Tích cực tìm hiểu, nắm vững thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bà Ngân Thị Xuyến (ngoài cùng bên trái), Người có uy tín ở thôn Esa Nô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã rất tích cực trong công tác vận động người dân hiến đất làm đường, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóaDấu chân in khắp buôn làng
Thôn Esa Nô, xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có 6 dân tộc cùng sinh sống, hầu hết là dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào như Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao. Toàn thôn hiện có 329 hộ, hơn 2.000 khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây cà phê, lúa kết hợp với hoa màu và chăn nuôi.
Hơn chục năm giữ vai trò Người có uy tín ở thôn Esa Nô, bà Ngân Thị Xuyến, dân tộc Tày luôn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới.
Còn nhớ câu chuyện, trước đây, con đường của thôn nhỏ, hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con, nhất là vào mùa mưa. Vì thế, nông sản làm ra hay bị thương lái ép giá. Bà Xuyến vận động bà con mở rộng, nâng cấp đường vừa thuận tiện đi lại, vừa kết nối giao thương.
“Miệng nói tay làm”, khi có chủ trương làm đường, bà Xuyến chủ động hiến đất của gia đình, làm gương và vận động mọi người làm theo. Nhiều hộ dân đồng lòng hiến đất, chung sức hoàn thành con đường bê tông rộng 4m, dài 300m, phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Chí sẻ với chúng tôi, bà Xuyến bảo: “Chỉ cần bà con còn tín nhiệm, tin tưởng thì tôi luôn sẵn sàng cống hiến, mong góp phần công sức vào sự phát triển chung của thôn Esa Nô”.
Không chỉ là tấm gương sáng trong việc hiến đất làm đường nông thôn, bà Xuyến còn đóng vai trò quan trọng trong việc vận động người dân giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, thôn Esa Nô chỉ còn 7 hộ nghèo, nhiều bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong thôn dần được phục hồi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con như đàn tính, hát then, múa xòe…
Già Y Om Knul (đứng giữa) ở buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã đến nhiều buôn làng trên địa bàn tham gia công tác hòa giải, góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự cơ sởTương tự, 20 năm giữ vai trò Người có uy tín, già Y Om Knul ở buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk không chỉ tuyên truyền bà con trong buôn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn tham gia các phiên hòa giải trong buôn.
Từ việc mâu thuẫn hôn nhân, gia đình, xích mích hàng xóm đến tranh chấp đất đai, già vận dụng linh hoạt kiến thức pháp luật và phong tục, tập quán để giải quyết êm đẹp. Hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thành công, uy tín của già Y Om lan truyền đến nhiều buôn làng và ngày càng có nhiều nơi mời già đi hòa giải.
Già Y Om chia sẻ: Để hòa giải thành công vụ việc, già đưa ra những lý lẽ hợp tình, hợp lý, vận dụng cả luật tục và quy định của pháp luật vào việc phân xử. Quan trọng nhất là nắm rõ sự tình, mấu chốt của vụ việc để phân tích thì khả năng thành công của việc hòa giải mới cao. Mỗi vụ việc già đều tìm hiểu kỹ lưỡng, tỉ mỉ, tìm hiểu các điều khoản, quy định của pháp luật và luật tục của cộng đồng, địa phương. Khi các bên hiểu rõ bản chất vấn đề, mâu thuẫn, hiềm khích của người dân mới được hóa giải.
Góp sức xây dựng quê hương
Bao năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã và đang có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng trên mọi lĩnh vực. Những đóng góp của Người có uy tín góp sức xây dựng buôn làng, thúc đẩy phát triển địa phương.
Lớn lên ở buôn làng và chứng kiến bao thăng trầm cùng bà con vùng căn cứ cách mạng, nghỉ hưu, già làng Y Dhun Hmôk đảm nhiệm vị trí Bí thư Chi bộ buôn Dur 1, già làng, Người có uy tín của buôn. Ông được xem như “trung tâm đoàn kết” của buôn Dur 1.
Già Y Dhun (bên phải), huyện Krông Ana được xem là “trung tâm đoàn kết” của buôn Dur 1Trách nhiệm, tận tâm trong quá trình triển khai nhiệm vụ, cùng với kinh nghiệm trong công tác dân vận vùng đồng bào DTTS nhiều năm, già Y Dhun đã tuyên truyền, vận động bà con, Nhân dân tại buôn đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Già Y Dhun bảo: “Đoàn kết là gốc rễ của sự phát triển. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, chính quyền, quân và Nhân dân đoàn kết thì gốc sẽ sâu, rễ sẽ bền.
Buôn Dur 1 hiện có hơn 200 hộ, với hơn 1.000 khẩu, 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Ê Đê chiếm đa số. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn khó khăn, nhưng bà con trong buôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong sinh hoạt và lao động sản xuất. Nhờ đó, đời sống của người dân buôn Dur 1 ngày càng được nâng lên.
“Buôn Dur 1 bây giờ đã khác xưa rất nhiều, người dân nỗ lực vượt khó, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, buôn Dur 1 ngày càng khởi sắc”, già làng Y Dhun bày tỏ.
Bà H’Ban Niê Kđăm,Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Ana cho biết: Với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện luôn làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thực sự là “cánh tay” nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác vận động quần chúng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS... Họ làm việc chỉ vì muốn giúp đỡ người khó khăn và vì sự phát triển của buôn làng.