Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Ninh Thuận: Đòn bẩy từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

T.Nhân-H.Trường (thực hiện) - 14:49, 24/10/2024

Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận tập trung thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có sự đổi thay đáng kể. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được xem là đòn bẩy để rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Pi Năng Thị Thuỷ, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận về tình hình triển khai, thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại địa phương.

Bà Pi Năng Thị Thuỷ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận
Bà Pi Năng Thị Thuỷ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của địa phương nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Ninh Thuận đã tập trung triển khai Chương trình này như thế nào trong thời gian qua, thưa bà?

Bà Pi Năng Thị Thủy: Ninh Thuận là tỉnh có đông đồng bào DTTS, với 32 thành phần dân tộc, chiếm 23% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc Raglay chiếm 10,6% và dân tộc Chăm chiếm 11% dân số toàn tỉnh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự tập trung nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định.

Qua 3 năm triển khai Chương trình, Ninh Thuận đã có bước chuyển biến rõ nét. Nền kinh tế vùng DTTS và miền núi tiếp tục đà tăng trưởng khá; sản xuất ngày càng phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Nhân dân từng bước áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng cao, thu ngân sách trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội luôn được quan tâm đầu tư, từng bước được cải thiện, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, giáo dục, y tế. Sự nghiệp giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư phát triển; chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên, quan tâm đưa chữ viết Raglay vào chương trình học; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ.

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Ninh Thuận tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Ninh Thuận tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bên cạnh đó, địa phương chú trọng đa dạng hóa các hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS và phát triển du lịch, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và có bước khởi đầu tốt. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được chú trọng; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Việc huy động đảm bảo nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương còn gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện Chương trình, đặc biệt là đối với các địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, việc huy động đóng góp về tiền, ngày công lao động của đồng bào DTTS để thực hiện Chương trình trên địa bàn các huyện, xã không đáng kể...

Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu như thế nào trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, thưa bà?

Bà Pi Năng Thị Thủy: Có thể khẳng định, Chương trình MTQG 1719 là một chương trình nhiều ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Chương trình thực sự là đòn bẩy, tạo đà cho sự phát triển toàn diện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Ninh Thuận. Đối với tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư cho Chương trình từ ngân sách nhà nước là hơn 995 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 483 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 512 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã giải ngân hơn 587 tỷ đồng, đạt 59,1%.

Người dân miền núi Ninh Thuận được hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719
Người dân miền núi Ninh Thuận được hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719

Qua 3 năm triển khai, Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng 62 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc như điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống thủy lợi, chợ...

Sau khi đầu tư, các công trình đã mang lại một số hiệu quả nhất định: 100% các xã thuộc Chương trình có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã được xây dựng quy mô lớn, có tính kết nối vùng. Mạng lưới giao thông nội đồng, nông thôn được cải thiện theo chuẩn nông thôn mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, buôn bán và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Toàn bộ thôn và xã vùng đồng bào DTTS đã được kết nối điện lưới quốc gia, với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,8%, đáp ứng nhu cầu thắp sáng, sinh hoạt, sản xuất, giải trí của người dân. Công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho 7.480ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có hơn 1.600ha ở vùng miền núi. Tỉnh đã đầu tư xây mới 210 phòng học, sửa chữa 313 phòng học và 15 cơ sở giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút trẻ em trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng. Nâng cấp, đầu tư xây dựng mới các bệnh viện tuyến huyện và mạng lưới y tế cơ sở; đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm nhà hỏa táng điện cho đồng bào DTTS và miền núi.

Trong giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho 26.718 người. Trong đó đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho đối tượng lao động nông thôn là 7.831, trong đó có 5.486 người DTTS tham gia học nghề, chiếm tỷ lệ 70,05%.

Người dân miền núi Ninh Thuận được hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719
Người dân miền núi Ninh Thuận được hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719

Đối với các hộ DTTS nghèo chưa có nhà ở, hoặc nhà ở tạm bợ, dột nát; tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây mới nhà cho 317 hộ, trong đó 189 hộ ở Ninh Sơn và 128 hộ ở Bác Ái. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.930 hộ, hỗ trợ học nghề cho 327 người. Ngoài ra, các địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 539 hộ; xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó Bác Ái 6 công trình và Ninh Phước 2 công trình.

Từ nguồn vốn của Chương trình, Ninh Thuận đã hỗ trợ xây dựng 2 dự án liên kết chuỗi giá trị tại huyện Ninh Sơn; thực hiện 101 dự án phát triển sản xuất công đồng (97 dự án chăn nuôi, 4 dự án trồng trọt), với hơn 1.200 hộ tham gia là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...

Để việc triển khai Chương trình MTQG 1719 thực sự hiệu quả, trong thời gian tới, Ninh Thuận có những quyết sách gì để đẩy nhanh tiến độ, thưa bà?

Bà Pi Năng Thị Thủy: Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU; vận dụng linh hoạt các chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực, có trách nhiệm của người dân trong thực hiện các chính sách dân tộc tại địa phương. Tiếp tục triển khai các chính sách dân tộc gắn với Chương trình MTQG 1719, gắn vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Phát huy tốt vai trò của các vị chức sắc, Người có uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi, xác định đây là lực lượng tiêu biểu nòng cốt luôn được đồng bào DTTS tin tưởng và là người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân. Hơn nữa, cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn; kịp thời sơ, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách, Chương trình, gắn với biểu dương, nhân rộng những điển hình.

Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc thăm mô hình chăn nuôi của đồng bào DTTS tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận)
Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc thăm mô hình chăn nuôi của đồng bào DTTS tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận)

Ngoài ra, Ninh Thận đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng định mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ 40 triệu đồng/hộ lên 60 triệu đồng/hộ để phù hợp với vật giá hiện nay nhằm giúp người dân xây dựng được ngôi nhà đảm bảo 3 cứng. Đồng thời, bổ sung đối tượng hỗ trợ là hộ cận nghèo là người DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở.

Địa phương cũng kiến nghị các bộ, ngành nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề từ 10 triệu đồng/hộ lên 40 triệu đồng/hộ để phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm hiện nay. Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị các cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ cho các xã khu vực III, khu vực II sau khi cấp có thầm quyền quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo hướng nên cắt giảm có thời gian, lộ trình để phù hợp quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc. Việc cắt giảm ngay các chế độ, chính sách đối với các xã này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, cũng như đời sống của người dân. Đặc biệt là quan tâm đến chính sách bảo hiểm y tế cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã này.

 Trân trọng cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.