Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những “điểm tựa” nơi đại ngàn Tây Nguyên: Phát huy vai trò Người có uy tín để “việc khó thành dễ” (Bài 2)

Lê Hường - 5 giờ trước

Đội ngũ những Người có uy tín ở cơ sở đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, tận tụy tuyên truyền, vận động Nhân dân tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự; chủ động phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội để thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp sức thúc đẩy sự phát triển nơi buôn làng... Khi vai trò của Người có uy tín được phát huy, "việc khó cũng thành dễ".

Già Y Krúr Ayun, Người có uy tín của buôn Drao có vai trò quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở
Già Y Krúr Ayun (ở giữa), Người có uy tín của buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có vai trò quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở

Tuyên truyền viên của buôn làng

Với thâm niên “vác tù và” suốt 20 năm, ông Y Krúr Ayun, Người có uy tín của buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk trở thành tuyên truyền viên góp công lớn trong việc an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.

Xã Cư Né, huyện Krông Búk từng là “điểm nóng” về tình trạng người dân vượt biên trái phép vì nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu. Tình trạng một số hộ đồng bào DTTS rời buôn làng vượt biên ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Y Krúr kể: Khoảng 15 năm trước, nhiều hộ gia đình trong buôn nghe lời dụ dỗ, xúi giục của kẻ xấu bỏ lại nhà cửa, nương rẫy vượt biên trái phép sang Cunpuchia, Lào để được đi đến nước thứ 3 sống cuộc sống sung sướng. Song cùng với cán bộ các cấp tổ chức nhiều cuộc họp buôn tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu, ông thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh, đến từng nhà có người vượt biên để khuyên nhủ, tìm cách liên lạc trực tiếp để vận động họ về.

Bản thân là người dân tộc Ê đê, ông hiểu ngôn ngữ, nắm rõ phong tục tập quán, cũng như hiểu hoàn cảnh từng hộ gia đình trong buôn, tuyên truyền bằng những câu chuyện “người thật việc thật” và được bà con lắng nghe. Năm 2009, ông còn cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lặn lội sang tận Lào, Campuchia vận động bà con về nước.

Kiên trì vận động, bà con giác ngộ vấn đề, nhiều gia đình trở về với nương rẫy, tập trung làm ăn phát triển kinh tế. Từ đó đến nay, buôn Drao không còn người vượt biên trái phép nữa, tình hình an ninh trật tự ổn định, cuộc sống của bà con ngày càng ấm no.

Người có uy tín huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được trang bị kiến thức về quốc phòng an ninh năm 2024
Người có uy tín huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được tập huấn trang bị kiến thức về quốc phòng an ninh năm 2024

Còn nhớ, trong cuộc điều tra, thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS, năm 2024, đội ngũ già làng, Người có uy tín tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, góp sức vào sự thành công của cuộc điều tra quan trọng này.

Hiểu rõ ý nghĩa của cuộc điều tra, ông Y Khanh, dân tộc Mnông ở buôn Đắk Prí, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cùng Điều tra viên đi từng ngõ, gõ từng nhà thu thập thông tin từng hộ gia đình trong buôn được chọn điều tra mẫu.

Ông Y Khanh chia sẻ: Buôn Đắk Prí chủ yếu đồng bào dân tộc Mnông sinh sống. Ngay sau khi nhận được kế hoạch triển khai Điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, tôi đã cùng Trưởng buôn, các đoàn thể tổ chức các cuộc họp buôn để giải thích cho bà con hiểu. 

Đồng thời, kêu gọi bà con DTTS nhiệt tình hợp tác với các Điều tra viên, cử người biết nhiều thông tin nhất về các thành viên của gia đình mình, cung cấp đầy đủ, chính xác khi Điều tra viên đến hộ phỏng vấn. Tôi dặn bà con trả lời chân thật để Điều tra viên thu thập thông tin thực tế về đời sống, kinh tế, xã hội của bà con một cách chính xác, phục vụ cơ quan nhà nước xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS.

Chăm lo Người có uy tín

Phát huy vai trò của Người có uy tín để “việc khó thành dễ”, các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với Người có uy tín.

Điển hình như huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có 24 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 23 DTTS chiếm hơn 37% dân số toàn huyện. Năm 2025, huyện Krông Nô có 52 Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Đội ngũ Người có uy tín có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống
Đội ngũ Người có uy tín có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống

Phòng Dân tộc huyện Krông Nô đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc, tham mưu UBND huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các chế độ chính sách cho Người có uy tín như tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cung cấp thông tin; tổ chức gặp mặt, thăm tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm; thăm hỏi, động viên Người có uy tín bị đau ốm; tham quan, học tập kinh nghiệm; cấp phát báo…

Hay như huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có 27 Người có uy tín. Những năm qua, huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước thực hiện chính sách đối với Người có uy tín. Cụ thể: tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần đối với Người có uy tín và tổ chức cho Người có uy tín thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

Năm 2025, tỉnh Đắk Lắk có 952 Người có uy tín. Quan tâm chăm lo đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai kịp thời, đầy đủ chính sách, tạo động lực để Người có uy tín phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Kính, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Người có uy tín có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, tạo khí thế và động lực cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS. Họ là "điểm tựa", là những “cây đại thụ” của buôn làng...

Tin cùng chuyên mục
Những “điểm tựa” nơi đại ngàn Tây Nguyên: Tận tụy vì sự phát triển của buôn làng (Bài 1)

Những “điểm tựa” nơi đại ngàn Tây Nguyên: Tận tụy vì sự phát triển của buôn làng (Bài 1)

Khu vực Tây Nguyên là nơi hội tụ của hầu hết thành phần dân tộc Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước; là nơi có nền văn hóa đa dạng, phong phú với những đặc trưng riêng biệt. Cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, đội ngũ Người có uy tín đã có những đóng góp quan trọng trên hành trình phát triển vùng đất Tây Nguyên. Họ chính là lực lượng quần chúng đặc biệt của chính quyền địa phương, làm việc vì cộng đồng không mệt mỏi, là trung tâm đoàn kết, là “điểm tựa" của buôn làng.