Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và 216 đại biểu đại diện cho 32 DTTS trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Pi Năng Thị Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 32 DTTS, gồm 39.478 hộ, với 176.452 khẩu, sinh sống tập trung trên địa bàn 28 xã, chiếm 24% dân số toàn tỉnh. Hộ nghèo DTTS là 5.149 hộ, với 21.219 khẩu, chiếm 13% số hộ DTTS, giảm 4,69% so với năm 2022. Hộ cận nghèo DTTS là 3.517 hộ, với 16.664 khẩu, chiếm 8,91% số hộ DTTS, thấp hơn 1% so với năm 2022.
Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi. Toàn tỉnh có trên 99% số hộ được sử dụng lưới điện quốc gia và các nguồn điện khác; trên 99% gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 75% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; trên 96% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Tính riêng trong 3 năm gần đây (2022 - 2024), nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là 981.460,48 triệu đồng; bao gồm vốn đầu tư phát triển 527.302 triệu đồng và vốn sự nghiệp trên 454.158 triệu đồng. Đến nay, đã giải ngân 451.112 triệu đồng thực hiện 10 dự án thành phần bước đầu phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống Nhân dân.
Địa phương hiện có 394 Người có uy tín; trong đó có 124 Người có uy tín là đồng bào DTTS. Các vị già làng, trưởng thôn, cán bộ cốt cán ở cơ sở gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước. Lực lượng này tham gia tích cực các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Họ là cánh tay nối dài giúp chính quyền trong việc vận động Nhân dân bàn giao mặt bằng xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam; xóa bỏ mê tín dị đoan, không theo đạo trái quy định. Trong kinh tế, họ mạnh dạn chyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm nghèo nhanh bền vững...
Ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những đóng góp của lực lượng Người có uy tín, trưởng thôn, cán bộ cốt cán, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu đồng bào các DTTS. Họ là tấm gương về đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chịu khó vươn lên trong lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, họ còn đóng vai trò là cầu nối truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng và củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và bộ máy chính quyền...
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, giúp nguời dân vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Trong đó, trọng tâm là các chương trình mục tiêu quốc gia, đây là nguồn lực lớn góp phần làm thay đổi kinh tế - xã hội cho tỉnh Ninh Thuận nói chung, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 33 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương nhân dịp Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận lần thứ Nhất, năm 2024.
Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm