Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Như Xuân (Thanh Hóa): Dân "tố" trại lợn gây ô nhiễm nghiêm trọng

Quỳnh Chi - 18:21, 18/03/2021

Từ tháng 11/2020, trang trại lợn có quy mô lớn của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp sạch Thanh Xuân bắt đầu hoạt động trên địa bàn thôn Thanh Bình, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Kể từ đó, người dân thôn Thanh Bình phải sống chung với mùi hôi thối và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng.

Trang trại lợn quy mô lớn tại thôn Thanh Bình, xã Thanh Xuân bị dân tố gây ô nhiễm môi trường
Trang trại lợn quy mô lớn tại thôn Thanh Bình, xã Thanh Xuân bị dân tố gây ô nhiễm môi trường

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đến "mục sở thị" tại con đập Xà Xán, nơi cung cấp nước sinh hoạt và ăn uống cho thôn Thanh Bình. Theo quan sát, dòng nước có màu xanh đen, một số khu vực bốc mùi hôi thối dữ dội.

Cách đó không xa, là trang trại lợn quy mô lớn, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống hàng rào khá kiên cố. Hơn chục người dân đứng bên ngoài đồng loạt cho rằng, chính trại lợn là thủ phạm khiến bốc bùi hôi thối và nguồn nước ô nhiễm.

Chúng tôi nghi ngờ, nước thải của trại lợn đã thẩm thấu xuống mạch nước ngầm khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Ông Lương Văn BôngBí thư Chi bộ thôn Thanh Bình

Theo ông Lương Văn Bông, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bình, thôn có hơn 90 hộ dân và 417 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào Thái chiếm hơn 90%. Bản thân ông Bông và mọi người dân của thôn cho rằng, mùi hôi thối xuất hiện từ khi trang trại lợn đi vào hoạt động. Cùng thời điểm đó, nước suối Xán bị ô nhiễm, cá tôm bắt đầu chết hàng loạt.

Ông Lò Quyết Sung (68 tuổi), một người dân trong thôn cho biết thêm, dòng suối Xán trước đây nước trong veo, mát lành, bà con vẫn dùng nước ấy dẫn về nhà để ăn uống, sinh hoạt, đưa vào ruộng để trồng lúa. Nhưng kể từ khi trại lợn về đây hoạt động, dòng nước bị ô nhiễm nặng nề, không ai dám sử dụng.

“Cá trong đập cũng chết. Chẳng còn ai dám dùng nước rửa chân chứ đừng nói để ăn uống", ông Sung nói.

Người dân bức xúc cho rằng nguồn nước sinh hoạt của thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng do trang trại lợn
Người dân bức xúc cho rằng nguồn nước sinh hoạt của thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng do trang trại lợn

Không chỉ ảnh hưởng đến dòng suối, nước giếng của người dân cũng bị ảnh hưởng khi có mùi hôi lạ. Nhiều nhà đã bỏ giếng nước, phải đi xách nước từ xa về sinh hoạt.

Anh Lương Văn Linh, cùng thôn còn cho hay, dù nhà cách xa trại lợn, nhưng mùi thối bay vào nhà nồng nặc suốt đêm ngày.

"Mùi hôi của phân lợn hành chúng tôi suốt ngày đêm, đi ngủ còn phải bịt khẩu trang. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì không ai chịu được", anh Linh lo lắng.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân xác nhận, chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh của thôn Thanh Bình về vấn đề trên. Xã cũng đã có đoàn kiểm tra trại lợn. Tại thời điểm kiểm tra, trang trại có 5 bế chứa xử lý nước thải, trong đó mới có 3 bể hoạt động. Song do không có phương tiện, máy móc và trình độ chuyên môn nên xã chưa thể kết luận được, nguồn nước tại suối Xà Xán bị ô nhiễm có phải do trại chăn nuôi lợn không.

Ông Trần Mạnh Long, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, ngay khi nhận được thông tin, huyện đã thành lập đoàn về kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân ô nhiễm.

“Quan điểm của huyện là nghiêm túc và thẳng thắn, vì quyền lợi của người dân, khi có kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ có hướng khắc phục cụ thể”, ông Long nói.

Được biết, dự án đầu tư trang trại chăn nuôi lợn nái tập trung khép kín theo mô hình chuẩn CP với quy mô 2.400 nái của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp sạch Thanh Xuân được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đánh giá tác động môi trường hồi tháng 3/2020. Dự án được xây dựng trên diện tích 79.382m2 tại thôn Thanh Bình.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.