng; tắt hết các thiết bị điện khi không có người làm việc để đề phòng chập mạch điện nhằm đảm bảo an toàn trường học trong mưa bão./.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.