Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Niềm tin năm học mới

Minh Thu - 13:56, 22/09/2020

Một năm học mới đã bắt đầu nơi các xã khó khăn rẻo cao tỉnh Bắc Kạn. Ngày khai giảng không ồn ào náo nhiệt, không cờ hoa, hát múa như mọi năm, nhưng thầy và trò ở vùng cao này bước vào năm học mới với một tâm thế háo hức, tự tin, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao.

Thể dục giữa giờ tại Trường Tiểu học - Mầm non Nam Cường
Thể dục giữa giờ tại Trường Tiểu học - Mầm non Nam Cường

Khó khăn không cản bước…

Trước khai giảng gần một tháng, các thầy cô giáo tại điểm trường Lũng Noong (thuộc Trường Tiểu học và Mầm non Nam Cường) xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn đã có mặt tại điểm trường để thực hiện tổng vệ sinh, trường lớp học. Sau đó là “đi bắt trò” - cách nói vui của các thầy cô trên vùng cao khi vận động học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ hè đặc biệt năm nay- hè Covid-19. 

Thầy Sằm Văn Ninh, quản lý điểm trường Lũng Noong chia sẻ: Điểm trường có tất cả 5 thầy cô, người cách xa điểm trường nhất cũng chừng 50 cây số. Cần phải kể thêm rằng, dù từ trung tâm xã Nam Cường lên đến điểm trường Lũng Noong chỉ cách chừng hơn chục km, nhưng cũng phải đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Vào ngày mưa có thể phải đi mất 2, 3 tiếng đồng hồ. Những tuần mưa bão, giao thông cách trở, không về được, cả 5 thầy cô đều phải ở lại khu nhà công vụ, ăn tối với những đồ khô và ít rau rừng vì không có tủ lạnh để bảo quản thức ăn.

Điểm trường Lũng Noong với 3 phòng học được xây dựng năm 2002 từ nguồn vốn của Chương trình 135. Ngày trước, điểm trường chỉ là những phòng học được ghép tạm từ những tấm ván gỗ, cây rừng. Mùa Đông thì rét thấu xương, còn mùa Hè thì nóng kinh khủng. “Nhưng bây giờ đỡ rồi, thầy và trò không còn phải dạy và học trong những lớp học như thế nữa. Điểm trường đã có điện lưới, có nước sinh hoạt nên việc dạy và học cũng đỡ vất vả hơn”, cô giáo Vi Thị Chiêu, người đã gắn bó gần 5 năm với điểm trường chia sẻ.

Sau khai giảng, 2 tuần đầu, học sinh lớp 1 tại điểm trường Lũng Noong đã đến trường đầy đủ và làm quen với việc học chữ. Những tiếng ê, a vang vọng trong lớp mỗi buổi sáng, những khuôn mặt trẻ thơ, những ánh mắt trong veo, đẹp ngời trong nắng sớm đã trở thành niềm hân hoan, phấn khởi của những thầy cô giáo nơi đây.

Giờ ra chơi, các em học sinh rủ nhau chơi đu quay, nhảy dây, cầu bập bênh. Tiếng cười vang vọng một góc núi... 

Hạnh phúc của những người thầy

Thầy giáo Sằm Văn Ninh cho biết: Toàn bộ số học sinh tại điểm trường đều là dân tộc Mông. Năm học 2020 - 2021, điểm trường Lũng Noong có 4 lớp với 43 học sinh, trong đó có 13 học sinh lớp 1. Trước đây, tình trạng học sinh chậm ra lớp, thậm chí bỏ học thường xuyên xảy ra thì nay không còn, đó là nhờ công tác vận động, tuyên truyền có hiệu quả của chính quyền địa phương cùng ngành Giáo dục huyện mà trực tiếp là những nỗ lực, tâm huyết của thầy cô điểm trường Lũng Noong.

Chứng kiến hình ảnh các bậc phụ huynh đứng chờ đón con em mình sau giờ tan trường, chúng tôi cảm thấy lâng lâng. Đồng bào đã thực sự quan tâm việc học tập của con em mình. “Đời cha, đời anh đã vất vả vì không có cái chữ, nay cuộc sống khấm khá rồi, phải cho bọn trẻ đi học. Có cái chữ sau này sẽ bớt đói khổ”, anh Ngô Văn Páo, một phụ huynh chia sẻ với chúng tôi trong lúc chờ con tan học trước cổng trường. 

Sau những tháng dài nghỉ học vì dịch Covid-19, 100% học sinh đã đi học trở lại. Khi đến lớp, thầy và trò đều tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19: DDo thân nhiệt trước giờ lên lớp, nhắc nhở học sinh thường xuyên rửa tay sát khuẩn, ăn chín uống sôi… Các điều kiện cơ sở vật chất dạy và học đều được nhà trường bảo đảm an toàn với quyết tâm trong năm học này sẽ có trên 60% tỷ lệ học sinh đạt lực học khá giỏi, 100% học sinh chuyên cần đến lớp.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.