Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nhức nhối nạn trộm sâm Ngọc Linh

Tấn Sỹ - Thanh Huyền - 10:08, 02/10/2020

Thời gian gần đây, bà con dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) mất ăn, mất ngủ vì nạn trộm cắp sâm Ngọc Linh xảy ra liên tục. Đáng buồn hơn, khi kẻ trộm không ai khác chính là những thanh niên địa phương, thậm chí là con cháu trong gia đình.

Người dân duy trì tuần tra bảo vệ sâm Ngọc Linh
Người dân duy trì tuần tra bảo vệ sâm Ngọc Linh

24 gốc sâm đổi 24 tháng tù giam

Mới đây, Công an huyện Nam Trà My đã di lý đối tượng Hồ Văn Lũ (24 tuổi) về trại giam Công an tỉnh Quảng Nam để thi hành án. Trước đó, Lũ đã bị Tòa án Nhân dân huyện Nam Trà My tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội trộm cắp sâm Ngọc Linh. Có vợ con, nghề nghiệp ổn định, song do bản chất ham chơi, nhác làm, lại muốn có tiền tiêu xài, Lũ đã lẻn vào vườn sâm của bà Nguyễn Thị Tri, thôn 2, xã Trà Linh nhổ trộm 24 gốc sâm đem bán. 

“Em muốn có tiền mua điện thoại xịn để chơi Game, rồi mua bia, rượu uống, nên đi nhổ trộm sâm Ngọc Linh thôi. Đâu có nghĩ là sẽ bị Công an bắt nhanh như vậy. Giờ đi tù mà cha mẹ, vợ con cũng không đến thăm, em biết mình sai rồi”, Lũ gục đầu nói như vậy trước khi bước lên xe về trại giam.

Lũ chỉ là 1 trong số 8 đối tượng đã và đang bị Công an huyện Nam Trà My điều tra, khởi tố về tội trộm cắp sâm Ngọc Linh. Điều đáng nói, cả 8 đối tượng đều là thanh niên Xơ Đăng tại địa phương và có những mối quan hệ họ hàng, bà con, cùng thôn với những người bị hại.

Ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh (Nam Trà My) cho biết: Toàn xã có 3 thôn, với 693 hộ tham gia trồng sâm Ngọc Linh. Bà con cũng đã hình thành 60 chốt để bảo vệ sâm 24/24h. Tuy nhiên, mỗi cân sâm Ngọc Linh củ tươi bán ngay tại vườn có giá vài chục triệu đồng đến gần cả trăm triệu đồng. Thêm vào đó, tình trạng thanh, thiếu niên ăn chơi, đua đòi, lười lao động cũng đã bắt đầu xuất hiện tại xã. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trộm sâm Ngọc Linh quy mô lớn xảy ra liên tục tại các vườn sâm thuộc xã Trà Linh. 
“Xã đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền vận động, tổ chức ký cam kết cho các hộ gia đình trong việc giáo dục, quản lý con em mình. Từng bước xóa bỏ tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh do con em địa phương thực hiện”, ông Hồ Văn Thể nói thêm.

Tự bảo vệ tài sản của mình

Trên địa bàn huyện Nam Trà My hiện có chừng 1.500ha sâm Ngọc Linh. Trước tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh rất phức tạp, các hộ trồng sâm và các vườn sâm của huyện Nam Trà My luôn đặt trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt nhất, phòng chống trộm cắp cao nhất. 

Vượt qua hàng rào chông tre và bẫy kẹp ở bên ngoài, chúng tôi có mặt tại vườn sâm Ngọc Linh của anh Nguyễn Mạnh Tuấn. Theo anh Tuấn, mặc dù đã bỏ kinh phí hơn 500 triệu đồng để làm hàng rào lưới B40 và thép gai để bảo vệ sâm, lắp đặt thêm hệ thống báo động hiện đại bằng Camera giám sát… Bảo vệ nhiều lớp là vậy, song chỉ một phút lơ là, vườn sâm Ngọc Linh của anh Tuấn cũng bị kẻ gian đột nhập trộm hơn 200 gốc sâm, trị giá hơn 160 triệu đồng. Gia đình anh Tuấn phân công nhau trực 24/24h, tăng cường nhiều biện pháp để bảo vệ hàng ngàn gốc sâm Ngọc Linh trị giá hàng chục tỷ đồng. 

 Thiếu tá Nguyễn Hồng Phong, Đội trưởng Đội điều tra Tổng hợp, Công an huyện Nam Trà My cho biết: Trong 9 tháng qua, Công an huyện đã điều tra và xử lý 7 vụ trộm cắp sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện, truy tố 4 vụ với 4 bị can. Do tính chất phức tạp, Công an huyện đã chuyển hồ sơ một số vụ việc lên Công an tỉnh để điều tra. Xử lý nghiêm minh là vậy, nhưng vì muốn có nhiều tiền, một số thanh, thiếu niên ở địa phương vẫn rủ nhau trộm sâm.

Thông qua hệ thống loa phát thanh, Công an huyện Nam Trà My đã tiến hành tuyên truyền cho các hộ dân, công ty, doanh nghiệp về tình trạng trộm cắp sâm hiện nay. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân tăng cường thêm tổ, đội, nhóm canh gác, kiên cố hóa hàng rào lưới B40, hàn khung sắt, lắp đặt thêm hệ thống cảnh báo… để bảo vệ sâm. Kịp thời theo dõi, giám sát các đối tượng có biểu hiện bất minh về kinh tế, thời gian lưu trú để cung cấp cho Công an điều tra, khám phá án. 

“Chúng tôi còn tổ chức cho các cá nhân, công ty mua bán sâm trên địa bàn cam kết không mua bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc. Làm việc với Ban Tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh có biện pháp theo dõi, kiểm tra, quản lý nguồn gốc sâm đem vào phiên chợ hằng tháng…”, Thiếu tá Nguyễn Hồng Phong cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.