Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Nhiều họat động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngọc Ánh - 18:25, 04/05/2024

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tại tỉnh Điện Biên và TP. Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang và thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Một phần trong bức tranh 3D Chiến dịch Điện Biên Phủ được trình chiếu.
Một phần trong bức tranh 3D Chiến dịch Điện Biên Phủ được trình chiếu.

Trình chiếu bức tranh 3D "Chiến dịch Điện Biên Phủ"

Tối 3/5, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức trình chiếu bức tranh "Chiến dịch Điện Biên Phủ" bằng công nghệ 3D qua vách chiếu Panorama tại Tượng đài Cảm tử, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là tác phẩm nghệ thuật đồ sộ với diện tích hơn 3.000m2, được 200 họa sĩ tài năng dày công, tâm huyết khắc họa rõ nét “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta để làm nên Chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Chương trình trình chiếu bức tranh 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” dự kiến qua 4 trường đoạn (tổng thời lượng 1 lần chiếu cho cả 4 trường đoạn là gần 10 phút, và sẽ phát đi phát lại liên tục trong suốt ca chiếu) gồm:
Trường đoạn 1: Toàn dân ra trận: Hình ảnh người dân dắt xe thồ hỗ trợ tiền tuyến và những người chiến sĩ quả cảm kéo pháo lên đỉnh đồi chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với những tiếng hò dô khích lệ tinh thần nhau, xen kẽ vào đó là hình ảnh những bữa ăn đơn sơ của người lính.
Trường đoạn 2: Khúc dạo đầu hùng tráng: Những người lính xung phong ra trận, cùng với những tiếng hô “xung phong” và hàng loạt tràng pháo mặt đất. Bên cạnh đó là hình ảnh những quân y đang chăm sóc những người lính bị thương.
Trường đoạn 3: Cuộc đối đầu lịch sử: Người lính bò qua hầm đào cùng với các hành động bắn súng, tiếng hô “xung phong” và những người lính tử trận trên chiến trường cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh.
Trường đoạn 4: Khúc khải hoàn mừng chiến thắng: Lá cờ Việt Nam tung bay phấp phới trên nắp hầm tướng De Castries và các chiến sĩ dẫn giải tướng De Castries và các tù binh ra khỏi hầm.

Đông đảo công chúng tham quan bức tranh 3D ""Chiến dịch Điện Biên Phủ".
Đông đảo công chúng tham quan bức tranh 3D "Chiến dịch Điện Biên Phủ".

Việc trình chiếu bức tranh 3D "Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Hà Nội là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt trong công tác trưng bày, quảng bá và tuyên truyền lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi gợi lòng biết ơn, tình yêu hòa bình, tự do cho thế hệ trẻ. Đồng thời khẳng định vị thế và tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong lịch sử dân tộc.

“Từ mùa Hè Điện Biên đến mùa Thu Hà Nội”

Tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa Hè Điện Biên đến mùa Thu Hà Nội" nhằm chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chương trình diễn ra với nhiều tiết mục đặc sắc, gồm tổ khúc “Hồi tưởng”, cùng các tác phẩm được dàn dựng công phu như: “Quê hương anh bộ đội”, “Tình đồng chí”, “Bộ đội về làng”, “Tiểu đoàn 307”, “Đường lên Tây Bắc”, “Hò kéo pháo”, “Tiếng đàn”, “Áo mùa đông”, “Giải phóng Điện Biên”, liên khúc: “Cảm xúc tháng Mười - Tiến về Hà Nội”, khí nhạc “Qua miền Tây Bắc - Hành quân xa”…

Tổ khúc hợp xướng “Hồi tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Vân mở đầu chương trình chính luận nghệ thuật. Ảnh: M.H
Tổ khúc hợp xướng “Hồi tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Vân mở đầu chương trình chính luận nghệ thuật. Ảnh: M.H

Những trích đoạn chia sẻ của các nhân vật lịch sử, cùng các phóng sự, các thước phim tài liệu đan cài trong chương trình đã giúp khán giả sống lại những ngày tháng lịch sử oai hùng với tinh thần “quyết tâm còn cao hơn núi” của quân dân ta. Đó là hình ảnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - con người của những quyết định lịch sử; là chia sẻ của các nhân vật như ký giả người Australia Wilfed Burchett - người từng đến Việt Nam vào đầu năm 1953, từng gặp Hồ Chủ tịch đúng vào thời điểm ta đang chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ; Đại tá Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; ông Đỗ Ca Sơn, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316; đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đăng Vinh…

Thông qua chương trình, những người thực hiện muốn góp phần lan toả thông điệp: Chiến dịch Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trên chặng đường lịch sử nước nhà. Đó là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Ký ức Điện Biên”

Tối 4/5, tại Nhà hát lớn TP. Hà Nội diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ký ức Điện Biên”. Chương trình “Ký ức Điện Biên” do NSND Trần Bình viết kịch bản và đạo diễn, sẽ đưa khán giả sống lại không khí hào hùng của dân tộc Việt Nam 70 năm về trước qua các ca khúc như: Bộ đội về làng,” “Em bé Mường La,” “Tình ca Tây Bắc”, “Tiếng Khèn mùa ban nở”, “Trên đồi Him Lam” … Đặc biệt chương trình còn có một bài hát mới “Ký ức Điện Biên” do nhạc sỹ Tùng Lâm sáng tác. Ngoài ra, chương trình còn có một số ca khúc nổi tiếng như: “Bình TrịThiên khói lửa”…

(Tin tổng hợp) Nhiều họat động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 3

Chương trình nghệ thuật “Ký ức Điện Biên” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSND Quốc Hưng, NSƯT Tân Nhàn và các ca sĩ: Xuân Hảo, Hoàng Viết Danh, Thanh Thảo, Trung Sỹ, Huệ Thương; các nhóm nhạc: Thời Gian, Phương Nam…

Với một không gian âm nhạc được tạo nên bởi các liên khúc đi cùng năm tháng, được đầu tư dàn dựng công phu, thể hiện bối cảnh sống, chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Pháp, “Ký ức Điện Biên” thực sự là một chương trình nghệ thuật ý nghĩa dành cho khán giả Thủ đô trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Đua xe đạp về Điện Biên Phủ

Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” diễn ra từ ngày 1- 5/5 trên tổng lộ trình 525km từ Thủ đô Hà Nội tới TP. Điện Biên Phủ. Cuộc đua có sự tham gia của 70 vận động viên đến từ 10 đội đua, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quân khu 7, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long, Thanh Hóa và Hòa Bình.

Vận động viên tham gia Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” thi đấu chặng thứ 3 Hòa Bình – Sơn La. Ảnh: C.T.V
Vận động viên tham gia Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” thi đấu chặng thứ 3 Hòa Bình – Sơn La. Ảnh: C.T.V

Sáng 4/5, các vận động viên bước vào chặng 4 với điểm xuất phát tại Quảng trường Tây Bắc, TP. Sơn La đi qua thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu chinh phục đèo Pha Đin – ranh giới giữa Điện Biên và Sơn La. Sau khi đến thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, đoàn đua tiếp tục vượt qua thị trấn Mường Ảng, vượt qua đèo Tằng Quái trước khi về đích tại Quảng trường 7/5, TP. Điện Biên Phủ…

Kết thúc chặng thứ 4, chiều ngày 5/5, các vận động viên sẽ thi đấu chặng thứ 5 – chặng cuối cùng của giải xung quanh TP. Điện Biên Phủ. Các vận động viên xuất phát tại Quảng trường 7/5 đi tới đoạn từ ngã ba giao với đường vào Tỉnh ủy quay đầu xuống đoạn đường mở trước Cửa hàng Kính mắt Bệnh viện Điện Biên Phủ, phường Nam Thanh, sau đó quay ngược lại về Quảng trường 7/5. Chiều dài mỗi vòng đua là 2,4km, 17 vòng thi đấu với tổng cự ly là 40,8km.

Lễ bế mạc và trao giải “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra ngay sau khi chặng thi đấu thứ 5 kết thúc tại Quảng trường 7/5, TP. Điện Biên Phủ.

Kể chuyện Điện Biên Phủ bằng nghệ thuật xiếc

Chương trình “Sống mãi với Điện Biên” biểu diễn tại Rạp Xiếc Trung ương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngày 4 -5/5 tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng ngôn ngữ xiếc.

Chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên”. (Ảnh: LĐXVN cung cấp).
Chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên”. (Ảnh: LĐXVN cung cấp).

Chương trình “Sống mãi với Điện Biên” do Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn, với sự tham gia của 60 nghệ sĩ, tái hiện chiến dịch lịch sử 70 năm trước với âm hưởng hào hùng, bi tráng. “Sống mãi với Điện Biên”.

Chương trình dài 90 phút, đưa khán giả qua 7 hoạt cảnh “Tây Bắc hào hùng”, “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo”, “Trên đồi Him Lam”, “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Giải phóng Điện Biên”, “Sống mãi với Điện Biên”, được lấy ý tưởng từ những bài hát nổi tiếng về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chương trình có sự tham gia phối hợp của các nghệ sĩ nhiều thể loại xiếc, cùng ca sĩ, nghệ sĩ múa…, phô diễn các thể loại xiếc như xe đạp chồng người, nhào lộn, tung hứng, đế trụ tập thể, đế thống, hình tượng nam, dây da, leo cột, nhào lưới, cầu bật tập thể, thăng bằng trên dây và các màn xiếc thú..

Tác phẩm này thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn đối với những thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc, đặc biệt là những người đã tham gia “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.