Trống vừa là nhạc cụ, vừa là tín hiệu thông báo những hoạt động lễ hội, sinh hoạt trong buôn làng. Ở những ngôi nhà làng truyền thống luôn có những chiếc trống lớn nhỏ đặt trên giá, khi cần thì đồng bào mang ra dùng.
Người Cơ-tu có 3 loại trống khác nhau, trống lớn gọi là k’thu, cha gơr bơh, trống trung là pâr lư, trống nhỏ char gơr katươi. Mặt trống làm từ da sơn dương, da mang, vì các loại da này rất mỏng, tiếng trống mới vang. Da trâu, da bò ít khi dùng vì quá dày, trống không kêu.
Dây mây già, dài đến 20-30m, người ta chọn ra đoạn tốt nhất để làm dây kéo căng mặt trống. Tang trống làm bằng những loại gỗ tốt. Trống lớn khi đánh âm vang vọng, trống nhỏ làm nhịp điệu, phụ hoạ. Trống thường dùng để đánh hoà âm với chiêng làm nhịp điệu trong các vũ điệu tập thể.
Dân tộc Cơ-tu không dùng từ cồng chiêng mà dùng từ trống chiêng. Sau khi giàn trống chiêng ngân lên “tùng…tùng”, “tư...tư”, “tiing toàng…” thì bao giờ người con gái cũng bước ra trước biểu diễn các động tác múa rồi mới đến đàn ông con trai. Đi trước là nữ, đi sau là nam, nếu múa đông người thì vòng trong là nữ vòng ngoài là nam, thể hiện sự che chở của đàn ông với người đàn bà, con gái.
Một đặc trưng cơ bản của múa Cơ-tu là có sự kết hợp giữa múa nam và múa nữ trong một đội hình múa. Bên cạnh nhóm phụ nữ múa da’dă, những người đàn ông tham gia nhảy hội với điệu tân’ tung, tạo nên một đội hình múa hoàn chỉnh mà người Cơ-tu gọi là Tân’tung da’dă. Đi đầu đội hình múa còn có các già làng, nghệ nhân thổi tù và, khèn bè, một số người đánh chiêng, gõ trống. Với tiết tấu âm nhạc từ nhịp chiêng theo điệu đhưng kết hợp với tiếng trống trống, khi thì bập bùng nhịp nhàng nẩy nhấn, khi lại linh hoạt, cuốn hút theo những bước nhảy sôi nổi. Mọi người đều múa trong một vòng tròn và bước đi ngược chiều kim đồng hồ với nhịp điệu sôi động, rộn rã của tiếng trống, chiêng, làm sống dậy núi rừng hoang vắng, bao la.
Có người cho rằng, tân’tung bắt nguồn từ âm thanh của trống, là một trong hai nhạc cụ chủ đạo cho điệu múa truyền thống Cơ-tu. Trống vừa là nhạc cụ, vừa là vũ khí gắn với đàn ông và các cuộc chiến tranh bảo vệ buôn làng thời xa xưa. Tân’ tung là điệu múa dành cho đàn ông, chân bước ngang người (không bước về phía trước như đi bình thường) và luôn xoay người theo điệu của hai tay vẫy lên vẫy xuống…
Điệu múa của nam diễn tả, tái hiện cảnh đi săn thú là điệu múa mừng chiến thắng thể hiện tinh thần thượng võ của người Cơ-tu, hoà hợp với điệu múa cầu mùa của người phụ nữ. Khi tham gia nhảy hội, ngoài tấm áo choàng từ lưng xuống vai, từ vai xuống bụng và chiếc khố chữ T, người múa còn có đạo cụ là chiếc gùi (ta leo), những vũ khí của một chiến binh thời cổ như khiên, kiếm, cung nỏ hoặc giáo. Lúc múa, khi thì nhảy tiến lên lao thẳng giáo mác về phía trước, khi thì nhảy lùi, thu gọn khom người về phía sau đỡ khiên che chắn. Khi lại nhảy tót ngang qua lại để quan sát đối tượng, thú vật săn bắn. Động tác múa tân tung của đàn ông với cường độ và tiết tấu sinh động trong biểu biện sắc thái tình cảm thể hiện sức mạnh cường tráng, dũng mãnh, oai hùng. Sự mừng rỡ với chiến thắng, thành công.
Ngoài âm thanh của các thứ nhạc cụ chủ đạo, những thanh niên tham gia nhảy hội còn đồng thanh tạo nên tiếng hú, tiếng hét bắt chước tiếng vọng hoang dã của núi rừng. Tiếng hú, hô ầm ĩ của họ (gọi là t’rooh t’vau) hòa điệu với nhịp trống nói lên niềm vui sướng của cuộc sống tự do, phóng khoáng, bình yên giữa núi rừng bao la.
Trống còn dùng trong lễ ăn trâu và tiến hành các nghi thức hiến tế thần linh. Trước khi con trâu bị giết để hiến sinh thì đồng bào luôn tiếc thương và có bài khóc tế trâu (nơơi). Khi con trâu đã buộc vào cọc, những người lớn tuổi khóc trâu. Người đàn ông vừa đi vòng quanh cột lễ vừa đánh trống theo nhịp 2-1, 1-2 (đánh trống hai tiếng nhanh một tiếng chậm) rồi nói lên những câu tiếc thương, nhớ nhung con trâu, kể lại công sức của con trâu… Đó là tiếng trống trầm buồn thể hiện tình thương, nuối tiếc của bà con để tiễn biệt con trâu trước giờ khắc hiến sinh.
Trống là nhạc cụ gắn liền với đời sống tâm linh, văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, người Cơ-tu nói riêng. Nó là vật quý giá của buôn làng, làm nên nét đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào như âm nhạc, hát múa, lễ hội truyền thống… Hình ảnh người đàn ông đánh chiêng, gõ trống trong các lễ hội là đề tài mà các nghệ nhân điêu khắc Cơ-tu luôn khắc họa một cách cô đọng, sống động để trang trí nơi ngôi nhà làng truyền thống.
TẤN VỊNH - NGỌC ÁNH