Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nhiều sản phẩm OCOP của Yên Bái vẫn khó vào siêu thị

Nguyên Minh - 18:14, 27/11/2023

Tỉnh Yên Bái hiện có trên 200 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm truyền thống có chất lượng cao. Trong những sản phẩm này đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu. Tuy nhiên, dù các sản phẩm OCOP của tỉnh có chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa theo quy định, có tem, mã truy suất nguồn gốc nhưng vẫn chưa có chỗ đứng trong các siêu thị bán lẻ, cửa hàng tự chọn.

Nhiều mặt hàng OCOP của tỉnh Yên Bái đang được bầy bán ở nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh
Nhiều mặt hàng OCOP của tỉnh Yên Bái đang được bầy bán ở nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai tại tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã thực sự mang lại một luồng gió mới cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc sản của tỉnh. Từ chương trình này mà nhiều sản phẩm có tên gọi, có mã vạch, có tem truy suất nguồn gốc, thâm chí nhiều sản phẩm có nguy cơ mai một đã được hồi sinh. Các sản phẩm Ocop đã tạo ra việc làm ổn định cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở khắp các địa phương có sản phẩm OCOP. 

Là một thành viên của HTX Miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái, chị Phạm Thị Thu Hà, chia sẻ với người nông dân ở nông thôn như chúng tôi có được công ăn việc làm nhờ có tham gia vào sản xuất miến đao và có thu nhập từ 7 đến 8 triệu một lao động trong tháng. Tuy nhiên, đối với sản phẩm Miến đao Giới phiên hiện là sản phẩm OCOP 4 sao của Yên Bái, sau nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, cũng như kiên trì thực hiện việc tiếp cận thị trường trong nhiều năm liền, thì mới có được thành quả như vậy.

Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu riêng, có chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, nhưng hầu hết các sản phẩm OCOP của Yên Bái đang khó tiếp cận những thị trường tiền năng như siêu thị, trung tâm thương mại lớn, nhất là đối với những mặt hàng mới, người tiêu dùng chưa biết đến nhiều, vì thế mà các đơn vị phân phối cũng dè dặt khi nhập vào để tiêu thụ. 

Là đơn vị có tới 5 sản phẩm OCOP được chế biến từ cá Hồ Thác Bà, thời gian qua Công ty TNHH chế biến thủy sản sạch Hải Hà ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện dây chuyền sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, khép kín từ khâu nuôi trồng đến chế biến sản phẩm. Sản phẩm hiện đã có mã vạch, tem truy suất nguồn gốc và cũng đã được người tiêu dùng đón nhận. Mục tiêu của Công ty là đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị, các thị trường tiêu dùng lớn cũng như hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên đến nay, các sản phẩm này chủ yếu mới được tiêu thụ ở trong tỉnh, chỉ một lượng nhỏ được tiêu thụ ở tỉnh Lào Cai và Tuyên Quang. 

Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua công ty cũng đã tranh thủ sự hỗ trợ của Sở Công thương, ngành nông nghiệp tỉnh để tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm, hội chợ thương mại, tiếp cận tới các siêu thị lớn như Big C, Vinmart,… thế nhưng sản phẩm của đơn vị cũng khó trụ được ở thị trường này. “Doanh nghiệp sau khi sản xuất, cũng đã chủ động đi tìm thị trường, dù đã có mặt ở các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, siêu thị, nhưng để duy trì sản phẩm ở đó một lượng hàng lớn là cả vấn đề. Vì những sản phẩm tương tự trong siêu thị rất nhiều, khó cạnh tranh, trong khi đó cần một đội ngũ tiếp thị trực tiếp thì năng lực doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện trong ngày một, ngày hai”, Chị Vũ Thị Thu Phương, đại diện Công ty phản ánh.

Công nhân của Công ty TNHH chế biến thủy sản sạch Hải Hà đang chế biến sản phẩm xúc xích cá lăng theo tiêu chuẩn OCOP
Công nhân của Công ty TNHH chế biến thủy sản sạch Hải Hà đang chế biến sản phẩm xúc xích cá lăng theo tiêu chuẩn OCOP

Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP thời gian qua, tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai nhiều giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, một trong những lý do khiến sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh bí đầu ra, đặc biệt là khó tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn là do các hộ nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, chưa có hồ sơ, chứng từ trong giao dịch, mua bán. Ngoài ra, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác… Điều này khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ đa dạng trên thị trường. 

Qua trao đổi với ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái về thực trạng này, ông cho rằng một số sản phẩm OCOP của tỉnh hiện tại không đủ lớn, khi chúng ta tiếp cận việc xuất khẩu, hay bầy bán tại các siêu thị lớn, bắt buộc các đơn hàng phải đạt ổn định ở một quy mô nhất định, cho nên một số sản phẩm đó không đạt yêu cầu; thêm vào đó một số sản phẩm OCOP 3 sao, chứng nhận còn chưa đạt các yêu cầu cần thiết do các siêu thị đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa, do đó không đủ điều kiện để vào. Còn đối với các đơn vị sản xuất, việc sản xuất cũng chỉ đủ bán ở góc độ địa phương nên phần nào đó cũng chưa thể có mặt tại các siêu thị.

Mục tiêu của tỉnh Yên Bái là mỗi năm phát triển từ 45 - 50 sản phẩm OCOP, do vậy, để sản phẩm OCOP có được đầu ra ổn định, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm chung tay xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh thì các chủ thể Ocop cũng cần chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chú trọng đến thiết kế mẫu mã sản phẩm để thu hút người tiêu dùng, song song với đó cũng cần khai thác thế mạnh của các sàn thương mại điện tử để sản phẩm OCOP có cơ hội vươn xa hơn.