Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những người mê hát Sình ca ở Bằng Cốc

Giang Lam - 10:00, 17/05/2022

Đang lúc cao hứng, ông Nịnh Tăng Điệp cầm chiếc điện thoại di động gọi cho một cô gái ở tận bên Thái Nguyên để hát giao lưu. Ông ngân nga cất lên giai điệu Sình ca và phút chốc bên kia đầu dây cũng đối lại bằng chất giọng nhẹ nhàng. Đó là việc diễn ra thường xuyên nên những người trong Câu lạc bộ Sình ca thôn 8, Hợp Hòa, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.

Các thành viên Câu lạc bộ Sình ca Cao Lan thôn 8, Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) giao lưu và hát qua điện thoại cho các bạn hát ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Các thành viên Câu lạc bộ Sình ca Cao Lan thôn 8, Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) giao lưu và hát qua điện thoại cho các bạn hát ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…

Giọng hát của những “nàng Lưu Ba”

Đã thành thông lệ, cứ một tháng 2 lần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Sình ca Cao Lan thôn 8, Hợp Hòa, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang lại tập trung bên căn nhà sàn của bà Nịnh Thị Thanh, Lâm Thị Thức…để giao lưu. Trong CLB có nhiều bạn trẻ nên mỗi lần gặp mặt các bà đều muốn kể về sự tích nàng Lưu Ba để “tiếp lửa” khát vọng hát Sình ca.

Bà Thanh chậm rãi kể, xa xưa khi mới biết nói cô bé Lưu Ba đã hát những bài đồng dao cho đám trẻ hát theo. Lớn lên trở thành cô gái xinh đẹp hát hay, rất giỏi đối đáp. Vào đêm xuân hát đối, nàng đem lòng yêu chàng trai nghèo. Hai người hát đêm này qua đêm khác. Tiếng hát của hai người cứ nối nhau cất lên, quyện vào nhau vang vọng đêm khuya. Song tình duyên trái ngang, nàng bị ép gả cho con nhà chúa đất giàu có. Suốt 3 năm ở nhà chồng, lòng nàng luôn nhớ đến người yêu, ấp ủ hàng ngàn lời ca yêu thương. Những lời ca đong đầy thương nhớ được nàng hát lên trong suốt mấy chục năm trời đi tìm người yêu được chép lại thành những tập sách hát, lưu giữ từ đời này sang đời khác.

Kho tàng văn hóa đồ sộ của người Cao Lan ra đời như thế. Do vậy học Sình ca cả đời người vẫn không thể thuộc hết. Mỗi cô gái Cao Lan ở Bằng Cốc lớn lên đều khát khao, ước muốn có được giọng hát và tình yêu tha thiết thủy chung như nàng Lưu Ba.

Bà Lâm Thị Thức, năm nay đã 65 tuổi. Gia đình bà có gia tài vô giá là 5 quyển sách cổ ghi lại lời bài hát bằng tiếng Hán Nôm. Lần giở cuốn sách lưu giữ làn điệu dân ca Cao Lan, ông bà Thức giải thích thêm, Sình ca là lối hát đối đáp, giao duyên, được hát phổ biến trong đám cưới, ngày hội, trong dịp Tết, trong lao động sản xuất… Sình ca có hai dạng thức là hát ban ngày và hát ban đêm. Sình ca ban ngày thường hát trong hội xuân, lao động sản xuất, đám cưới. Sình ca ban đêm có tới 12 tập bài hát, mỗi tập tương ứng với một đêm hát. Đặc biệt, người ta hát dân ca Cao Lan nhiều nhất vào những ngày cưới hỏi, hát chúc rượu bạn thân hoặc khi có khách quý đến thăm nhà, chỉ hát bằng chất giọng đơn hoặc nhóm, không được đệm kèm nhạc.

Ngôn ngữ của Sình ca được thể hiện theo suy nghĩ ở từng lứa tuổi. Đối với người già, họ hát để biểu lộ tình bạn, tài năng, trí nhớ hoặc than về nỗi gian truân của mỗi người. Đối với nam thanh nữ tú, Sình ca thể hiện ước vọng tình cảm lứa đôi, biểu lộ suy nghĩ của cá nhân về cuộc sống hiện tại và mơ ước mai sau....

Niềm vui qua từng câu hát

Trong lao động, những làn điệu Sình ca cũng được cất lên
Trong lao động, những làn điệu Sình ca cũng được cất lên

Từ lâu thôn 8 Hợp Hòa, xã Bằng Cốc có 1 CLB với 20 thành viên, quy tụ những người yêu thích làn điệu dân ca dân tộc Cao Lan. Yêu làn điệu Sình ca từ tấm bé, từ nhỏ, ông Hoàng Văn Thống (đội trưởng CLB Sình ca) đã được nghe tiếng ru ngọt ngào của mẹ và nhịp trống sành của cha. Dường như cái chất “nghệ sỹ gia truyền” đã thấm trong ông từ bé. Ông bảo: “Đi xem người ta hát, múa, nhiều lần vậy là tự khắc thấm vào mình thôi. Đến năm 13 tuổi, tôi đã theo các chàng trai sang tận làng bên hát đối Sình ca. Cũng nhờ từ buổi giao lưu đó mà vợ chồng tôi đã gặp gỡ và nên duyên, nay đã ngoài 60 nhưng hãy còn mê hát lắm”.

Ý tưởng thành lập đội văn nghệ từ khi ông Thống nhận ra phong trào ca hát dần mai một và mong muốn lưu giữ những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Tuy ý tưởng tự phát nhưng được nhiều người hưởng ứng nhiệt tình và đội văn nghệ được thành lập từ năm 2010. Sau những ngày lao động sản xuất, mọi người trong thôn tập hợp nhau lại cùng hát. Những cụ ông cụ bà với hàm răng đen bóng, miệng nhai trầu nhưng đến khi hát vẫn rất mượt mà, ấm áp.

CLB Sình ca thôn 8 không chỉ phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của thôn, xã mà còn thường xuyên đi diễn ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bà Nịnh Thị Thanh cho biết, đội đi giao lưu khắp nơi từ Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Có hôm giao lưu tại Bản Mù, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), mải mê hát thâu đêm suốt sáng, qua 1 đêm là hát hết lời trong ba cuốn sách.

Ông Nịnh Tăng Điệp chia sẻ, những cuộc hát Sình ca của người Cao Lan đều có đề tài riêng. Người hát thường mượn những cảnh đẹp của núi rừng quê hương, cảnh sinh hoạt hàng ngày, những câu chuyện cổ tích, thần thoại để nói lên tình yêu và ước vọng xây dựng cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Những đêm hát Sình ca là những đêm vui vẻ xóa đi sự mệt nhọc của bao ngày lao động vất vả. Bởi thế, hát Sình ca luôn có sức hút diệu kỳ đối với người Cao Lan: “Lời thơ em như con suối/Chảy quanh năm không cạn/Giọng Sình Ca của anh như dòng nước mát/Càng uống càng thấy ngọt”.