Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những tấm sắc phong ở vùng đất Quảng Ngãi

PV - 14:26, 24/07/2019

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những tấm sắc phong vẫn được nhiều dòng họ, chùa, đình làng cất giữ. Tại Quảng Ngãi, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong thuộc các triều đại. Giá trị lớn lao của các sắc phong là tính nhân văn, giáo dục và cố kết cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Châu (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) gìn giữ nguyên vẹn 7 sắc phong. Ông Nguyễn Văn Châu (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) gìn giữ nguyên vẹn 7 sắc phong.

7 bản sắc phong cổ ở làng Châu Mi

Lưu truyền qua 14 thế hệ, 7 tấm sắc phong cổ của triều Nguyễn vẫn đang được ông Nguyễn Văn Châu (70 tuổi, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) gìn giữ nguyên vẹn. Sắc phong năm Tự Đức thứ 5 (1851) là bản sắc phong có niên đại lâu nhất trong 7 sắc phong ông Châu đang giữ gìn.

Làng Châu Mi nay là thôn Phú Châu, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, được khai lập từ hơn 500 năm trước. Đến nay trải qua 14 thế hệ nhưng con cháu đều gìn giữ cẩn thận các sắc phong ghi nhận công lao người có công khai khẩn đất, lập làng. Những tấm sắc phong này được làm từ giấy long đằng, sắc vàng, dẻo dai do các nghệ nhân ở làng Lại Nghè (phủ Hoài Đức, nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất, được vua, chúa sử dụng nhằm mục đích phong công, phong thần cho quan quân triều đình. Ông Châu nhờ thợ mộc làm các khung và lồng kính để giữ gìn, ông treo 5 tấm sắc phong ở gian giữa của nhà mình và 2 tấm ở miếu Bà và đình làng Châu Mi.

Ông Châu chia sẻ: “Sắc phong là một tư liệu quý về lịch sử khai lập làng, lập nước, thế hệ tiền hiền, do vậy, gia đình tôi luôn bảo quản thật tốt để các thế hệ con cháu đời sau vẫn còn giữ gìn trân trọng những bảo vật quý giá”.

Sắc phong gắn liền quá trình mở làng

Ngoài 7 tấm sắc phong cổ của triều Nguyễn vẫn đang được ông Nguyễn Văn Châu lưu giữ, nội dung ghi nhận người có công khai lập làng từ 500 năm trước, tại Quảng Ngãi, hầu hết các tấm sắc phong được tìm thấy chủ yếu là sắc phong thần linh-loại sắc phong cho các bậc công thần đã có công lao trong việc mở mang bờ cõi, giữ bình yên một vùng đất rộng lớn và được các triều đại phong kiến phong tặng là thần.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết: “Sau quá trình nghiên cứu tư liệu Hán Nôm, các cơ quan nghiên cứu đã ghi chép hơn 5.000 tư liệu, tuyển chọn hơn 700 trang tư liệu Hán Nôm để dịch. Đến nay một số địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đang lưu giữ nhiều tư liệu tương đối nguyên vẹn”. Theo đó, tại lăng Ông ở thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ 6 đạo sắc phong thần từ Minh Mạng đến Khải Định; tại làng Mỹ Huệ (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) còn 11 sắc phong, chế phong, tờ sai…; tại đền thờ Bùi Tá Hán (phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi) hiện lưu giữ 23 sắc phong của các đời vua nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn; tại chùa Hoa Sơn (xã Nghĩa Phú, TP. Quảng Ngãi) còn giữ 18 đạo sắc phong thần triều Nguyễn, từ Minh Mạng đến Khải Định…

Về các sắc phong cho Thành hoàng, sắc phong cổ nhất sớm nhất là sắc ban cho thôn Hòa Dương, huyện Mộ Hoa (nay xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức) vào năm Tự Đức thứ 5 (1852) và sau đó là sắc phong ban cho thôn Châu Mi, huyện Chương Nghĩa (nay là thôn Phú Châu, xã Hành Đức), hiện ông Nguyễn Văn Châu đang giữ gìn.

Công việc bảo quản các sắc phong được người xưa lưu giữ cẩn thận. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, trước đây, các sắc phong được bảo quản trong các hình hộp chữ nhật, sơn màu đỏ thẫm, vẽ hoa văn hình rồng, phụng, đặt tại gian hậu cung. Nếu bản sắc này được lưu giữ tại các nhà thờ tiền hiền, thủ sắc, thì mỗi khi thực hành nghi lễ cúng thần sẽ có tục rước sắc về đình, đền hay miếu với sự tham dự của ban tế tự, hương chức, bô lão.

Sắc phong là loại hình văn bản đặc biệt và cũng là những bảo vật thiêng liêng nên có giá trị đời sống văn hóa, tinh thần làng xã, quốc gia, dân tộc… Một vị thần có thể được phong tặng nhiều lần, dưới các triều vua khác nhau, nhưng mỗi lần ban tặng thì nội dung thần hiệu, mỹ tự khác nhau, vì thế, sắc phong có tính độc bản, càng có giá trị đời sống cộng đồng. Do vậy, hiện nay các sắc phong còn được lưu giữ là tư liệu quý giá về quá trình mở làng, lập nước cần được lưu giữ cẩn thận.

NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.