Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhịp sống ở “Ngôi nhà chung” trong mùa dịch

Thuý Hồng - 15:10, 06/07/2021

Nằm ngay dưới chân núi Ba Vì, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (xã Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là nơi tái hiện tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc anh em, "ngôi nhà chung" của đồng bào các dân tộc giữa Thủ đô. Nơi đây đã có nhiều đồng bào các DTTS ở mọi miền đất nước tụ hội về cùng sinh sống, để cùng nhau bảo tồn, gìn giữ, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bà con nấu những món ăn đặc trưng giới thiệu với du khách thăm quan (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)
Bà con nấu những món ăn đặc trưng giới thiệu với du khách thăm quan (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những ngày này, không khí tại  Làng Văn hóa –Du lịch các dân tộc Việt Nam im ắng hơn thường lệ. Nhưng khác với sự vắng vẻ ở chợ phiên hay các khu ẩm thực dành cho du khách đến thăm quan, thì ở các khu làng Tày Nùng, Làng Xơ-đăng hay Làng của đồng bào Thái… sinh sống, vẫn diễn ra những buổi tập luyện văn nghệ của từng nhóm nhỏ với các làn điệu dân ca, dân vũ, hoặc cảnh bà con tăng gia sản xuất.

Mới bước chân vào Làng của đồng bào Tày-Nùng, chúng tôi đã được nghe âm thanh trầm bổng của cây đàn tính quyện cùng điệu hát then ngọt ngào, nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày.

Chị Nguyễn Thị Xuyến, sinh sống ở làng của đồng bào Tày cho biết: Trong thời gian Làng đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, bà con tranh thủ tập luyện  lại những điệu múa, lời then để khi Làng mở cửa sẽ sẵn sàng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, các gia đình vẫn tăng gia, chăm sóc cây trồng, vườn rau, nuôi gà để cải thiện cuộc sống.

“Sau hai tháng đóng cửa, mới đây Làng đã được mở cửa đón khách trở lại, chúng tôi còn thu hoạch rau bán cho du khách đến thăm quan. Được du khách ủng hộ nhiệt tình, chúng tôi rất phấn khởi”, chị Xuyến vui vẻ nói.

Rời Làng của đồng bào Tày, đến với khu vực làng của đồng bào Xơ Đăng, chúng tôi như đang lạc vào không gian của núi rừng Tây Nguyên, bởi âm thanh rộn ràng của đàn t’rưng, đàn k’long put  do các nghệ nhân thể hiện...

Nói về cuộc sống của bà con đến sinh sống tại Làng, Nghệ nhân ưu tú Y Sinh, dân tộc  Xơ Đăng đến từ Kon Tum, định cư tại làng từ năm 2018 cho biết: Đến sinh sống tại Làng, bà con chúng tôi được Ban Quản lý làng luôn quan tâm, tạo điều kiện trong vấn đề ăn ở, sinh hoạt. Mặc dù dịch bệnh, nhưng bà con vẫn được nhận tiền hỗ trợ đầy đủ từ Ban Quản lý Làng.

“Đời sống của chúng tôi tại Làng rất đầy đủ, các cán bộ tại đây quan tâm rất chu đáo. Hàng tháng, chúng tôi còn được nhận gạo và tiền hỗ trợ nên rất yên tâm ở lại Làng”, bà Sinh chia sẻ.

Chợ phiên vùng cao tại Làng
Chợ phiên vùng cao tại Làng

Theo thống kê của Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong 5 năm (2015-2020), Làng đã phối hợp với các địa phương đưa 15 nhóm cộng đồng các dân tộc về hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung” gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, Bru-Vân Kiều.

Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Hoạt động của đồng bào sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã mang lại sức sống, màu sắc và nét riêng có cho không gian hoạt động văn hóa, du lịch và được sự đón nhận của khách tham quan du lịch. Đồng bào hội tụ về Làng, đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng của dân tộc, địa phương thông qua hoạt động tại mỗi nếp nhà, không gian văn hóa được tái hiện.

Thời gian qua, để bảo đảm an toàn cho đồng bào, cũng như du khách trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Làng Văn hóa–Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chủ động, linh hoạt trong cách đón tiếp du khách, thực hiện nghiêm quy định không tập trung đông người; thậm chí có thời giẩm đóng cửa Làng khi dịch diễn biến phức tạp.

Các du khách nhí say sưa nghe các nghệ nhân của làng Xơ Đăng trình diễn đàn K’long put (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp)
Các du khách nhí say sưa nghe các nghệ nhân của làng Xơ Đăng trình diễn đàn K’long put (Ảnh chụp trước thời điểm dịch đợt Covid-19 lần thứ tư)

Trong thời gian dịch bệnh, ngoài việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo cơ chế 2 triệu đồng mỗi người một tháng, hàng tháng, Ban Quản lý hỗ trợ cho mỗi khu làng là 50kg gạo; tạo điều kiện để cho bà con tăng gia lao động sản xuất như trồng rau, nuôi gà, lợn để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, an tâm ở làng.

“Thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tạo điều kiện để luân phiên đồng bào về thăm gia đình, quan tâm gắn kết, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các nhóm nghệ nhân để giải quyết các vấn đề vướng mắc. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách giúp bà con yên tâm sinh sống tại Làng. Quyết tâm xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” của 54 dân tộc anh em”, ông Chung chia sẻ thêm.



Tin cùng chuyên mục
Lý Sơn (Quảng Ngãi): Tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Lý Sơn (Quảng Ngãi): Tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Ngày 24/4, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân, tưởng nhớ những binh phu trong Đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã có công khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.