Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những điểm đến ấn tượng của Kon Tum

Minh Thu - 09:55, 20/10/2024

Tỉnh Kon Tum nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp các tỉnh Sekong, Attapeu của Lào và Ratanakiri của Campuchia. Kon Tum là vùng đất với cảnh quan thiên nhiên đầy mê hoặc, nhiều điểm tham quan đậm nét văn hóa truyền thống các DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu đến với bạn đọc những điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Kon Tum.

Dòng Đắk Bla như một dải lụa mềm mại vắt ngang TP. Kon Tum, tạo thành điểm nhấn ấn tượng và là một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Kon Tum.
Dòng Đắk Bla như một dải lụa mềm mại vắt ngang TP. Kon Tum, tạo thành điểm nhấn ấn tượng và là một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Kon Tum

Sông Đắk Bla

Không chỉ là nguồn cung cấp nước và phù sa trù phú cho sản xuất nông nghiệp của người dân, dòng Đắk Bla như một dải lụa mềm mại vắt ngang TP. Kon Tum, tạo thành điểm nhấn ấn tượng và là một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Kon Tum. 

Sông Đắk Bla hợp lưu của 3 con sông chính Đắk S’Nghé, Đắk Kôi và Đắk Pne ở huyện Kon Rẫy chảy về TP. Kon Tum hợp với dòng với sông Pô Kô thành dòng sông Sê San. Sông Đắk Bla không chỉ có giá trị về nhiều mặt mà còn gắn liền với đời sống, lao động sản xuất của đồng bào DTTS ở hai bên bờ.

Nhà rông Kon Klor sừng sững, vững chãi được coi là điểm tựa cho hồn làng, là niềm tự hào của các nghệ nhân và đồng bào Ba Na.
Nhà rông Kon Klor sừng sững, vững chãi được coi là điểm tựa cho hồn làng, là niềm tự hào của các nghệ nhân và đồng bào Ba Na

Kon Klor - Nhà rông lớn nhất Tây Nguyên

Nhà rông Kon Klor tọa lạc tại một vị trí rất đẹp trên con đường Trần Hưng Đạo, TP. Kon Tum. Nhà rông Kon Klor Kon Tum nổi bật với chiều dài 17m, bề rộng 6m. Phía bên phải nhà rông là cây cầu treo xinh đẹp cùng những ruộng mía xanh ngút ngàn. Nhà rông Kon Klor được xây dựng theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn bằng gỗ, tre, nứa, tranh, lá và có những họa tiết, hoa văn trang trí rất công phu. 

Các nghệ nhân và người dân làng Kon Klor đã phối hợp, gìn giữ những nét đặc trưng của mình trên nhà rông. Với chiều cao 22m, nhà rông Kon Klor sừng sững, vững chãi được coi là điểm tựa cho hồn làng, là niềm tự hào của các nghệ nhân và đồng bào Ba Na.

Toàn cảnh Di tích lịch sử Ngục Kon Tum nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh Di tích lịch sử Ngục Kon Tum nhìn từ trên cao

Ngục Kon Tum

Ngục Kon Tum là một di tích lịch sử nằm ở cuối con đường Trương Quang Trọng, TP. Kon Tum. Nhà ngục được thực dân Pháp xây dựng năm 1905 và tới năm 1917 mới hoàn thành với mục đích giam giữ các chiến sĩ cách mạng của ta. Khi đến đây, du khách sẽ được tham quan một quần thể gồm nhà truyền thống, nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp cùng tượng đài bất khuất và 2 ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đắk Bla lộng gió. Khu di tích ngục Kon Tum đã trở thành địa điểm viếng thăm quen thuộc của nhiều đoàn khách cả trong nước và quốc tế mỗi khi ghé thăm Kon Tum.

Nhà thờ gỗ - một trong những công trình kiến trúc độc đáo ở Kon Tum.
Nhà thờ gỗ - một trong những công trình kiến trúc độc đáo ở Kon Tum

Nhà thờ gỗ

Nhà thờ gỗ là một kiệt tác kiến trúc vô cùng độc đáo của Kon Tum. Công trình được thiết kế theo kiến trúc Roman, kết hợp hài hòa với kiểu nhà sàn của đồng bào Ba Na nên vẫn mang đậm sắc thái tín ngưỡng, văn hóa của những người dân Tây Nguyên qua từng điểm nhấn trên chất liệu và những đường nét họa tiết trang trí.

Nhà thờ gỗ là một công trình khép kín bao gồm: Giáo đường, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông và nhà tiếp khách. Ngoài ra, còn có cơ sở mộc, dệt thổ cẩm, cơ sở may và cô nhi viện.

PS ẢNH: Khám phá Kon Tum 4

Chùa Bác Ái

Chùa Bác Ái được khởi công xây dựng vào năm 1932, trên một ngọn đồi mà trước đây vốn là rừng già hoang vu. Khi đó, chùa được xây dựng chủ yếu bằng mè tre, mầm trỉ với vách đất cùng mái lợp ngói vảy.

Vào năm 1933, chùa đã được Nam Phương hoàng hậu cúng đại hồng chung. Ngôi chùa này đã được vua Bảo Đại sắc phong là “Sắc tứ Bác Ái tự” và cho đến nay, trên hai cột trước Đại hùng bửu điện của chùa vẫn còn hai câu đối do vua tặng, được sơn son thếp vàng.

Một góc làng du lịch cộng đồng Kon Bring tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông.
Một góc làng du lịch cộng đồng Kon Bring tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông

Khu du lịch sinh thái Măng Đen

Từ TP. Kon Tum xuôi theo đường 24 về phía Đông khoảng 50km, du khách sẽ đặt chân đến khu du lịch sinh thái Măng Đen, thuộc huyện Kon Plông. Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với nhiều suối đá, hồ thác cùng cảnh quan hấp dẫn, nơi đây được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Việt Nam.

Nắng sớm Chư Mom Rây
Nắng sớm Chư Mom Rây

Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Điểm đến tiếp theo mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Kon Tum là vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm trên địa phận hai huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy, cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 30km về phía Tây. Trong số các vườn quốc gia ở nước ta thì Chư Mom Ray là vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất.

Cột mốc Ngã ba Đông Dương rực màu cam sáng khi hoàng hôn buông xuống. Không gian trở nên dịu vời, mờ ảo, tạo xúc động mạnh khi ngắm nhìn quê hương đất nước (Ảnh: Văn Tùng).
Cột mốc Ngã ba Đông Dương rực màu cam sáng khi hoàng hôn buông xuống. Không gian trở nên dịu vời, mờ ảo, tạo xúc động mạnh khi ngắm nhìn quê hương đất nước. (Ảnh: Văn Tùng)

Ngã ba Đông Dương

Ngã ba Đông Dương huyền thoại là điểm tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là nơi mà dân phượt vẫn truyền tai nhau về câu chuyện một con gà gáy, cả 3 nước cùng nghe. Để có thể tới được ngã ba Đông Dương, du khách sẽ phải vượt qua một hành trình khá khó khăn với những con đường ngoằn ngoèo, quanh co dưới cái nắng gay gắt, chói chang của Tây Nguyên. Tuy nhiên, vượt qua được những khó khăn này, du khách sẽ được mãn nhãn với không gian núi đồi trùng điệp vô cùng đẹp mắt tại ngã ba Đông Dương.

Vẻ uy nghi của Tòa giám mục Kon Tum.
Vẻ uy nghi của Tòa giám mục Kon Tum

Tòa giám mục

Toà giám mục được xây dựng vào năm 1935 là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của dân tộc địa phương và kiến trúc phương Tây. Ngoại trừ hàng trụ dưới sàn được xây bằng xi măng cốt thép thì toàn bộ phần còn lại của tòa nhà này được tạo nên từ các loại gỗ quý, có độ bền rất cao.

Đặc biệt, một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất tại tòa giám mục là căn phòng truyền thống - nơi được coi như một bảo tàng thu nhỏ về nông cụ, vật dụng sinh hoạt, vật thể văn hóa của các DTTS đang sinh sống tại Kon Tum.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.