Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhìn lại bức tranh kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Nhiều tiềm năng nhưng vẫn là “lõi nghèo” (Bài 1)

Thúy Hồng - Mạnh Cường - 18:01, 25/05/2021

Là một trong 06 vùng kinh tế của Việt Nam, Trung du và Miền núi phía Bắc (TD&MNPB) là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, lại được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, nhiều năm qua, đây vẫn đang là vùng lõi nghèo và khó khăn nhất cả nước.

Cây chè và sản phẩm chè đặc sản ở Thái Nguyên mang lại giá trị kinh tế cao.
Cây chè và sản phẩm chè đặc sản ở Thái Nguyên mang lại giá trị kinh tế cao.

Để phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc, ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW khóa IX về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020” (Nghị quyết 37). Nghị quyết 37 ra đời, đã mở đường cho việc ban hành các cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy vùng TD&MNPB phát triển. Tuy nhiên, đến nay, nhiều mục tiêu  phát triển vùng theo Nghị quyết 37 vẫn chưa đạt được.

Nhiều tiềm năng…

TD&MNPB là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số...

Tại Lào Cai, theo chia sẻ của ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, với vị trí địa lý đặc trưng nằm trên cửa ngõ hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai, có nhiều thành phần dân tộc với bản sắc văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, phù hợp với phát triển du lịch, thời tiết thuận lợi cho việc phát triển nông sản…

Vùng TD&MNPB bao gồm 14 tỉnh, với diện tích khoảng 100.965 km2, chiếm 28,6% diện tích cả nước với tổng dân số 13.853.190 người, trong đó có khoảng 30 dân tộc đang sinh sống.

Với những tiềm năng lợi thế đó, đã có hàng loạt các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng được nghiên cứu lập quy hoạch triển khai như: Dự án Cảng hàng không Sa Pa cấp 4C với công suất 3 triệu khách/năm, dự án đường nối cao tốc Hà Nội –Lào Cai với Sa Pa…để thúc đẩy phát triển tiềm năng kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, kinh tế Lào Cai tăng trưởng khá và đồng đều trên các lĩnh vực mũi nhọn, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong 14 tỉnh TD&MNPB.

Hay với Tuyên Quang, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, tuy là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng với một số lợi thế về sông suối, tài nguyên, khoáng sản, bản sắc văn hoá, địa danh lịch sử cách mạng... sẽ tạo ra tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản đặc trưng như cây chè, cam Hàm Yên, cây lạc..; hay công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng…

Đặc biệt, với lợi thế là Thủ đô kháng chiến, có hơn 500 di tích lịch sử văn hóa và nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, Tuyên Quang đã khai thác tiềm năng du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút trên 6,7 triệu lượt khách du lịch, đạt 7.826 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 14.600 lao động ngành dịch vụ du lịch...

Nhưng vẫn là “lõi nghèo”

Từ khi Nghị quyết 37 ra đời, đã có hàng loạt các cơ chế, chính sách được ban hành để phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNPB. Trong đó, có thể kể đến như: Quyết định 186/2001-QĐ-TTg về phát triển kinh tế - xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc; Quyết định 120/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến 2010, Chương trình 134, 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ là trở ngại trong phát triển kinh tế của các địa phương.
Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ là trở ngại trong phát triển kinh tế của các địa phương.

Tổng nguồn lưc đầu tư từ các chương trình, dự án vào vùng Trung du và miền núi phía Bắc lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đơn cử như, nguồn vốn đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông của vùng giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 31.884 tỷ đồng (tương đương 7% tổng mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của ngành giao thông); Nguồn vốn dành cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, giai đoạn từ 2005 - 2020, ngân sách trung ương bố trí cho khu vực này là 46.692,756 tỷ đồng (chiếm 59,36% tổng kinh phí trong Chương trình).

Tiềm năng nhiều, chính sách đầu tư cũng không ít, tuy nhiên, tốc độ phát triển của vùng TD&MNPB vẫn còn nhiều hạn chế. Đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước; nhiều chỉ số về văn hoá, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc…

Như tại tỉnh Điện Biên, mặc dù là đầu mối giao thương quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam - Trung Quốc, có tiềm năng trong việc phát triển du lịch lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc… nhưng việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương này vẫn còn nhiều trở ngại, kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân còn khó khăn. Theo kết quả rà soát năm 2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn có 39.982 hộ (chiếm 29,97%) hộ nghèo; số hộ cận nghèo là 12.585hộ (chiếm 9,43%).

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, vùng TD&MNPB với 14 tỉnh, chiếm 1/3 diện tích của cả nước là nơi sinh sống của hơn 13 triệu người, nhưng đây đang là vùng trũng của phát triển. Vùng này đang ngày càng tụt hậu, khoảng cách giữa vùng với các vùng khác trong cả nước, đã có dấu hiệu ngày càng xa mặc dù Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt.

Minh chứng như, tỷ lệ hộ nghèo của vùng cao nhất cả nước chiếm tới 17% (năm 2019). Mật độ doanh nghiệp của vùng này đang rất thấp, chỉ bằng 1/3 mật độ chung cả nước. Toàn vùng có gần 26.500 doanh nghiệp, mật độ doanh nghiệp cả vùng là 2,7 doanh nghiệp/1000, chỉ bằng 1/3 mật độ trung bình của cả nước. Có tới 5 tỉnh trong khu vực đứng trong nhóm 10 địa phương có chỉ số PCI thấp nhất cả nước.

Từ thực tế, vùng TD&MNPB vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được khai thác và phát triển xứng tầm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải nhìn nhận rằng, những cơ chế, chính sách đã được ban hành để đầu tư, phát triển vùng còn hạn chế, và vẫn còn nhiều địa phương chưa khơi dậy được tính chủ động, phát huy nội lực... Điều này, dẫn đến tiến độ phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, chưa tạo được năng lực cạnh tranh của vùng cũng như các địa phương thuộc vùng ...

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ  phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.


Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.