Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Những quyết sách từ nghị trường

Thanh Huyền - 4 giờ trước

Năm 2024 khép lại, với nhiều dấu ấn trong hoạt động của Quốc hội. Hai kỳ họp trong năm qua, Quốc hội đã xem xét thông qua nhiều dự án Luật; thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của Nhân dân. Trong đó, Quốc hội tiếp tục dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã đánh giá: chương trình, chính sách được ban hành đang phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã đánh giá: chương trình, chính sách được ban hành đang phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đề cập kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được, nhấn mạnh sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là giúp các địa phương vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả do bão số 3, ổn định cuộc sống. Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, ngoài việc bố trí nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực phục hồi kinh tế cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3, nhất là các tỉnh biên giới, vùng đồng bào DTTS.

Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho rằng, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh miền núi nói chung còn khoảng cách rất xa so với các tỉnh vùng đồng bằng và bình quân chung của cả nước. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm nghiên cứu, có cơ chế, chính sách đặc thù và giải pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư về kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi.

Bên cạnh đó, vấn đề chính sách giữ chân nhà giáo, cán bộ y tế công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp đột phá trong thu hút, giữ chân bác sĩ, y tá cho trạm y tế cấp xã để phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Có thể thấy, từ việc thảo luận các dự án Luật, đến vấn đề kinh tế - xã hội và các nội dung quan trọng khác, Quốc hội đã dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào DTTS. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã tiến hành xem xét Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 do Chính phủ trình.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 với Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đây là Chương trình MTQG mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Chương trình được phê duyệt điều chỉnh sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay. Việc điều chỉnh chủ trương không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các địa phương.

Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu khẳng định Chương trình MTQG 1719 là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 3 năm thực hiện đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; cải thiện đời sống của Nhân dân... Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình. Các đại biểu tán thành với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Bước sang năm 2025, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động…; đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025… tạo tiền đề tốt nhất cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới”.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Họp mặt đại diện nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc

Ninh Thuận: Họp mặt đại diện nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc

Nhân dịp mừng Xuân Ất Tỵ 2025, ngày 22/1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp mặt đại diện nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc. Đến dự có các ông: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành cấp tỉnh.