Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Bá Minh Truyền - 17:57, 19/09/2024

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.

Anh Lưu Trường Lâm - Chủ cơ sở Farm Bazô nông nghiệp sạch
Anh Lưu Trường Lâm - Chủ cơ sở Farm Bazô nông nghiệp sạch

Khát vọng màu xanh

Anh Lưu Trường Lâm là một kỹ sư điện công nghiệp, tính chất công việc thường xuyên di chuyển nhiều, anh có điều kiện tiếp cận với nông dân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Khi quyết định chuyển hẳn về quê hương Ninh Thuận sinh sống và lập nghiệp, anh nhận thấy quê hương anh khí hậu nắng nóng quanh năm, rất thích hợp để làm nông nghiệp xanh. Từ nhỏ, anh đã được ba dẫn đi làm các công việc đồng áng. Trải qua các mô hình nông nghiệp trồng lúa nước, trồng nho và trồng táo, anh cũng nhận thấy sản xuất nông nghiệp đã vất vả nhưng vấn đề đầu ra sản phẩm và giá cả thị trường luôn biến đổi thất thường, khiến cuộc sống những người nông dân luôn bấp bênh theo mùa vụ.

Từ điều kiện tự nhiên vùng đất Ninh Thuận khô cằn, nắng nhiều mưa ít, nhiều vùng đất bị hoang hoá do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không chủ động được nguồn nước trong sản xuất. Vì thế, anh Lưu Trường Lâm lúc nào cũng nung nấu ý nghĩ làm cách nào để phủ xanh hoá trên vùng đất sa mạc hoá. Qua những lần đi du lịch, tham quan các trang trại nông nghiệp, học hỏi các mô hình Farm nông nghiệp sạch làm kinh tế hiệu quả, anh nuôi hoài bão sẽ mang cây tre về trồng trên vùng đất nắng để thoả mãn khát vọng màu xanh. Lúc đầu, anh trồng thử nghiệm khoảng 1,4ha với 1.200 cây. Cây tre sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, chẳng bao lâu vùng đất nắng, khô cằn được phủ màu xanh.

Rừng tre phủ xanh vùng đất nắng
Rừng tre phủ xanh vùng đất nắng

Trước mắt, anh Lâm đã tạo được bóng mát, không gian xanh, sạch để cuối tuần gia đình, bạn bè có nơi sinh hoạt mát mẻ. Khi đã có kinh nghiệm trồng và chăm sóc giống cây tre tứ quý để lấy măng làm thực phẩm, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng, nhập khẩu giống thêm để phủ xanh vùng đất bạc màu. Từ tháng 6 năm 2023 đến nay, trên vùng đất cằn cỗi của gia đình ở thôn Thành Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đã được đổi thay bằng màu xanh tươi của rừng tre mang thương hiệu Farm Bazô.

Phát huy hiệu quả kinh tế cao

Mô hình chuyển đổi cây trồng từ lúa và hoa màu khác sang trồng cây tre lấy măng là mô hình tiên phong tại thôn Thành Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Với tư duy làm kinh tế chuyên canh một loại cây trồng ở địa phương, anh Lưu Trường Lâm đã mạnh dạn đầu tư về cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây tre, cách chế biến măng tươi, măng sấy khô và măng chua để bán ra thị trường. Hiện nay, giá bán của măng tươi ra thị trường trung bình từ 10.000 - 12.000đ/kg trở lên. Giá vào lúc cao điểm có khi lên 25.000đồng/kg. Theo ước tính ban đầu, với 1.200 cây tre, trồng sang năm thứ 3 sẽ thu hoạch được từ 40 - 45 tấn măng tươi, trừ các khoản chi phí, doanh thu đạt từ 300 triệu đồng - 350 triệu đồng/năm. Chia bình quân mỗi tháng có thu nhập trung bình từ 25.000.000 đồng – 29.000.000 đồng. Ở khu vực nông thôn, với mức thu nhập như trên là đã giải quyết được bài toán khó khăn về kinh tế gia đình, mang lại màu xanh cho môi trường sống.

Búp măng đang phát triển
Những búp măng mọc lên từ vùng đất khô cằn

Bên cạnh đó, cơ sở Farm Bazô của anh Lưu Trường Lâm còn có khoản thu nhập khác từ việc bán cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng giống tre tứ quý và các sản phẩm chế biến từ cây tre. Hằng năm, thay thế cây tre già khoảng 3.000 cây với giá bán 10.000đồng/cây, thu nhập tăng thêm 30.000.000đồng/năm. Từ cơ sở trồng cây tre lấy măng, anh Lưu Trường Lâm còn có nhiều ý tưởng khác như kết hợp việc chăn nuôi bò, trại nuôi con dúi, trồng nấm và phát triển du lịch nông nghiệp.

Anh Lưu Trường Lâm chia sẻ thêm, làm Farm nông nghiệp phải đảm bảo các khoản chi phí vận hành, còn hoạt động du lịch và các dịch vụ khác là tạo ra giá trị gia tăng. Nếu mình tự bỏ tiền túi để làm du lịch nông nghiệp thì khó thành công và không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một hộ gia đình nông dân nếu trồng khoảng nửa ha cây tre, thu nhập hằng tháng có thể tiết kiệm được 10 triệu đồng. So với trồng lúa nước thì người nông dân trồng cây tre lấy măng có cuộc sống ổn định hơn. Tại cơ sở Farm Bazô của anh Lưu Trường Lâm tạo ra việc làm cho trên 20 lao động theo thời vụ, với các công đoạn bảo vệ, chăm sóc cây tre, thu hoạch và chế biến măng.

Ông Nguyễn Hữu Đức (Hàng thứ 2 từ trái sang) - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và đoàn công tác địa phương đến tham quan Farm Bazô trồng cây tre
Ông Nguyễn Hữu Đức ( thứ 2 từ trái sang) - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và Đoàn công tác địa phương đến tham quan Farm Bazô trồng cây tre

Lan toả không gian xanh, sạch, thân thiện với môi trường

Từ mô hình Farm Bazô trồng cây tre lấy măng, không những chuyển đổi cây trồng phù hợp với địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phủ xanh những vùng đất khô hạn, bỏ hoang phí. Anh Lưu Trường Lâm tích cực vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng những vùng đất sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng cây tre.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước khi đến tham quan mô hình trồng cây tre ở cơ sở Farm Bazô của anh Lưu Trường Lâm đã nhận xét: Cây tre thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương, chính quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Về phía Hội Nông dân huyện Ninh Phước sẽ tạo điều kiện, giúp đỡ cơ sở Farm Bazô tham gia các chương trình tập huấn, hội nghị gặp gỡ các chuyên gia tư vấn sản xuất nông nghiệp và tiếp cận với thị trường nông nghiệp sạch trong và ngoài tỉnh; Giới thiệu tham gia các diễn đàn, chương trình hoạt động của Liên minh các hợp tác xã Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từng bước thay đổi tư duy làm nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào nguồn nước trời, mô hình Farm Bazô trồng cây tre của anh Lưu Trường Lâm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình điển hình tiên tiến, cần nhân rộng để các hộ nông dân khác chuyển đổi cây trồng, thoát nghèo từ chính mảnh đất kém màu mỡ. Người nông dân có thể làm giàu từ thửa đất của gia đình, không còn cảnh bỏ đất hoang hoá để đi vào các thành phố lớn làm công nhân tìm sinh kế.

Ông Lâm Bình Sơn, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Phước cho biết: Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như cơ sở Farm Bazô trồng cây tre phủ xanh đất bạc màu, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng. Hỗ trợ chi phí về cây giống để người nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và thay đổi các tập quán sản xuất nông nghiệp cũ.

Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), Ủy ban Dân tộc và nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã và đang nỗ lực thúc đẩy, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi theo nội dung số 3, Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719. Mô hình khởi nghiệp. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô của anh Lưu Trường Lâm là một mô hình điển hình để các startup vùng DTTS và miền núi có thể tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.