Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Những cô đỡ thôn bản ở vùng cao xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 05:31, 08/12/2023

Tại vùng DTTS miền núi Thanh Hóa, trong điều kiện thiếu thốn cơ sở hạ tầng, chất lượng y tế đang còn nhiều hạn chế, vai trò của những cô đỡ thôn bản trở nên hết sức quan trọng. Họ là lực lượng trực tiếp theo dõi, chăm sóc sức khỏe sinh sản của các bà mẹ và trẻ em vùng DTTS miền núi. Cô đỡ thôn bản được xem là "cánh tay nối dài" của ngành y tế ở cơ sở.

Cô đỡ không ngại khó

Cô đỡ thôn bản (CĐTB) chỉ những người phụ nữ được trưởng trạm y tế xã và cán bộ làm công tác sinh đẻ của trạm, lựa chọn ở một số thôn, bản khó khăn xa trạm y tế, nơi có tỷ lệ sinh tại nhà cao, tình nguyện tham gia công tác tuyên truyền, vận động, quản lý thai nghén tại thôn, bản... 

Điều này xuất phát từ thực tế tại các vùng cao, vùng DTTS, các bà mẹ có thói quen sinh con tại nhà. Các cô đỡ thôn bản là người sinh sống tại thôn, được tập huấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Nhờ có kiến thức cơ bản, các cô đỡ này đã đóng góp rất lớn trong việc tư vấn chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ vùng DTTS, tránh được những rủi ro, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh.

Cô đỡ Lâu Thị Cho, bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát tư vấn kiến thức về sức khỏe sinh sản cho chị em trong bản
Cô đỡ Lâu Thị Cho, bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát tư vấn kiến thức về sức khỏe sinh sản cho chị em trong bản

Có dịp theo chân chị Lâu Thị Cho (SN 1991), bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), chúng tôi đã hiểu được phần nào nỗi vất vả của những cô đỡ thôn bản. Bản Ón là nơi sinh sống của đồng bào Mông, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Các bà mẹ mang thai, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên chưa đủ tuổi kết hôn, không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Đa phần những người phụ nữ chọn cách mang thai và sinh đẻ tự nhiên tại nhà. Ngay cả chuyện chăm sóc trẻ sơ sinh cũng được chăm sóc theo các kinh nghiệm của các bà, các mẹ đi trước. Tuy nhiên, có nhiều kinh nghiệm được truyền đạt là những hủ tục lạc hậu, không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. 

Với kiến thức và phương pháp khoa học được tập huấn về chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, chị Lâu Thị Cho đã đến từng nhà những gia đình có phụ nữ đang mang thai để hỏi han, dặn dò và tuyên truyền kiến thức cho các bà mẹ. Mặc địa hình đồi núi, đi lại khó khăn, chị Cho vẫn làm công việc này thường xuyên, không quản ngại vất vả. Chị Cho còn có một cuốn sổ nhỏ ghi lại từng chi tiết, dấu hiệu của các bà mẹ mang thai và các em bé. Khi thấy có biểu hiện bất thường, chị tư vấn cho các mẹ cách chăm sóc sức khỏe phù hợp với từng đối tượng, nếu biểu hiện nặng thì sẽ khuyên các gia đình nên đưa mẹ và bé đi bệnh viện để được khám chữa kịp thời.

Mẹ nào gần đến ngày sinh đẻ, chị Cho đến tận nhà để vận động bà mẹ đến trạm xá để được đảm bảo sinh nở an toàn. Trường hợp không kịp đến trạm y tế, chị cũng đến nhà giúp các bà mẹ đỡ đẻ.

“Công việc đòi hỏi tôi phải sát sao theo dõi các bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh. Vì thế, tôi phải thường xuyên đến từng nhà để thăm hỏi, tư vấn. Dù có vất vẻ do đường giao thông không thuận tiện, nhưng tôi thấy yêu công việc này vì nó có ý nghĩa, tôi được các mẹ yêu mến lắm”, chị Cho bộc bạch.

Theo chị Cho kể, do đường sá xa xôi, từ trung tâm bản nếu ra đến trạm y tế xã cũng mất gần 17 km, hơn nữa do phong tục tập quán, chị em phụ nữ vẫn còn mang nặng tâm lý đẻ con tại nhà. Trước đây có nhiều trường hợp mang thai gần đến ngày sinh vẫn đi làm rẫy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng sản phụ, thai nhi. Trong khi đó, cuộc sống kinh tế khó khăn, nhiều gia đình còn thiếu đói trong mùa giáp hạt nên thai phụ không có điều kiện bồi bổ, chăm sóc bản thân và thai nhi. 

Nhờ nhiệt tình, tận tâm với nghề, cộng thêm chút kiến thức đã học, chị Cho đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức giúp chị em phụ nữ trong bản bỏ dần hủ tục. Bằng chứng là đến nay, khi có dấu hiệu chuyển dạ, gia đình thai phụ đã chủ động liên hệ cho CĐTB xuống tư vấn rồi đưa đến cơ sở y tế sinh con, chăm sóc.

Kỳ vọng sự thay đổi từ chính sách

Mùa Xuân (cùng với bản Xía Nọi), là 1 trong 2 bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Do giao thông cách trở, cộng thêm điều kiện canh tác lạc hậu, chủ yếu tự cung tự cấp, trình độ dân trí thấp nên cả bản 100% là hộ nghèo. Hầu hết phụ nữ đều sinh con tại nhà, một số thiếu kiến thức về chăm sóc thai kỳ, chăm sóc trẻ sơ sinh, trong khi đó đường đến trạm y tế lại xa xôi, cả bản chỉ có một cô đỡ là Thao Thị Sua (SN 1996, dân tộc Mông).

Đội ngũ cô đỡ thôn bản vùng cao Thanh Hóa đã góp sức giúp các bà mẹ có những kiến thức trong cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ
Đội ngũ cô đỡ thôn bản vùng cao Thanh Hóa đã góp sức giúp các bà mẹ có những kiến thức trong cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ

Chia sẻ về công việc đặc biệt này, chị Sua cho biết: Ở đây địa bàn rộng, các hộ gia đình không sống tập trung mà rải rác ở các sườn núi. Riêng việc đến từng nhà thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cho chị em cũng hết sức gian nan. Do chế độ phụ cấp ít ỏi nên ngoài công việc bà đỡ, chị vẫn làm nương rẫy để có thể nuôi sống gia đình.

Trong những năm qua, đội ngũ CĐTB đã có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sản phụ, trẻ sơ sinh, đỡ đẻ tại nhà cho bà mẹ và trẻ em ở các thôn, bản khó khăn, xa xôi hẻo lánh...

Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của đội ngũ CĐTB gặp nhiều khó khăn do một số địa phương không bố trí được nguồn ngân sách để chi trả phụ cấp hoạt động. Một số chuyển đổi sang làm nhiệm vụ của y tế thôn, bản nên được hưởng chế độ từ nguồn ngân sách Nhà nước, số còn lại tham gia dự án Quỹ Thiện Tâm, nhưng cũng chỉ được hỗ trợ một phần từ nguồn quỹ hoặc bỏ nghề, tìm kiếm công việc khác với mức thu nhập tốt hơn.

Ông Lê Quốc Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết: Trong những năm qua, nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước cho đồng bào DTTS, cùng với các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống bà con có nhiều thay đổi, công tác chăm sóc sức khỏe cũng được quan tâm. 

Đặc biệt, ở những thôn, bản xa xôi, khó khăn, vùng biên giới, đội ngũ CĐTB luôn hết mình trong công việc, đồng thời cũng là “cánh tay” nối dài của ngành y tế đến với các bản vùng sâu, vùng xa, đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, CĐTB không còn được hưởng phụ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, khiến đội ngũ CĐTB khó bám trụ với công việc.

Cô đỡ thôn bản góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng cao
Cô đỡ thôn bản góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng cao

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025 gồm 10 dự án thành phần, trong đó Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”.

Chương trình đề ra mục tiêu, đến năm 2025, trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.

Hi vọng với nguồn lực từ dự án này, chính sách dành cho cô đỡ thôn bản tiếp tục được duy trì, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe phụ nữ sinh sản và trẻ sơ sinh tại các thôn bản vùng DTTS miền núi. 

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.