Theo báo cáo tại Hội nghị Phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 (ngày 13/7), từ đầu năm 2020 đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất. Tính đến ngày 9/7, thiên tai trong khu vực đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 ngôi nhà bị sập, 52.015 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.
Vì vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng các mô hình chủ động ứng phó với thiên tai là rất cấp thiết đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Trên thực tế, ở một số địa phương đã và đang triển khai một số mô hình ứng phó thiên tai hiệu quả, cần được nhân rộng.
Điển hình như ở Thái An - xã vùng sâu của huyện Quản Bạ (Hà Giang) thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa đá, gió lốc. Chỉ tính trận gió lốc đầu năm 2018 đã khiến 102 ngôi nhà của các hộ dân xã Thái An bị tốc mái, phần lớn tập trung ở thôn Lố Thàng 2. Để giúp người dân chủ động ứng phó thiên tai, giữa năm 2018, UBND huyện Quản Bạ và xã Thái An đã triển khai xây dựng mô hình điểm chằng néo mái nhà bằng lưới thép B40 đối với 73 hộ dân tại thôn Lố Thàng 2; hộ ít có điều kiện kinh tế thì chằng néo mái nhà bằng cây tre, vầu.
Từ đó đến nay, mặc dù đã xảy ra nhiều trận mưa đá, dông lốc nhưng các gia đình ở thôn Lố Thàng 2 không bị ảnh hưởng. Hiện mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã, 100% hộ dân ở Thái An đã thực hiện chằng néo mái nhà bằng lưới thép hoặc tre, vầu. Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, mặc dù trên địa bàn xã xảy ra nhiều đợt dông lốc, nhưng nhờ chằng néo mái nhà nên không có hộ dân nào bị thiệt hại. Từ hiệu quả này, tỉnh Hà Giang đang nghiên cứu cơ chế, chính sách để nhân rộng mô hình.
Tại Lào Cai, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu ngày càng khó lường, tỉnh đang xây dựng, hoàn thiện mô hình chuyển từ phòng ngừa, ứng phó thiên tai sang “quản trị thiên tai”. Để thực hiện được mô hình này, từ năm 2015, Lào Cai đã thành lập Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Đây là cơ quan chuyên trách về phòng, chống thiên tai, có nguồn lực về cả con người và tài chính, trang thiết bị.
Còn tại Phú Thọ, hiện tỉnh đã nghiệm thu đề tài khoa học “Xây dựng mô hình cảnh báo và phân vùng lũ quét cho tỉnh Phú Thọ thích ứng với biến đổi khí hậu”. Khi được triển khai, mô hình này sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét với độ chính xác cao hơn so với các mô hình truyền thống trong việc xác định các vị trí địa lý có nguy cơ xảy ra lũ quét.