Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những phận đời lênh đênh trên mặt hồ thủy điện

Quỳnh Chi - 22:35, 12/11/2020

Họ là những con người tứ xứ, từ những nẻo đường khác nhau, thế nhưng số phận đã đưa họ phiêu dạt đến lòng hồ thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa), gắn đời mình với mênh mông sóng nước để mưu sinh.

Ông Nguyễn Văn Bàn là một trong những ngư dân gắn bó với lòng hồ suốt gần 20 năm qua
Ông Nguyễn Văn Bàn là một trong những ngư dân gắn bó với lòng hồ suốt gần 20 năm qua

Mưu sinh như canh bạc đỏ đen

Những ngày đầu tháng 11, những cơn gió lạnh lẽo bắt đầu thổi trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn, thuộc địa phận xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Khi chúng tôi đến lòng hồ thủy điện, ánh hoàng hôn đang dần khép lại. Và lúc này, trên mặt hồ bắt đầu sáng lên ánh đèn từ những chiếc thuyền con lênh đênh, trông như những con đom đóm lập lòe trong bóng tối. 

Trong đêm, tá túc trên bè của gia đình ông Nguyễn Văn Bàn, một trong những người gắn bó với lòng hồ từ lâu, được nghe ông kể nhiều chuyện về bao năm lênh đênh trên mặt hồ của gia đình. Ông Bàn sinh ra và lớn lên ở xã vùng thấp của huyện Cẩm Thủy. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không vốn, không đất sản xuất nên ông dắt díu vợ đến nơi này để dựng nhà, sinh con cái. Ông bà lấy nghề đánh cá, rồi bây giờ là nuôi cá lồng làm kế mưu sinh. Hai vợ chồng có 3 người con, cũng đều gắn bó với nghề sông nước.

“Tôi sống ở đây từ ngày chưa có thủy điện, tính đến nay cũng ngót 20 năm. Nghề này hên xui lắm, làm ăn như kiểu chơi trò đỏ đen vậy. Có hôm kiếm được vài chục cân cá, song cũng có thời gian nửa tháng không kiếm nổi mấy lạng cá”, ông Bàn nói. 

Năm 2018, ông Bàn thực hiện khoanh nuôi thả hơn 300 con cá ké giống, với hy vọng khi thu hoạch sẽ kiếm được một khoản tiền vài trăm triệu đồng. Song trời không chiều lòng người, đàn cá chuẩn bị đến ngày thu hoạch thì vào một ngày bị chết trắng hàng loạt. Đợt ấy, ông Bàn mất trắng khoảng 300 triệu đồng. 

“Tôi dự tính, bán lồng cá và bán căn nhà trên bờ cũng được khoảng trên dưới 600 triệu đồng, rồi cả gia đình cuốn gói về xuôi an phận tuổi già. Nhưng đùng cái tai họa ập xuống nên giờ chẳng biết đi đâu, về đâu nữa, đành phải bấu víu mưu sinh lại nơi này”, người đàn ông khắc khổ kể. 

Bà Trinh, vợ ông Bàn tiếp lời chồng kể, có ngày may mắn bắt được nhiều loại cá như cá lăng, cá leo và tôm… bán được vài triệu đồng, nhưng cũng có khi kéo lưới lên không thu được gì. “Hôm nào được cá thì cả cái lòng hồ này ai cũng được, nên lại bị tư thương ép giá. Thực tế công việc ở đây cũng chỉ kiếm kế sinh nhai qua ngày”, bà Trinh chia sẻ. 

Những phận đời lênh đênh...

Không may mắn có gia đình êm ấm như ông Bàn - bà Trinh, ông Mùi Văn Hiên đã hơn 60 tuổi, nhưng cuộc đời lại đầy bi kịch. Ông Hiên quê tận Suối Sáng, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu (Sơn La). Đến Trung Sơn, ông gặp chị Mùi Thị Tiên, cũng hoàn cảnh khốn khổ, họ nương tựa vào nhau gây dựng cuộc sống. Hai người đóng bè nuôi cá ngay trên lòng hồ thủy điện. 5 lồng cá hứa hẹn mang về nguồn thu đáng kể, giúp cuộc sống sung túc hơn. 

Ông Hiên kể, trước kia từng mua 2 chiếc tàu chở ngô dọc sông Đà, từng có tới 3 chiếc ô tô tải cỡ lớn. Nhưng rồi ông cũng trắng tay chỉ vì thiên tai. Khi về Trung Sơn làm nghề chài lưới, ông mong được an phận, sống bình yên bên người phụ nữ của cuộc đời mình, cùng nhau mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Nhưng rồi, một lần nữa số phận lại trêu ngươi... Tháng 8/2019, cơn cuồng phong kéo mưa gió dữ dội đổ xuống, khiến lòng hồ yên bình bỗng chốc trở thành hiểm ác. 

“Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn cuồng phong khủng khiếp đến vậy. Gió lớn kết hợp cùng sóng nước mạnh tới mức khó tả, nó nâng cả 5 lồng cá, 2 chiếc thuyền lớn của vợ chồng tôi lên không trung đến 15 thước rồi ném thẳng xuống đáy hồ. Tôi và vợ đang ngồi cạnh nhau thì bị gió quật rơi xuống biển nước. Tôi may mắn sống sót, nhưng vĩnh viễn mất đi người vợ yêu quý”, người đàn ông đau đớn nhớ lại. Sau sóng gió, ông Hiên gượng đứng dậy, vẫn ngày ngày mưu sinh trên sông nước, nhưng tương lai không biết về đâu.

Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết, hiện đang có hàng chục hộ dân từ nhiều nơi về lòng hồ sinh sống. Trong đó, nhiều hộ sống rất lâu nên quen với cuộc sống không chịu di dời và cũng không chịu sự quản lý của chính quyền địa phương. Nhiều đứa trẻ sinh ra tại lòng hồ, không được học hành tử tế.

“Xã cũng rất khó quản lý, cũng như bảo đảm an toàn, an ninh cho số hộ dân này, bởi họ không có hộ khẩu tại địa phương, không đăng ký tạm trú, lại thường xuyên di chuyển”, ông Tuấn cho biết.

Không chỉ đối mặt với hiểm nguy và thiên tai rình rập, phận đời của những con người nơi thâm sơn cùng cốc này cũng lênh đênh như chính những con thuyền. Theo ông Tuấn, để bảo đảm an toàn tính mạng cho họ, khi mưa lũ đến, địa phương chỉ có thể tuyên truyền để bà con chủ động ứng phó.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.