Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lai Châu: Góp phần thúc đẩy bình đẳng giới từ Chương trình OCOP

Tùng Nguyên - 09:20, 14/11/2023

Sau 05 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần làm thay đổi vùng nông thôn tỉnh Lai Châu, nhất là đã phát huy được vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 30% chủ thể OCOP là người DTTS điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sản phẩm OCOP 3 của Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV. (Nguồn ảnh: laichau.gov.vn)
Sản phẩm OCOP 3 của Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV. (Nguồn ảnh: laichau.gov.vn)

Khai thác tiềm năng

Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới, có tổng diện tích trên 9.000 km2, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS. Với diện tích tự nhiên lớn, nguồn lao động dồi dào, khí hậu nhiệt đới, Lai Châu có tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển các loại cây dược liệu quý, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung,... Ngoài ra, tỉnh còn có Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, thuận lợi để thúc đẩy kinh tế biên mậu.

Đây là những lợi thế của tỉnh Lai Châu trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 05 triển khai, tính đến tháng 8/2023, theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 171 sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao và tiềm năng 4 sao của 74 chủ thể (trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền đánh giá phân hạng, 163 sản phẩm 3 sao).

Sản phẩm Mật ong Thanh Xuân của HTX nông nghiệp Mường Mít đạt 3 sao. (Nguồn ảnh: laichau.gov.vn)
Sản phẩm Mật ong Thanh Xuân của HTX nông nghiệp Mường Mít đạt 3 sao. (Nguồn ảnh: laichau.gov.vn)

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã thâm nhập đến các thị trường ngoại tỉnh, dần khẳng định thương hiệu, góp phần đưa nông nghiệp hàng hoá Lai Châu phát triển gắn với thị trường cả nước và quốc tế. Chương trình OCOP đã “đánh thức” nhiều tiềm năng nông nghiệp của tỉnh, đồng thời khuyến khích các nhóm lao động yếu thế (người DTTS, phụ nữ) chủ động phát triển kinh tế hàng hóa, làm giàu cho mình và cho địa phương.

Đơn cử tại xã Mường Mít (huyện Than Uyên), bao đời nay, vào mùa khô, Nhân dân các bản trong xã lại vào rừng khai thác mật ong phục vụ sinh hoạt và bán ra thị trường. Tuy nhiên, số lượng mật thu được ngày càng giảm do ong bị phá đàn. Để không mai một tiềm năng, chính quyền xã Mường Mít quyết tâm xây dựng nghề nuôi ong lấy mật theo hướng bền vững, gắn với thực hiện Chương trình OCOP.

Từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, đầu năm 2022, xã Mường Mít đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mường Mít, với 9 hộ dân liên kết để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Giám đốc HTX là chị Lò Thanh Xuân; sản phẩm chính là mật ong Thanh Xuân.

Chỉ trong năm đầu tiên hoạt động (năm 2022), HTX Nông nghiệp Mường Mít đã đưa ra thị trường hơn 2.000 lít mật, bán với giá 150 nghìn đồng/lọ 350ml, tạo thu nhập ổn định cho các hộ gia đình liên kết từ 50 - 60 triệu đồng/hộ/năm. Sản phẩm mật ong Thanh Xuân đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tháng 11/2022.

Lai Châu chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trong triển khai Chương trình OCOP.
Lai Châu chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trong triển khai Chương trình OCOP.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu, 171 sản phẩm OCOP đã được công nhận của tỉnh rất phong phú và đa dạng; hầu hết đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của từng địa phương. Có thể kế đến nhóm thực phẩm như: gạo, quả, sản phẩm chế biến từ thịt, cá… đến các sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khoẻ (mật ong, cao dược liệu, đông trùng hạ thảo, trà), sản phẩm du lịch và thủ công mỹ nghệ…

Từ nhóm hàng đặc thù đó nên Lai Châu có nhiều chủ thể OCOP là nữ, người DTTS. Chính từ kiến thức bản địa, cùng với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhiều phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh đã đưa những đặc sản của đồng bào các dân tộc vươn xa, thâm nhập đến những thị trường khó tính trong và ngoài nước, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu trong từng sản phẩm đặc trưng.

Chị Khà Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV là một ví dụ. Vốn dĩ, các sản phẩm như: thịt trâu, thịt lợn gác bếp, khô bò, chẩm chéo là các sản phẩm đặc trưng bao đời nay ở vùng của Tây Bắc. Nhưng Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV do chị Hạnh làm Giám đốc đã đầu tư, xây dựng thương hiệu thịt trâu, thịt lợn gác bếp, khô bò, chẩm chéo Tây Bắc TV. Cả 4 sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao vào tháng 12/2022.

Lai Châu thúc đẩy bình đẳng giới từ Chương trình OCOP. (Trong ảnh: Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV Khà Thị Hạnh với sản phẩm OCOP 3 sao)
Lai Châu thúc đẩy bình đẳng giới từ Chương trình OCOP. (Trong ảnh: Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV Khà Thị Hạnh với sản phẩm OCOP 3 sao)

Theo ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu, OCOP là quá trình thực hiện lâu dài và không có điểm dừng. Vì vậy, sau khi các sản phẩm OCOP được công nhận, Sở tiếp tục chỉ đạo các chủ thể duy trì chất lượng, không ngừng cải tiến bao bì, nhãn mác và mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm. Xác định OCOP là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, những năm qua tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ các cá nhân, tổ chức xây dựng sản phẩm.

Đặc biệt, ngày 22/3/2021, HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có chính sách phát triển các sản phẩm OCOP. Đây là động lực quan trọng để Lai Châu triển khai Kế hoạch số 3858/KH-UBND ngày 14/10/2022 về thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có thêm ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 02 sản phẩm có tiềm năng đạt 05 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Chương trình OCOP “đánh thức” nhiều tiềm năng nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, đồng thời khuyến khích các nhóm lao động yếu thế (người DTTS, phụ nữ) chủ động phát triển kinh tế hàng hóa.
Chương trình OCOP “đánh thức” nhiều tiềm năng nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, đồng thời khuyến khích các nhóm lao động yếu thế (người DTTS, phụ nữ) chủ động phát triển kinh tế hàng hóa.

Trong Kế hoạch số 3858/KH-UBND, UBND tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu, đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 30% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 30% chủ thể OCOP là người DTTS điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Theo Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND, khi các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP sẽ được hỗ trợ một lần (20 triệu đồng/sản phẩm) để hoàn thiện hồ sơ; hỗ trợ một lần (10 triệu đồng) chi phí thiết kế, in, mua bao bì, nhãn mác sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng các cấp; thưởng cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận: 100 triệu đồng/1 sản phẩm đạt 5 sao; 30 triệu đồng/1 sản phẩm đạt 4 sao; 10 triệu đồng/1 sản phẩm đạt 3 sao.