Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nhiều quốc gia thiếu hụt nhân lực lao động trầm trọng

Nguyệt Anh (T/h) - 08:25, 17/08/2022

Sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đang thiếu hụt nhân lực lao động trầm trọng. Thiếu nhân lực đang gây khó khăn cho tiến trình phục hồi kinh tế, nhiều nước có các biện pháp khẩn cấp nhằm khắc phục tình trạng này.

Châu Âu luôn "khát" lao động các ngành về kỹ thuật, cơ khí, lắp ráp...
Châu Âu luôn "khát" lao động các ngành về kỹ thuật, cơ khí, lắp ráp...

Nhiều quốc gia thiếu hụt lao động

Theo Hiệp hội Nông dân quốc gia Anh (NFU), do thiếu nhân công thu hoạch, một lượng lương thực trị giá hơn 60 triệu bảng Anh bị lãng phí trong nửa đầu năm 2022. 40% số nông dân nói rằng họ chịu nhiều thiệt hại do thiếu người thu hoạch rau và trái cây. Từ đầu năm đến nay, Anh đã cấp khoảng 38.000 thị thực cho người lao động thời vụ từ nước ngoài, song chưa đáp ứng nhu cầu thực tế cần khoảng 70.000 người.

Tình trạng thiếu công nhân lành nghề ở Đức cũng ngày càng nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (Ifo) cho thấy, gần 50% số các công ty Đức đang thiếu nhân công, thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ và lĩnh vực sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nhất. 

Ông Lê Hải Sơn, chủ một siêu thị ở Berlin (Đức) cho biết dù Chính phủ Đức đã quyết định tăng lương tối thiểu lên mức 12 euro (gần 300.000 đồng) cho mỗi giờ làm việc nhưng siêu thị của ông nói riêng và nhiều doanh nghiệp nhỏ khác vẫn khó tuyển lao động làm một số công việc giản đơn như đóng gói, dán nhãn hàng, thu ngân... Thiếu người làm buộc nhiều cửa hàng phải giảm thời gian mở cửa, có hôm phải đóng cửa nửa ngày.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ người trên 60 tuổi trong lực lượng lao động tăng lên mức 58%. Dữ liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cho thấy, hơn 230.000 người từ 60 tuổi trở lên vẫn làm việc kể từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, điều này chưa giúp giảm bớt tình trạng thiếu nhân công trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến nới lỏng hạn chế về thị thực và quy định đối với lao động nước ngoài để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực.

Chính phủ Australia cũng xem xét nâng số lượng người nhập cư hằng năm nhằm tăng nguồn cung lao động cho thị trường trong nước. Do dịch Covid-19, số người nhập cư vào Australia giảm liên tục trong gần 3 năm qua, dẫn thiếu hụt lao động nghiêm trọng trên diện rộng. Dự kiến, có thêm 40.000 lao động nước ngoài tay nghề cao được phép nhập cư vào Australia mỗi năm.

Cơ hội rộng mở cho người lao động Việt Nam

Từ thực trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, nhiều quốc gia châu Âu đang tìm cách thu hút lao động đến từ Việt Nam. Trong gần 52.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 1.000 lao động đã đến một số nước châu Âu. Trong đó, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức và Hungary là 2 nước được nhiều lao động Việt Nam lựa chọn. Các doanh nghiệp (DN) đào tạo, tuyển dụng của 2 quốc gia này cũng chủ động đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác, thúc đẩy việc đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam sang làm việc tại nước họ.

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ôtô của hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ôtô của hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Nước Đức đang đề ra mục tiêu mỗi năm tuyển mới 400.000 lao động nước ngoài mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Đối với những lĩnh vực cần lao động trình độ cao, các doanh nghiệp ở Đức có nhu cầu tuyển dụng lên tới 360.000 nhân lực. Hiện tại, Chính phủ Đức đang tìm giải pháp khắc phục, trong đó có cải cách chính sách nhập cư.

 Để duy trì hoạt động, nhiều chủ doanh nghiệp khác tại Đức tăng cường tuyển dụng từ bên ngoài nước Đức. Họ hạ thấp nhiều điều kiện để thu hút NLĐ từ nước ngoài. Các công việc phổ thông được ưu tiên tuyển nhanh, không cần kinh nghiệm, trình độ tiếng Đức cũng được yêu cầu ở mức tối thiểu. Du học sinh là đối tượng được các DN hoạt động dịch vụ tại Đức săn đón để tận dụng số giờ được phép làm thêm trong quá trình học.

Đây chính là cơ hội dành cho NLĐ có tay nghề của Việt Nam với thị trường lao động chất lượng cao tại Đức trong thời gian tới. Trong đó, các nhóm ngành nghề nước Đức đang rất cần là: điều dưỡng, trợ lý cứu thương, nữ hộ sinh, bác sĩ, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, đầu bếp, chế biến thực phẩm, kỹ thuật công nghệ ôtô, xây dựng, kỹ thuật điện. Những thông tin này được ông Matthias chia sẻ trong buổi lễ ký kết với một DN cung ứng lao động tại Việt Nam gần đây.

Đối với thị trường lao động tại Hunggary cũng đang rộng cửa chào đón người lao động Việt Nam. Mới đây, ông Juhas Csongor, Tổng Giám đốc Công ty Prohuman (Hungary), đã trực tiếp sang Việt Nam làm việc với các cơ quan chức năng và DN Việt Nam để thúc đẩy đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary.

Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hungary làm việc
Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hungary làm việc

Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay đã có 16 DN Việt Nam được cấp giấy phép tổ chức đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hungary theo hợp đồng. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số lao động được đăng ký gần 3.000 người, trong đó các doanh nghiệp đã tổ chức cho hơn 1.080 người sang Hungary làm việc trong các ngành nghề nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng...

Ông Juhas Csongor cho biết, Hungary có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực đang ở mức nghiêm trọng tại quốc gia này. Sau kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp trong nước, Chính phủ Hungary đồng ý cấp nhanh visa lao động nước ngoài cho 9 quốc gia và Việt Nam là nước đứng đầu trong danh sách này.

Ông Juhas Csongor cũng cho biết, lao động Việt Nam đang làm việc tại Hungary được các chủ sử dụng lao động đánh giá cao về sự chăm chỉ, siêng năng, ham học hỏi, hòa nhã và có tính kỷ luật cao. Theo thống kê của cơ quan lao động Hungary, trong năm 2020 có khoảng 2.000 lao động Việt Nam đến Hungary làm việc và ông Juhas kỳ vọng trong thời gian tới, quốc gia này đón thêm hàng chục ngàn lao động Việt Nam.