Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những “ngôi nhà sâm” trên sườn núi Ngọc Linh

Tấn Vịnh - 09:54, 04/03/2024

Trước đây, đồng bào Xơ Đăng ở xã vùng cao Trà Linh của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cư trú trong những ngôi nhà sàn vách nứa, lợp tranh, quần tụ thành nóc (làng) trên sườn núi, mõm đồi. Cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng khoảng trên 10 năm trở lại đây, hầu như nhà nào của người Xơ Đăng ở xã Trà Linh cũng đã trồng được vườn sâm dưới tán rừng. Sâm Ngọc Linh đã mang đến cho đồng bào cuộc sống sung túc với những ngôi nhà khang trang, vững chắc trên sườn núi.

Nhà ở của ""tỷ phú sâm" Nguyễn Văn Lượng ở thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.
Nhà ở của "tỷ phú sâm" Nguyễn Văn Lượng ở thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.

Giống như các dân tộc ở vùng Tây Bắc, người Xơ Đăng ở Trà Linh, Trà Nam làm ruộng bậc thang. Nước từ khe suối dẫn về nóc để người dân sinh hoạt và tưới tắm ruộng đồng. Đồng bào có lúa gạo để ăn quanh năm. Lúa được chứa và bảo quản trong các nhà kho quanh làng. Thời bao cấp, cán bộ người Kinh đi công tác vùng cao thường được đồng bào đùm cho bao gạo mang về để làm quà. Không chỉ dồi dào về lương thực, thiên nhiên lại ưu đãi, dâng tặng cho núi rừng nơi đây loài cây đặc hữu, mọc dưới tán rừng già trên sườn đông và tây núi Ngọc Linh, đồng bào gọi là cây “thuốc giấu”. Dựa theo tri thức dân gian của người bản địa, cán bộ dân y Khu V thời chiến tranh chống Mỹ đã đi tìm phát hiện ra và đặt tên cho nó là sâm Ngọc Linh hay sâm khu V, sâm Đốt Trúc.

Một “ngôi nhà sâm” ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My
Một “ngôi nhà sâm” ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My

Thời trước, sâm Ngọc Linh chỉ được người dân địa phương dùng để bồi dưỡng sức khỏe, giá chưa cao, nay loài cây dược liệu này được lên ngôi, trở thành “quốc bảo”. Sâm trong tự nhiên rất hiếm nên chủ yếu người dân lấy hạt để làm giống nhân rộng diện tích. Người dân tự chia sẻ hạt, cây giống lẫn nhau và nhờ sự hỗ trợ nguồn cây giống của chính quyền nên vườn sâm của từng gia đình ngày càng mở rộng. Có hộ trồng đến hàng chục ha sâm như ông Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng... 

Cây sâm mang lại nguồn lợi rất lớn lao, thu nhập ổn định và đều đặn hàng tháng, hàng năm. Củ sâm có chất lượng tốt, theo thời giá hiện nay lên đến gần 150 triệu/kg. Lá sâm, cùi hoa sâm dùng để ngâm rượu, dầm thuốc cũng bán được với giá cao. Hạt sâm vào lúc chín có màu đỏ tươi như viên ngọc. Nó được bà con tuyển chọn làm giống hoặc bán cho các chủ trại khác để gieo trồng, một cây con cũng có giá đến mấy trăm ngàn đồng. Vào dịp phiên chợ sâm hàng tháng, đồng bào mang củ sâm, lá sâm đến bán cho chủ shop, nhà buôn thảo dược trong huyện và đi “bán dạo”. Người tiêu dùng trong nước cũng đến phiên chợ sâm để mua và tận mắt ngắm sâm Ngọc Linh. Qua mỗi phiên chợ, có người thu về cả hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Một ngôi biệt thự khang trang ẩn mình dưới rặng thông
Một ngôi biệt thự khang trang ẩn mình dưới rặng thông

Cây sâm Ngọc Linh đã cho bà con dân tộc Xơ Đăng cơ hội đổi đời. Một số gia đình trở thành “đại tỷ phú”, có tiền để sắm sửa tiện nghi, đầu tư làm ăn và gửi ngân hàng. Con cháu của đồng bào Xơ Đăng được gửi xuống tỉnh, về thành phố theo học ở các cấp phổ thông và học trường ngành. Nhiều gia đình còn mua nhà, căn hộ ở thành phố cho con sinh sống và học tập. Sự đổi thay rõ nhất là ở các công trình nhà ở. Hầu hết các hộ trong nóc Măng Lùng, xã Trà Linh đều làm nhà kiên cố. Một số hộ xây biệt thự với nhiều tiện nghi, thiết bị hiện đại dọc theo tuyến đường. Cửa nhà đều nhìn ra đường, hướng nhà trông ra mạch núi, nơi có những vườn sâm ấp ủ dưới tán rừng. 

Ngôi nhà mới hòa trong sắc núi, mây trời
Ngôi nhà mới hòa trong sắc núi, mây trời

Trên sườn núi Ngọc Linh đã điểm tô một sắc diện mới khi xuất hiện những ngôi nhà kiên cố, khang trang ẩn hiện trong sương núi mây trời, trong sắc xanh thẳm đại ngàn. Trang trí nội thất cũng không hiếm những vật dụng sang trọng. Phòng khách luôn có tủ trưng bày bình rượu sâm kiểu dáng khác nhau, sẵn sàng mời đãi khách quý thưởng thức hương vị núi rừng. Xe ô tô đời mới cũng được bà con mua sắm ngày càng nhiều hơn để đi lại, giao dịch, phục vụ trồng và mua bán sâm. Có những nóc nhà làm trên sườn núi nên cả làng có bãi đỗ đậu xe riêng.

Trang trí nội thất trong một căn hộ với những bình sâm quý
Trang trí nội thất trong một căn hộ với những bình sâm quý

Nhờ cây sâm Ngọc Linh mà cuộc sống của bà con dân tộc Xơ Đăng trên núi Ngọc Linh đã đổi thay mọi mặt. Cuộc sống vật chất sung túc, đủ đầy được thể hiện qua những ngôi nhà mới - những "ngôi nhà sâm". Có thể dưới con mắt của kiến trúc sư, hình dáng kiến trúc của các ngôi nhà này chưa thật đẹp, kiến trúc chưa theo mô tip truyền thống nhưng với nhiều người, nhất là dân làng sở tại, đó là tín hiệu vui, điều may mắn, phước báu cho bà con vùng cao núi thẳm một thời gian khó, thiệt thòi.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.