Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách Dân tộc

Bộ Y tế đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với cô đỡ thôn bản

Minh Anh - 17:26, 14/04/2025

Bộ Y tế đề xuất nâng mức hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn bản bằng 0,7 và 0,5 so với mức lương cơ sở thay cho mức đang hưởng 0,5 và 0,3 hiện nay.

Đây là nội dung trong dự thảo Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản do Bộ Y tế đề xuất.

Theo Bộ Y tế, đội ngũ nhân viên y tế thôn, ấp, bản, làng, buôn, sóc, tổ dân phố, khóm (gọi chung là y tế thôn, bản) là người có trình độ chuyên môn về y tế, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn, là cánh tay nối dài của ngành Y tế.

Bộ Y tế đề xuất mức hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản bằng 0,7 và 0,5 so với mức lương cơ sở
Bộ Y tế đề xuất mức hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản bằng 0,7 và 0,5 so với mức lương cơ sở

Duy trì đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản và xây dựng các chế độ chính sách cho nhân viên y tế thôn, bản là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm luôn luôn có nguy cơ bùng phát, lây lan trong cộng đồng cần phải được phát hiện sớm, truy vết, giám sát chặt chẽ.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thu hẹp khoảng cách về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong bà mẹ và tử vong trẻ em giữa các vùng, miền, góp phần bảo đảm tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.

Ngày 11/5/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg quy định về chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, trong đó quy định: Mỗi thôn, bản được bố trí từ 1 đến 2 nhân viên y tế, căn cứ vào quy mô dân số và địa bàn hoạt động; trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hằng tháng; mức phụ cấp bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thì mức phụ cấp hằng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương cơ sở chưa thực sự đáp ứng để động viên khuyến khích đội ngũ này hoạt động, nhiều nhân viên y tế thôn, bản đã bỏ việc, hoặc không còn nhiệt tình tham gia các hoạt động để làm việc khác lo cuộc sống gia đình, bản thân.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất mức hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản bằng 0,7 và 0,5 so với mức lương cơ sở. Cụ thể như sau:

Mức 0,7 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản làm việc tại thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; các thôn, bản tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; các tổ dân phố, khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên.

Mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản làm việc tại thôn, bản, tổ dân phố còn lại.

Dự thảo nêu rõ, UBND cấp tỉnh căn cứ vào đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thực tế và khả năng ngân sách của địa phương trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể số lượng nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.

Vai trò của cô đỡ thôn, bản đã được ngành Y tế cũng như cộng đồng địa phương ghi nhận. Đội ngũ cô đỡ thôn, bản chính là cánh tay nối dài không thể thiếu của Trạm Y tế xã ở các vùng khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Tin cùng chuyên mục
Xóa nhà tạm, nhà dột nát – trách nhiệm từ trái tim: Thần tốc và quyết liệt (Bài 2)

Xóa nhà tạm, nhà dột nát – trách nhiệm từ trái tim: Thần tốc và quyết liệt (Bài 2)

Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước được phát động, hàng trăm nghìn ngôi nhà đã được khởi công, bàn giao cho hộ nghèo. Đây là thành quả từ sự quyết liệt trong chỉ đạo và thần tốc trong thực hiện, thể hiện trách nhiệm từ trái tim của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát.