Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nho Quan (Ninh bình): Xây dựng không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch

PV - 10:29, 22/05/2019

Trên địa bàn huyện Nho Quan (Ninh Bình) có khoảng 29 nghìn người là dân tộc Mường sinh sống (chiếm 15% dân số của huyện), tập trung chủ yếu ở các xã: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và rải rác ở các xã Quảng Lạc, Thạch Bình, Văn Phương, Yên Quang, Xích Thổ. Hiện nay, đồng bào lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như: văn hóa cồng chiêng, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy...

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của người Mường được trình diễn trong Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2019. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của người Mường được trình diễn trong Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2019.

Giữ gìn những “dây neo” văn hóa dân tộc Mường

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS trên địa bàn luôn được huyện Nho Quan quan tâm, chú trọng. Thông qua các Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường và Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường…, đồng bào có cơ hội phát huy những di sản văn hóa…

Đến nay, 8/8 xã có đông đồng bào DTTS sinh sống có Trung tâm văn hóa- thể thao xã; 100% thôn, bản của 8 xã có nhà văn hóa-khu thể thao thôn để phục vụ nhu cầu giải trí, các hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào. 7 CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường tại các xã đã được thành lập, tổ chức nhiều hoạt động duy trì thường xuyên trong cộng đồng.

Bà Bùi Thị Ân, thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB “Hát giao duyên tiếng Mường xã Cúc Phương” chia sẻ, Câu lạc bộ hoạt động giúp loại hình này có “không gian sống”. Mỗi lần được biểu diễn trong những dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa hay giao lưu với người Mường ở các tỉnh khác, chúng tôi luôn tự hào về văn hóa dân tộc mình và càng cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp của hát giao duyên.

Từ năm 2017 đến nay, huyện đều đặn tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho Nhân dân trong huyện. Các đặc sản núi rừng cũng được trưng bày để người dân và du khách hiểu hơn về đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào các dân tộc huyện Nho Quan.

Gắn văn hóa với phát triển du lịch

Nho Quan là huyện miền núi giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó, các điểm du lịch tập trung chủ yếu ở các địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống như: Khu du lịch vườn quốc gia Cúc Phương, khu nghỉ dưỡng Cucphuong Resort&Villas (xã Cúc Phương); khu tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương (xã Kỳ Phú); khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh và bảo tồn thiên nhiên hồ Yên Quang (xã Yên Quang)…

Nhận thức rõ về tiềm năng, nguồn lợi kinh tế mà ngành Du lịch mang lại, đồng bào Mường đã có tư duy khai thác những lợi thế của địa phương. Các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc đã được đưa vào phục vụ ở các khu, điểm du lịch như: hát giao duyên tiếng Mường ở xã Cúc Phương, cồng chiêng ở xã Kỳ Phú, Phú Long… Những ẩm thực đặc trưng của người Mường như thịt lợn, ốc núi, thịt hươu, rượu men lá, cơm cháy…, cũng được đồng bào chế biến phục vụ du khách...

Đặc biệt du lịch phát triển đang góp phần bảo tồn và thúc đẩy giao lưu văn hóa, khôi phục và bảo tồn và tiêu thụ các sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống, tăng cường bảo vệ môi trường đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Nho Quan.

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nho Quan, năm 2018, Nho Quan đón gần 100 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 12.500 lượt khách quốc tế, tổng nguồn thu từ du lịch là 18 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 43 cơ sở lưu trú với 575 buồng nghỉ, trong đó có 05 khách sạn đạt từ 1-2 sao. Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và đồng bào dân tộc đang kinh doanh hình thức homestay nên chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú ngày càng được nâng lên.

Huyện cũng khuyến khích đồng bào dân tộc ở các xã mạnh dạn đầu tư làm du lịch, với các hình thức như: nhà nghỉ cuối tuần, homestay theo dạng nhà sàn, các kiốt du lịch để câu cá ở các tuyến hồ. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ cho bà con xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.