Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Những thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi

Minh Thu - 06:59, 26/07/2024

Từng xông pha trong lửa đạn, cống hiến tuổi trẻ, xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc, khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều thương binh, bệnh binh lại tiếp tục nỗ lực trên “mặt trận” làm kinh tế. Không chỉ làm giàu cho gia đình, góp sức xây dựng quê hương, những thương binh, bệnh binh còn khẳng định ý chí, quyết tâm “tàn nhưng không phế”.

Ông Ngôn Văn Toàn (áo trắng) niềm nở đón khách đến nghỉ dưỡng tại homstay của gia đình.
Ông Ngôn Văn Toàn (áo trắng) niềm nở đón khách đến nghỉ dưỡng tại homstay của gia đình

Trên “mặt trận” chống đói nghèo

Ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, hầu như ai cũng biết và cảm phục ý chí vươn lên của người thương binh Ngôn Văn Toàn. Trải qua cuộc chiến tranh giữa mưa bom, bão đạn tại chiến trường Tây Nguyên năm 1967, ông bị thương 2 lần ở chân và cổ, bị sức ép của bom mìn ảnh hưởng đến màng nhĩ. Nhưng với tinh thần quả cảm của người lính cụ Hồ, sau khi điều trị, ông Toàn lại tiếp tục tham gia chiến đấu đến ngày hòa bình và cống hiến cho quân đội đến năm 1989 thì nghỉ chế độ.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Sơn Lộc còn tích cực làm công tác xã hội, tạo cơ hội và nhiệt tình giúp đỡ gia đình, con em của đồng đội còn khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông Sơn Lộc là một trong những tấm gương mẫu mực về vượt khó vươn lên làm giàu.

Ông Kim Chí Thiện Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết

Xuất ngũ trở về địa phương, mang trong mình thương tật 4/4; thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, người thương binh Ngôn Văn Toàn lại tiếp tục với “mặt trận” chống lại đói nghèo.

Với bản chất cần cù, ông nuôi ý chí tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Nhận thấy lợi thế để phát triển kinh tế ở thôn Pác Ngòi, năm 1994, ông Toàn bắt đầu cùng gia đình bắt tay vào sửa chữa ngôi nhà sàn đang ở làm homestay đón khách đến tham quan du lịch hồ Ba Bể và trở thành một trong những hộ đầu tiên làm dịch vụ này ở xã Nam Mẫu.

Hiện nay, gia đình ông Toàn đã có 12 phòng lưu trú phục vụ du khách, có 2 chiếc xuồng máy chuyên phục vụ khách tham quan các điểm du lịch tại hồ Ba Bể. Ngoài ra, ông còn đầu tư xe đạp phục vụ khách đi dạo quanh hồ và thăm động Hua Mạ. Trung bình mỗi năm, gia đình ông đón tiếp trên 800 lượt khách du lịch, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về từ 250 - 300 triệu đồng. Đồng thời, mô hình kinh tế của gia đình ông còn tạo việc làm cho 4 lao động, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ tự mình làm giàu, ông Toàn đã vận động các hộ gia đình trong thôn cùng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng. Nhờ đó, đến nay, thôn Pác Ngòi có 40 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch với thu nhập ổn định, góp phần xây dựng thôn Pác Ngòi trở thành thôn văn hóa tiêu biểu của xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.

Sáng ngời phẩm chất Bộ đội cụ Hồ

Ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, ông A Cốp (73 tuổi, dân tộc Giẻ - Triêng, ngụ thôn Đăk Si, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cũng là một trong những người có công tiêu biểu của địa phương.

Ông A Cốp nỗ lực làm kinh tế, trở thành hộ khá trong xã. Ảnh: CC
Ông A Cốp nỗ lực làm kinh tế, trở thành hộ khá trong xã. Ảnh: CC

Tham gia quân đội từ năm 1968, từng tham gia nhiều trận đánh ở chiến trường Gia Lai, Kon Tum, Campuchia, cả hai vợ chồng ông A Cốp đều là bệnh binh với tỷ lệ thương tật từ 60 - 70%, đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước đối với người có công.

Tuy nhiên, không trông chờ, ỷ lại chính sách ưu đãi của Nhà nước, vợ chồng ông luôn chăm chỉ làm ăn, tích lũy vốn để mở rộng sản xuất. Trước đây, khi còn sức khỏe, gia đình ông canh tác hơn 5ha đất, trồng các loại cây lâu năm như cà phê, bời lời. Sau này, khi 6 người con trưởng thành, ông dựng vợ, gả chồng, hỗ trợ kinh phí làm nhà ở riêng, chia đất sản xuất cho các con làm ăn và gia đình các con đều có cuộc sống ổn định.

Với diện tích đất còn lại, vợ chồng ông A Cốp tiếp tục phát triển các loại cây trồng kết hợp với chăn nuôi bò, heo, bán hàng tạp hóa. Bình quân mỗi năm, gia đình ông có thu nhập trên 150 triệu đồng.

Còn ở tỉnh Sóc Trăng, thương binh, cựu chiến binh Sơn Lộc, dân tộc Khmer, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Sóc Mới, xã Long Phú, huyện Long Phú lại là một trong những tấm gương cựu chiến binh điển hình vượt khó làm giàu từ nhiều năm nay.

Từng tham gia quân đội năm 1984 tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, sau đó ông Sơn Lộc được điều sang chiến trường Campuchia giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng. Trong một trận đánh, ông bị thương toàn phần thân bên trái, ảnh hưởng đến mắt và tai. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương ấy lại gây đau nhức, khiến ông thường xuyên phải đến bệnh viện để khám và điều trị.

Nhưng vượt lên nỗi đau về thể xác, với ý chí và nghị lực của một người lính, năm 1987, ông Sơn Lộc phục viên về quê, sau đó lập gia đình. Để chăm lo cho cuộc sống riêng, vợ chồng ông cất chòi ở tạm ngoài bờ kênh, nuôi heo, gà, vịt, cải tạo đất bờ kênh trồng các loại rau và tiện chăm sóc đất trồng lúa. Đến những năm 2000, từ vốn tích lũy hằng năm, ông mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển chăn nuôi... và có cuộc sống dư dả.

Ông Sơn Lộc (đứng giữa) giới thiệu về mô hình chăn nuôi bò lai sind sinh sản cho các hội viên Hội Cựu Chiến binh xã Long Phú.
Ông Sơn Lộc (đứng giữa) giới thiệu về mô hình chăn nuôi bò lai sind sinh sản cho các hội viên Hội Cựu Chiến binh xã Long Phú.

Bây giờ, ông Sơn Lộc đã trở thành gương cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Sóc Trăng, với thu nhập bình quân mỗi năm 250 - 300 triệu đồng.

Nhận xét về người đồng chí, đồng đội của mình, ông Kim Chí Thiện, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Sơn Lộc còn tích cực làm công tác xã hội, tạo cơ hội và nhiệt tình giúp đỡ gia đình, con em của đồng đội còn khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông Sơn Lộc là một trong những tấm gương mẫu mực về vượt khó vươn lên làm giàu”.

Có thể nói, những người có công với cách mạng, những thương binh, bệnh binh là biểu tượng cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, họ không chỉ cống hiến máu xương cho cuộc chiến tranh tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mà còn đi đầu trong công cuộc làm giàu, xây dựng quê hương. Ngoài những tấm gương như thương binh Ngôn Văn Toàn, các ông A Cốp, Sơn Lộc, còn rất nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, người có công gương mẫu, đi đầu làm kinh tế giỏi, sáng ngời phẩm chất Bộ đội cụ Hồ để cán bộ, Nhân dân học tập và noi theo.