Thay vì đến trạm y tế xã để khai báo và được hướng dẫn cách điều trị các triệu chứng của bệnh Covid-19, ông Thào Seo Dế ở xã Dìn Chin, huyện Mường Khương lại lên rừng hái lá để đun thuốc cho cháu uống. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, tình trạng sức khỏe của người cháu vẫn chưa có sự tiến triển.
“Nhà nghèo lắm, không có tiền mua thuốc, đứa cháu bị ho, sốt mấy ngày rồi vẫn chưa thấy khỏi, nó bảo mệt không đi học được, nên tôi cho cháu ở nhà để rồi đi hái lá đun thuốc cho uống”, ông Dế bảo vậy.
Không chỉ nhận thức hạn chế, tâm lý chủ quan trong điều trị Covid-19 đang diễn ra khá phổ biến ở các thôn bản vùng cao. Do tỉ lệ bệnh nhân F0 khai báo, cập nhật tình trạng sức khỏe thông qua ứng dụng điện thoại rất thấp, nên cán bộ các trạm y tế phải dành thời gian xuống thôn, bản để nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, việc này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Nhiều gia đình khi chúng tôi đến thì cũng chẳng gặp được ai, thậm chí F0 cũng chẳng có ở nhà. Để có thông tin chúng tôi đành hỏi hàng xóm, trưởng thôn; tuy nhiên, những thông tin này cũng không chính xác lắm, nhất là tình trạng sức khỏe của người bệnh. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm trong thôn, bản và trong cộng đồng sẽ rất cao. Đây là điều mà chúng tôi rất lo lắng”, chị Tráng Thị Phương, cán bộ Trạm y tế xã Dìn Chin cho biết.
Hiện nay, huyện Mường Khương có gần 800 bệnh nhân F0. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, trong khi không còn các gói an sinh, thuốc hỗ trợ người dân điều trị tại nhà. Nhận thức của bà con ở một số thôn bản còn hạn chế, nên họ chưa thực hiện tốt quy định cách ly.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có gần 4.500 bệnh nhân F0 đang đang điều trị tại nhà, trong đó gần 4 nghìn trường hợp sinh sống tại các địa phương vùng cao. Do địa bàn rộng, lực lượng y tế cơ sở mỏng nên việc quản lý, điều trị cho các ca F0 tại nhà gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, thói quen sinh hoạt chưa bảo đảm, điều kiện điều trị, cách ly tại nhà chưa bảo đảm… là những nguy cơ tiềm ẩn lấy lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mường Khương cho biết: Do điều kiện và nhận thức còn hạn chế, nên tỷ lệ người dân cập nhật tình trạng bệnh hằng ngày trên phần mềm theo dõi quản lý điều trị F0 tại nhà rất thấp. Nhiều trường hợp F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà; một số xã đã phải sử dụng nhà văn hóa hoặc các cơ sở để điều trị F0. Ví dụ như xã Pha Long, UBND xã đã phải mượn Trạm Điện lực cụm xã Pha Long làm nhà cách ly tập trung, điều trị F0. Xã Nấm Lư, xã Nậm Chảy... phải trưng dụng nhà văn hóa xã để cách ly các F0, sau khi thẩm định nhiều gia đình không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
“Khi chúng tôi thẩm định thì chỉ có 35% các hộ gia đình ở vùng cao có đủ điều kiện tối thiểu để đảm bảo quản lý, điều trị F0 tại nhà. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thì có hạn, nhiều anh chị em cũng mắc Covid-19 nên càng thiếu nhân lực. Việc thu gom rác thải của F0 ở vùng cao Mường Khương cũng còn nhiều bất cập, người dân chưa tuân thủ các quy định về quản lý, thu gom chất thải như chưa phân loại chất thải lây nhiễm, rác thải chưa được xử lý, tình trạng rác thải vứt bừa bãi, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Việc quản lý, điều trị F0 tại nhà đang là bài toán khó đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Bởi vậy, ngoài việc phát huy vai trò y tế cơ sở, thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định cách ly, phòng dịch cần tiếp tục được đẩy mạnh...