Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những chuyện ghi được từ miền biên viễn: Xây dựng biên cương xanh (Bài 2)

Thúy Hồng - 11:01, 22/03/2023

Rời Pa Ủ, chúng tôi xuôi về Đồn Biên phòng Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Con đường từ cửa khẩu Ma Lù Thàng men theo dòng Nậm Na vào Huổi Luông chạy dài theo tuyến đường biên giới Việt - Trung rất đỗi tươi đẹp, thanh bình. Đứng từ bên này nhìn sang bên kia nước bạn (huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) có thể nhìn rõ mặt người… Để bảo vệ vững chắc từng tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc, những chiến sĩ quân hàm xanh đã tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc, thiết lập "vành đai xanh" nơi biên giới…

Người dân miền biên viễn được hỗ trợ giống tre Bát Độ thực hiện mô hình “Lũy tre biên thùy”.
Người dân miền biên viễn được hỗ trợ giống tre Bát Độ thực hiện mô hình “Lũy tre biên thùy”.

Mở đường no ấm cho bà con

Đồn Biên phòng Huổi Luông quản lý đoạn biên giới dài hơn 13km, địa bàn rộng với trên 7.000 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc là Mông, Dao, Hà Nhì và Kinh sống rải rác trên các triền núi. Để giúp đồng bào phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông đã luôn đồng hành cùng cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Được tăng cường về làm cán bộ xã từ năm 2007, Thiếu tá Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông thấu hiểu những khó khăn của người dân. Anh kể: Những năm trước, Huổi Luông là một trong những điểm nóng, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đời sống kinh tế nhiều khó khăn. Trong suốt 4 nhiệm kỳ tăng cường về xã, anh luôn trăn trở tìm giải pháp giúp đồng bào nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đường vào bản Pô Tô xã Huổi Luông đã được bê tông hóa thuận tiện đi lại
Đường vào bản Pô Tô xã Huổi Luông đã được bê tông hóa thuận tiện đi lại

Bí thư Lê Văn Dung nhớ lại, trong một lần vào bản Huổi Luông 3, gặp anh Chang A Xà. Qua trò chuyện thì được biết, Xà có người thân ở bên kia biên giới trồng chuối phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Từ đó, anh đã động viên Chang A Xà mạnh dạn trồng thử cây chuối.

Mới đầu, Chang A Xà trồng thử khoảng 1 ha, không ngờ, cây sinh trưởng, phát triển tốt, sau đó thương lái thu mua để bán sang Trung Quốc với giá thành khoảng 18.000 đồng/kg. Vụ đầu tiên, Xà thu được 300 triệu đồng. Đến năm thứ hai, Xà mở rộng diện tích trồng chuối lên 2 ha. Bà con thấy Xà làm được cũng làm theo, chuyển từ trồng ngô sang trồng chuối mang lại thu nhập cao.

Theo Bí thư Lê Văn Dung, chuối là cây chủ lực để đưa người dân Huổi Luông thoát nghèo và làm giàu. Từ mô hình trồng chuối đã giúp người dân vực dậy kinh tế để phát triển mở rộng các mô hình kinh tế khác. Hiện nay ngoài cây chuối còn có các mô hình trồng nghệ đen, chanh leo, chăn nuôi bò... đều mang lại thu nhập ổn định.

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân chăm sóc chuối. Ảnh Hoàng Anh
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân chăm sóc chuối. Ảnh Hoàng Anh

Giữ vành đai xanh trên biên giới

Trên dọc tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Huổi Luông quản lý, địa hình hiểm trở, Nhân dân sống thưa thớt, còn nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc... Sau nhiều lần khảo sát và họp bàn kỹ lưỡng, Đồn đã phối hợp với UBND xã Huổi Luông tổ chức họp bản Hồ Thầu để tuyên truyền Nhân dân thực hiện mô hình “Lũy tre biên thùy” với việc trồng giống tre Bát Độ.

Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: Mô hình trồng tre Bát Độ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bà con trên địa bàn mà còn giúp Nhân dân dễ nhận biết đường biên giới. Từ đó, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, dần hình thành hàng rào “mềm, xanh” rất phù hợp để Đồn quản lý bảo vệ biên giới.

Thiếu tá Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông
Thiếu tá Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông

Anh Lý A Tro, Trưởng bản Hồ Thầu chia sẻ: Mình là người dân sống nhiều đời ở đây, thấy trồng tre bảo vệ đường biên rất hợp lý. Người dân hằng ngày lên đây chăm sóc, thu hái măng cũng sẽ là những vọng gác thường xuyên nơi biên giới, có điều gì bất thường sẽ báo với Bộ đội Biên phòng để xử lý kịp thời...

Và không chỉ ở Huổi Luông hay Pa Ủ, trên suốt chặng đường biên giới, chúng tôi còn được nghe, được thấy, cảm nhận nhiều hơn nữa những câu chuyện về tình quân dân cá nước góp phần tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ cho biên cương Tổ quốc yên bình…

Với nỗ lực của các chiến sĩ Biên phòng, Huổi Luông hôm nay đã khác xưa. Những bãi đất hoang, đồi trọc trên mảnh đất này đã thành ruộng ngô, nương lúa... Những đóng góp của các cán bộ chiến sĩ đã góp phần đưa Huổi Luông đạt Chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, đưa thu nhập của người dân nơi đây cán mốc 37 triệu đồng vào năm 2022.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.