Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Những vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù: Khó gia tăng dân số tự nhiên ở dân tộc Pu Péo (Bài 4)

Cù Hương - Sỹ Hào - 10:44, 25/11/2023

Pu Péo là một trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người của nước ta, chủ yếu cư trú tại Hà Giang. Bên cạnh điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì trong những năm qua, dân tộc Pu Péo không có nhiều biến động về gia tăng dân số tự nhiên.

Lễ cúng thần rừng là tín ngưỡng linh thiêng, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, duy trì việc trồng cây gây rừng trong đời sống của người Pu Péo nơi địa đầu Tổ quốc.
Lễ cúng thần rừng là tín ngưỡng linh thiêng, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, duy trì việc trồng cây gây rừng trong đời sống của người Pu Péo nơi địa đầu Tổ quốc.

Đời sống nhiều khởi sắc

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội (KT – XH) 53 DTTS được Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện tháng 4/2019 cho thấy, dân tộc Pu Péo có 233 hộ, với 903 nhân khẩu. Dân tộc Pu Péo có mặt tại 20/63 tỉnh, thành phố của nước ta; trong đó tại tỉnh Hà Giang có 771 nhân khẩu, cư trú tập trung nhiều nhất tại xã Phố Là và thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn; xã Sủng Tráng và Phú Lũng, huyện Yên Minh và một số ít còn lại sống xã Yên Cường (huyện Bắc Mê).

Trong các dân tộc rất ít người, thì Pu Péo là một trong những dân tộc sớm có chính sách đặc thù của Trung ương để đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH, bảo tồn, gìn giữ văn hóa. Từ năm 2005, Dự án “Hỗ trợ, phát triển dân tộc Pu Péo” trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo Quyết định số 238/QĐ-UBDT ngày 16/5/2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã được triển khai, với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách chung dành cho đồng bào DTTS thì dự án đặc thù này đã tạo nền tảng để các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển dân tộc Pu Péo giai đoạn sau thêm hiệu quả. Trong đó có Đề án “Hỗ trợ phát triển KT – XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã cơ bản giải quyết nhiều vẫn đề cấp bách trong đời sống đồng bào dân tộc Pu Péo.

Đời sống được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pu Péo được gìn giữ, phát huy.
Đời sống được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pu Péo được gìn giữ, phát huy.

Đơn cử ở thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng (huyện Yên Minh) - nơi có gần 20 hộ và khoảng 100 nhân khẩu đồng bào dân tộc Pu Péo. Được hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS rất ít người, cuộc sống của người dân thôn Cháng Lộ đã có sự thay đổi. Hiện nay, tuyến đường vào thôn đã được bê-tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Mỗi hộ dân được Nhà nước hỗ trợ một con bò cái sinh sản và xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi, nhà nào cũng được đầu tư xây dựng bể nước, nhà vệ sinh, nhà tắm; tất cả các hộ đã có xe máy, tivi và các vật dụng thiết yếu...

Từ nguồn lực của các chương trình, dự án, tỷ lệ nghèo của dân tộc Pu Péo hiện cũng không còn cao so với các dân tộc rất ít người nói riêng, so với 53 DTTS nói chung. Tại thời điểm tháng 4/2019, kết quả điều tra thực trạng KT – XH 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ nghèo trong dân tộc Pu Péo là 26,4% (trong đó có 28 hộ nghèo, 33 hộ cận nghèo).

Sau khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ nghèo của dân tộc Pu Péo có tăng, nhưng không nhiều. Tại Hà Giang, theo Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 thì toàn tỉnh còn 37 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo là người dân tộc Pu Péo trong tổng số 70.318 hộ nghèo và 24.409 hộ cận nghèo của Hà Giang.

Dân số ít biến động

Tại thời điểm Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện điều tra thực trạng KT – XH 53 DTTS năm 2019, trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người thì Pu Péo cùng với Brâu là hai dân tộc có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt trên 1,2 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập của dân tộc Pu Péo đã tăng lên rất nhiều so năm 2012.

Đời sống kinh tế đã nâng lên rõ rệt, nhưng tình hình gia tăng dân số tự nhiên của dân tộc Pu Péo không có biến chuyển mạnh mẽ. Kết quả điều tra thực trạng KT – XH 53 DTTS cho thấy, giai đoạn 2009 – 2019, tỷ lệ tăng dân số bình quân của dân tộc Pu Péo là 2,73%/năm; trong 10 năm, dân số dân tộc Pu Péo tăng từ 687 người lên 903 người. Trong khi đó, nhiều chỉ số thành phần của tăng dân số tự nhiên ở dân tộc Pu Péo rất đáng quan ngại, ảnh hưởng lớn đến quy mô, cơ cấu và tốc độ gia tăng dân số.

Trong đó, theo kết quả điều tra thực trạng KT – XH 53 DTTS, trong khi phần lớn các dân tộc có tỷ suất chết thô (CDR) dưới 8,0‰ thì CDR của dân tộc Pu Péo là 13,29‰, cao hơn các dân tộc: Ơ Đu (11,68‰), Si La (11,00‰), Rơ Măm (10,95‰),… Đồng thời, tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của dân tộc Pu Péo cũng cao hơn bình quân chung của 53 DTTS (23,70‰ so với 22,13‰).

Dân tộc Pu Péo có những nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo, đóng góp nhiều di sản văn hóa quý báu vào kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, trong đó có Lễ ra đồng.
Dân tộc Pu Péo có những nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo, đóng góp nhiều di sản văn hóa quý báu vào kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, trong đó có Lễ ra đồng.

Thực tế, dân tộc Pu Péo hiện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong 18 DTTS của tỉnh Hà Giang. Đời sống của đồng bào dân tộc Pu Péo được nâng lên là minh chứng khẳng định hiệu quả chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, các cấp ngành cần quan tâm đến vấn đề phát triển dân số ở dân tộc Pu Péo. Việc phát triển về số lượng dân trong mỗi dân tộc rất ít người, đồng thời còn phát triển cả về chất lượng dân số sẽ giúp tránh nguy cơ mất thành phần một số dân tộc rất ít người, tạo ra năng lực phát triển để đồng bào các dân tộc thực hiện quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng với các dân tộc khác và nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển của đất nước.

Theo thống kê, tại tỉnh Hà Giang có 5 dân tộc có khó khăn đặc thù, gồm các dân tộc: Bố Y, Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo, Cờ Lao. Đồng bào các dân tộc này cư trú tại thuộc 127 thôn, với tổng số 1.915 hộ sẽ được thụ hưởng chính sách đầu tư, hỗ trợ theo Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 của Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.