Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bác Ái (Ninh Thuận): Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

T.nhân-H.Trường - 3 giờ trước

Với đặc thù là huyện miền núi có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, do đó những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bác Ái rất chú trọng thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) để nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Huyện Bác Ái triển khai hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế cho người dân từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719 (Ảnh Huy Trường).
Nhiều mô hình sinh kế cho người dân từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719 đang được huyện Bắc Ái triển khai hiệu quả (Ảnh Huy Trường).

Bác Ái là một trong những huyện miền núi, nằm phía Tây của tỉnh Ninh Thuận. Dân số toàn huyện là 33.997 nhân khẩu/8.183 hộ, trong đó hộ đồng bào DTTS là 6.841 hộ, chiếm 83,6%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Địa phương có 9 xã với 38 thôn đều thuộc khu vực III, trong đó có đến 35 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Với đặc thù về vị trí địa lý, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, vì vậy nguồn lực từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 là rất quan trọng để đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Từ nguồn vốn được phân bổ của Chương trình MTQG 1719, là hơn 242 tỷ đồng, huyện đã đẩy mạnh triển khai thực hiện 34 dự án để hỗ trợ sinh kế cho người dân, đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, văn hóa, giáo dục. Chỉ riêng trong năm 2024, với nguồn vốn được phân bổ là 99 tỷ đồng, địa phương đã tích cực giải ngân 66 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ dê, bò, cừu cho người dân chăn nuôi. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vay ưu đãi hơn 12 tỷ đồng, hàng trăm hộ dân đã ổn định chỗ ở, chuyển đổi nghề nghiệp để thoát nghèo bền vững.

Đơn cử như tại xã Phước Chính, huyện triển khai dự án hỗ trợ cừu sinh sản theo chuỗi giá trị cho 32 hộ nghèo và mới thoát nghèo đồng bào Raglai, với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Theo đó, mỗi hộ được nhận 14 con cừu cái sinh sản và một con cừu đực giống. Đây là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhằm hỗ trợ bà con có việc làm, phát triển kinh tế gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.

Từ khi được nhận cừu hỗ trợ đến nay, gia đình chị Chamaléa Thị Ngọc (thôn Núi Rây) đã tích cực chăm sóc, nhờ đó số lượng cừu đã tăng lên 30 con, kinh tế gia đình từng bước được nâng lên. “Trước đây, gia đình rất khó khăn vì không có vốn để làm ăn. Từ khi được hỗ trợ cừu chăn nuôi, gia đình tôi rất vui. Đàn cừu phát triển khỏe mạnh, nhờ đó có thêm thu nhập để gia đình trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học”, chị Ngọc phấn khởi nói.

Từ 2 con bò được hỗ trợ, đến nay chị chị Patâu Axá Thị Nhuynh đã có đàn bò 9 con
Từ 2 con bò được hỗ trợ, đến nay chị chị Patâu Axá Thị Nhuynh đã có đàn bò 9 con

Tại xã Phước Trung, gia đình chị Patâu Axá Thị Nhuynh (ở thôn Rã Giữa) trước đây đời sống gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, gia đình chị được hỗ trợ vay vốn mua 2 con bò để phát triển kinh tế. “Gia đình vừa thoát nghèo năm ngoái, được nhà nước hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế nên gia đình rất mừng. Từ 2 con bò đầu tiên, đến nay gia đình đã có đàn bò 9 con, giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng”, chị Nhuynh mừng rỡ nói.

Trong 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, huyện đã phân bổ hơn 21 tỷ đồng để hỗ trợ 128 hộ về nhà ở, 500 hộ được chuyển đổi nghề nghiệp, 235 hộ dân được hỗ trợ về nước sinh hoạt. Địa phương đã dành hơn 9 tỷ đồng thực hiện 49 dự án phát triển sản xuất cộng đồng giúp cho hơn 700 hộ dân hưởng lợi. 

Cũng từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, huyện đã bố trí hàng chục tỷ đồng để đầu tư 13 công trình đường giao thông; 9 công trình trường học, và một số công trình thủy lợi trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng dành hơn 4,4 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với du lịch…

Bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, do đó trong thời gian qua, địa phương đã tập trung triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của bà con Nhân dân. Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình đã từng bước giải quyết những vấn đề cấp thiết của của người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ.

Nhiều công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.
Nhiều công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

Nhờ sự quyết liệt trong triển khai chương trình, đến nay 100% xã, thôn ở Bác Ái đã có các tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa, đảm bảo đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, đáp ứng tính đồng bộ. Toàn bộ trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo, tiểu học đến trường đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hầu hết các thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống điện lưới quốc gia được bao phủ. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân hơn 6,3% mỗi năm.

"Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình vẫn còn một số khó khăn, người dân mong muốn nâng cao mức hỗ trợ về nhà ở từ 40 triệu đồng lên 60 triệu đồng đối với mỗi hộ; nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng mỗi hộ. Địa phương mong muốn các cấp nghiên cứu, bổ sung đối tượng thụ hưởng là hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS; đồng thời nâng cao mức cho vay vốn làm ăn, vốn làm nhà ở để đối tượng thụ hưởng từ chương trình được nâng lên”,  bà Bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Gieo “hạt giống đỏ” ở những bản làng dân tộc La Hủ: Cái khó đang hãm sự 'nảy mầm" (Bài 2)

Gieo “hạt giống đỏ” ở những bản làng dân tộc La Hủ: Cái khó đang hãm sự 'nảy mầm" (Bài 2)

Qua tìm hiểu thực tiễn về đời sống của đồng bào La Hủ cho thấy, vai trò của đảng viên-những 'hạt giống đỏ" trong các chi bộ, đang góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo, đời sống đồng bào trong các bản làng La Hủ ở huyện biên giới Mường Tè. Tuy nhiên, hiện nay nhưng việc phát triển đảng viên mới trong đồng bào La Hủ đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn quần chúng ưu tú.