Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Những bản làng ấm no của đồng bào Lự ở Lai Châu

Thanh Thuận - 19:57, 15/12/2023

Những năm qua, với các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dành cho vùng đồng bào DTTS, gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719); cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lai Châu trong quá trình triển khai thực hiện, đời sống đồng bào các dân tộc ở Lai Châu, trong đó có dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường đang ngày một khởi sắc.

(CĐ Lai Châu)
Những bản làng bình yên ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường.

Từ thành phố Lai Châu xuôi theo quốc lộ 4D trên cung đường trải nhựa mềm như dải lụa khoảng hơn 20 km, chúng tôi đến với xã Bản Hon của huyện Tam Đường. Xã Bản Hon hiện ra trước mắt chúng tôi với những nếp nhà sàn xinh xắn của đồng bào Lự, đồng bào Mông xen giữa màu xanh của lúa, ngô.

Dân tộc Lự ở Lai Châu có trên 1.300 hộ, với 6.700 người, chiếm 1,49% dân số toàn tỉnh, phân bố tập trung ở 2 huyện: Tam Đường và Sìn Hồ. Tại huyện Tam Đường, người Lự cư trú chủ yếu ở xã Bản Hon (chiếm 90%), số ít còn lại là đồng bào dân tộc Mông. 

Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719, xã Bản Hon đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các loại cây trồng thế mạnh (cam, mắc ca, chè); chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng lên.

Đồng bào Lự ở Bản Hon vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có trang phục truyền thống
Đồng bào Lự ở Bản Hon vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có trang phục truyền thống

Xã Bản Hon có 8 bản, với dân số 2.471 người. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 nên các bản trong xã đều có đường bê tông dẫn vào từng ngõ nhà. Hệ thống điện, trường mầm non, trạm y tế, nước sạch cũng được đầu tư đồng bộ. Cùng với đó, các điều kiện về văn hóa, giáo dục cũng được cải thiện đáng kể. 

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: Những năm qua, cấp ủy chính quyền xã Bản Hon đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực, tích cực lao động, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Xã Bản Hon có địa hình đa dạng với nhiều đồi núi và thung lũng, khí hậu ôn hòa. Xã còn có hệ thống khe, suối có trữ lượng nước khá dồi dào, cùng với hệ thống thủy lợi đã được đầu tư là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, xã Bản Hon đã tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; tăng cường quảng bá về tiềm năng, lợi thế nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết thị trường, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp. 

Nhờ đó, Nhân dân xã Bản Hon cũng đã thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, trong đó chuyển cây trồng  năng suất thấp sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cam, mắc ca, thảo quả, chè,… nhằm giảm nghèo, tiến tới làm giàu.

Người dân xã Bản Hon trồng xen cây mắc ca xen trên diện tích trồng chè
Người dân xã Bản Hon trồng xen cây mắc ca trên diện tích trồng chè

Trong số những cây trồng có giá trị kinh tế cao, người dân xã Bản Hon đã mạnh dạn trồng thử nghiệm cây mắc ca trên diện tích khoảng 11ha (năm 2012). Nhờ được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật nên sau 5 năm trồng, các diện tích cây mắc ca của xã sinh trưởng và phát triển tốt và đã cho quả. Đến nay, diện tích cây mắc ca trồng thử nghiệm đã cho năng suất khá cao và ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình thử nghiệm trồng mắc ca mang lại hiệu quả, năm 2021, được sự trợ giúp của Chính quyền, bà con ở xã Bản Hon đã tiếp tục mở rộng diện tích trồng mắc ca. Đến nay, xã Bản Hon đã có khoảng 136,62ha cây mắc ca, trong đó trồng thuần là 36,62ha, trồng xen chè là 100ha. Hiện, xã có 2,55ha mắc ca cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 3 tấn/ha, thu nhập trung bình từ 140-160 triệu đồng/ha.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng cây mắc ca của gia đình, ông Lò Văn Thòn, ở bản Nà Khum, xã Bản Hon cho biết, cây mắc ca chịu được sương muối, chịu hạn và phát triển tốt trên đất bạc màu, hầu như không có sâu bệnh. Lá cây dầy, cứng và có gai nên trâu, bò hoặc dê cũng không ăn được. Cây mắc ca còn có khả năng che tán nhiều loại cây khác. Sau 5 năm, cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch quả. Thương lái đến tận vườn thu mua nên bà con rất phấn khởi.

Trồng cây mắc ca xen với cây chè là cách làm lợi cả đôi đường. Bởi cây chè là cây ưa bóng mát. Nếu cây chè được che khoảng 50% ánh nắng mặt trời, thì cây chè sẽ cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Chính vì vậy, người ta khuyên trồng xen lẫn cây mắc ca xen với cây chè, giúp cây chè phát triển tốt hơn; đồng thời, bà con có thêm nguồn thu nhập từ cây mắc ca.

"Ngoài thu nhập từ chè, gia đình tôi thu thêm mỗi năm khoảng 30 triệu đồng từ quả mắc ca. Vì vậy tới đây, tôi sẽ tiếp tục trồng xen thêm cây mắc ca trên diện tích chè của gia đình”, ông Lò Văn Thòn chia sẻ

Không chỉ định hướng cho cây trồng cho bà con, xã Bản Hon còn cử cán bộ xuống các bản hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, giúp các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Bên cạnh bà con nông dân cũng đã trồng các giống lúa chất lượng cao, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng hạt gạo. Một số diện tích lúa kém phát triển do đất xấu và thiếu nước trước đây cũng đã được chuyển đổi sang trồng chuối.

(CĐ Lai Châu) 3
Người dân xã Bản Hon tích cực phát triển chăn nuôi trâu thương phẩm.

Trong chăn nuôi, xã Bản Hon chú trọng chăn nuôi gia súc thương phẩm, chuyển từ chăn nuôi gia súc thả rông sang chăn nuôi tập trung, vỗ béo, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho bà con nơi đây. 

“Bản Hon có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc. Mô hình nuôi trâu thương phẩm được xã triển khai, thực hiện những năm gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Bản Hon chia sẻ.

Được sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, năm 2022 xã Bản Hon có 3 bản (Bản Thẳm, Bãi Trâu, Đông Pao), với 74 hộ, được hỗ trợ 1 con trâu/hộ, tạo điều kiện cho bà con vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với đó, xã Bản Hon còn vận động các hộ chăn nuôi gia súc di dời chuồng trại ra xa nhà, đảm bảo vệ sinh.

 Để hỗ trợ bà con trong nuôi trâu thương phẩm, xã Bản Hon đã chỉ đạo cán bộ xuống các bản hướng dẫn bà con cách trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, cách làm chuồng trại kiên cố, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, cách phòng, chống dịch bệnh cho trâu. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng bắt đầu nhân rộng đàn trâu của gia đình để phát triển kinh tế. Hiện nay, số trâu nuôi thương phẩm của xã Bản Hon có 471 con, tập trung ở một số bản như: Bản Thẳm, bản Đông Pao, bản Bãi Trâu, bản Chăn nuôi, đem lại thu nhập cao bà con.

Đến thăm mô hình nuôi trâu ở bản Bãi Trâu, tôi được đưa ra khu nuôi trâu của bản cách xa khu dân cư sinh sống. Bản Bãi Trâu hiện có 43 con trâu nuôi thương phẩm. Chị Tao Thị Sọ vừa cắt cỏ voi cho trâu ăn vừa cho chúng tôi biết, gia đình chị được hỗ trợ 1 con trâu từ Chương trình MTQG 1719, chị cũng mua thêm 1 con nữa để mở rộng mô hình chăn nuôi của gia đình. Cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, chị Sọ còn học hỏi kiến thức chăm sóc trâu từ internet và các hộ chăn nuôi khác. 

"Để có đủ thức ăn cho trâu, gia đình tôi đã trồng cỏ voi và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp khác làm thức ăn cho trâu. Bên cạnh đó, tôi cũng bổ sung thêm khoáng chất trong thức ăn, tiêm các loại vắc xin để tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh cho trâu. Gia đình tôi cũng chú trọng vệ sinh chuồng trại, che chắn gió lạnh, sương muối…Hiện nay, trâu của gia đình nuôi đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nhập cao cho gia đình”, chị Sọ cho biết.

(CĐ Lai Châu) 4
Người dân xã Bản Hon gìn giữ nét đẹp văn hóa, trang phục để thu hút khách du lịch.

Cùng với việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chính quyền xã còn tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lự. Theo đó, người dân bắt đầu quan tâm đến việc chỉnh trang đường thôn, ngõ xóm, tạo môi trường cảnh quan sạch đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bằng các giải pháp như, duy trì sử dụng thường xuyên trang phục dân tộc Lự; bảo tồn kiến trúc nhà ở, các món ăn ngon và cả những nghề thủ công truyền thống lâu đời... Nhờ đó, Bản Hon ngày càng thu hút đông đảo du khách ghé thăm, lưu trú, mang lại nguồn thu nhập cho Nhân dân trong xã.

Với sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, thu nhập của nhiều hộ dân trong xã Bản Hon đang dần được nâng cao, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng khởi sắc.

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Tập trung “3 trước, 4 sẵn sàng” trong ứng phó thiên tai

Cao Bằng: Tập trung “3 trước, 4 sẵn sàng” trong ứng phó thiên tai

Là địa phương thường chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã chủ động các phương án ứng phó, phòng chống. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa thiệt hại trước tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu thì công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phải tập trung thực hiện hiệu quả “3 trước, 4 sẵn sàng”.