Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Những loại nước uống giải khát giúp hạ nhiệt trong mùa hè oi ả

Hoàng Minh - 11:51, 15/05/2024

Mỗi dịp hè về, thời tiết nóng nực khiến chúng ta dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Trong đông y, một số loại nước uống có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, sinh tân dịch giúp chúng ta giải quyết được tình trạng này.

Đỗ đen
Đỗ đen

Đỗ đen

Trong đông y, đỗ đen được dùng làm thuốc với tên gọi hắc đậu. Đỗ đen được coi là loại ngũ cốc của Thận, có vị ngọt, tính bình, quy kinh Can, Thận với tác dụng tư âm dưỡng huyết, bình Can ích Thận, nhuận Phế, giải độc.

Ở nước ta, người dân từ lâu vẫn có thói quen dùng đỗ đen để giải khát, trong mùa hè, có thể sao thơm đỗ đen, hãm nước uống hằng ngày hoặc nấu thành chè đỗ đen đều có tác dụng giải khát, giải nhiệt.

Trà xanh
Trà xanh

Trà xanh

Những chiếc lá trà xanh chứa hàm lượng EGCG – là chất chống oxy hóa mạnh nhất có nguồn gốc tự nhiên giúp giảm căng thẳng, mỏi mệt khi làm việc ở cường độ cao và làm mát da, lọc bỏ độc tố, làm sáng, mịn da. Thời tiết nóng, trà xanh là nước uống giải nhiệt cơ thể cực hữu hiệu, vừa tốt cho sức khoẻ, vừa đã khát.

Ngoài ra uống trà xanh thường xuyên còn mang lại rất nhiều tác dụng khác. Mỗi ngày uống từ 4 – 5 tách trà khoảng (800 ml – 1 lít) là có thể giúp cơ thể giải độc, giải nhiệt, phòng ngừa được một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, cholesterol máu tăng,… Tuy nhiên, chỉ nên uống vào buổi sáng, trưa, chiều; không uống vào buổi tối để dễ gây mất ngủ.

Quả la hán
Quả la hán

Quả la hán

Quả la hán vốn không phải một loại quả có sẵn ở nước ta, nhưng những năm gần đây loại quả này càng ngày càng trở nên phổ biến, thường được nhiều người dùng để làm nước uống giải khát vào mùa hè.

Đông y cho rằng quả la hán có vị ngọt, chua tính mát, có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, sinh tân chỉ khái, hoạt trường bài độc, thanh nhiệt nhuận Phế, hóa đàm, giúp tươi mới làn da.

Quả la hán có vị ngọt gấp 300 lần đường mía nhưng lại không gây tăng đường huyết nên rất thích hợp với người bệnh đái tháo đường.

Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy quả la hán có tác dụng kháng khuẩn, phòng ngừa ung thư và chống lão hóa. Hằng ngày có thể dùng quả la hán sắc hoặc hãm với nước để uống thay nước, có tác dụng giải khát rất tốt trong mùa hè.

Nước sắn dây
Nước sắn dây

Nước sắn dây quất

Đồ uống sắn dây quất giúp thanh nhiệt, giải độc và làm ra mồ hôi. Đặc biệt, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, giảm huyết áp, đây cũng là thức uống phòng ngừa cao huyết áp.

Cách làm nước uống giải nhiệt cơ thể này rất đơn giản. Cho khoảng 100 ml nước vào bột sắn dây khuấy tan. Rửa sạch hai quả quất, bổ đôi, vắt bỏ hạt lấy nước cốt rồi cho vào nước bột sắn quấy thật đều. Cho thêm đường và quấy tan. Có thể cho thêm đá khi thưởng thức.

Rễ cỏ tranh
Rễ cỏ tranh

Rễ cỏ tranh

Cỏ tranh là loại cỏ mọc hoang khắp nơi ở nước ta nhưng không có nhiều người biết về tác dụng giải khát vô cùng tuyệt vời của loại cỏ này. Theo Đông y, rễ cây cỏ tranh có tên gọi bạch mao căn, có vị ngọt, tính lạnh, quy kinh Bàng quang, Phế và Vị, có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, lương huyết chỉ huyết.

Đông y thường dùng rễ cỏ tranh điều trị các chứng Phế nhiệt gây ho, phù thũng đi tiểu ít, huyết nhiệt nôn khạc ra máu, bệnh nhiệt phiền khát, vị nhiệt nôn mửa, tiểu tiện nóng, tiểu rắt, giải rượu…

Mùa hè có thể lấy rễ cỏ tranh phơi khô, mỗi lần dùng 1 nắm khô sắc với nước uống thay nước giúp sinh tân, chỉ khát, thanh nhiệt.

Nước rau má
Nước rau má

Nước rau má

Rau má có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Thường dùng trong các trường hợp sốt, mụn nhọt, ho, chảy máu cam, lỵ, nôn ra máu, táo bón do nhiệt, tiểu buốt, giãn tĩnh mạch, rôm sảy, gan suy yếu và sản phụ ít sữa. Ngày dùng từ 30 – 50g rau má tươi (có thể nhiều hơn), rửa thật sạch rồi giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước, sau đó pha nước hoặc nước dừa để uống. Thông dụng nhất là nấu canh để ăn trong bữa cơm hoặc nấu lấy nước uống thay nước trà trong ngày.

Ngoài những loại đồ uống trên, còn có rất nhiều loại nước uống giải nhiệt cơ thể khác không những thanh nhiệt mà còn có giá trị dinh dưỡng cao như các loại sinh tố trái cây như đu đủ, thanh long, bơ, các chè… Vì vậy, vào những ngày nắng nóng hãy tích cực chế biến những thức đồ uống đơn giản này để giải khát, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Nước mía
Nước mía

Nước mía

Mía, Đông y còn gọi là cam giá, là vị thuốc có vị ngọt, tính lạnh, quy kinh Phế, Vị, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sinh tân chỉ khát, hòa Vị chỉ ẩu, tư âm nhuận táo.

Với tác dụng tư âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát, mía là một thức uống rất phù hợp trong những ngày hè nóng nực. Ngoài thân cây mía có những tác dụng kể trên, rễ và lá mía cũng cho tác dụng giải khát, giải nhiệt tương tự.

Có thể dùng mía dưới dạng nước uống hoặc dùng cả cây tươi cắt cả thân, rễ, lá thành từng khúc 2-3 cm, phơi khô, trộn đều, mỗi lần dùng 1 nắm sắc với nước uống thay nước.

Nước dừa
Nước dừa

Nước dừa

Nước dừa là loại nước tự nhiên có tác dụng giải khát mà nhiều người vẫn thường sử dụng. Theo Đông y, nước dừa được gọi với tên da tử chấp có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải khát, lợi niệu, giải nhiệt, giải độc, cầm máu. Trong nước dừa có nhiều chất bổ dưỡng và giải khát, có thể dùng để điều trị một số bệnh như sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lị, đau dạ dày…

Nước dừa theo Đông y dùng tốt trong tất cả các trường hợp tân dịch bị tổn thương do ra mồ hôi quá nhiều, đi ngoài phân lỏng, sốt cao gây mất nước… do đó loại nước tự nhiên này rất thích hợp để làm nước uống giải khát vào mùa hè.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều cách làm để giảm thiểu tảo hôn ở huyện vùng cao Lộc Bình

Nhiều cách làm để giảm thiểu tảo hôn ở huyện vùng cao Lộc Bình

Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn với trên 96% là người DTTS sinh sống, người dân vùng cao Lộc Bình vẫn còn tồn tại một số hủ tục, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Huyện đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bà con vùng DTTS nơi đây, nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng này.