Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc Bố Y

Trọng Bảo - 16:08, 11/07/2023

Bố Y là 1 trong 16 dân tộc rất ít người trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam. Dân tộc Bố Y có nhiều di sản văn hóa truyền thống, trong đó có các làn điệu dân ca. Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cũng như người dân đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ.

Tỉnh Lào Cai chú trọng giáo dục cho giới trẻ ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Bố Y.
Tỉnh Lào Cai chú trọng giáo dục cho giới trẻ dân tộc Bố Y ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Nghệ nhân dân gian người Bố Y Lồ Lài Sửu, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương cho biết: Dân ca dân tộc Bố Y có lịch sử phát triển lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với từ ngữ đẹp, sâu lắng trong các làn điệu, dân ca Bố Y góp phần giáo dục con người hiểu biết về cội nguồn dân tộc, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, góp phần khích lệ, động viên người dân trong lao động sản xuất.

Dân ca của người Bố Y ở huyện Mường Khương từ lâu đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống của cộng đồng mỗi khi lễ Tết, hội hè, nghi lễ, khi khách đến nhà, nam nữ hát giao duyên, trong đám cưới, đi làm nương, làm nhà, đi chợ…

“Dân tộc Bố Y có di sản văn hóa truyền thống rất phong phú, song đang dần bị mai một trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Ý thức được điều này, hơn 25 năm qua, tôi đã chủ động sưu tầm những bài dân ca từ các bậc cao niên để vừa hát, vừa dịch sang tiếng Việt”, bà Sửu tâm sự.

Nét đẹp văn hóa dân tộc Bố Y trong cuộc sống đời thường.
Nét đẹp văn hóa dân tộc Bố Y trong cuộc sống đời thường

Dân ca dân tộc Bố Y không có nhiều âm điệu, tiết tấu, tất cả đều được hát theo một nhịp đều đều. Các bài hát phổ biến trong cộng đồng như: Hát núi, hát hoa, hát với cô tiên, hát mở con mương, hát cảm tạ trâu thần, hát giao duyên 12 tháng (gồm 12 bài) từ tháng Giêng đến tháng Chạp... có câu ngắn, câu dài, cứ một câu gieo vần trắc, một câu gieo vần bằng ở cuối câu.

Đặc biệt, trong lễ mừng thọ, con cháu hát những lời chúc mừng ca tụng người già, mong cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi và là tấm gương sáng cho con cháu. Lời hát của người Bố Y tuy mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng những lời răn dạy con cháu kính trọng người già, bề trên.

Các bài hát giao duyên cũng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó, bà con khéo léo sử dụng điệp từ với tần suất cao, không gây nhàm chán cho người nghe, luôn có sự biến đổi, thêm mới về mặt nội dung và từ ngữ. Bên cạnh đó, hát giao duyên cũng vận dụng nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ như ẩn dụ, so sánh... thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu.

“Nét đặc sắc của lối hát đối đáp này là những bài tình ca dài với lời ca ngẫu hứng, không trùng lặp. Nội dung thường liên quan đến lao động sản xuất, thăm hỏi, bày tỏ ước mơ về cuộc sống gia đình, như các bài: Hỏi cạnh ruộng cạnh nương, Hát hỏi quê hỏi họ, Chín thiếu mười cần, Đêm qua nằm mơ thấy hoa nở…”, bà Sửu chia sẻ.

Cùng với hát, bà con còn sử dụng một số nhạc khí trong sinh hoạt đời thường, như đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, kèn lá, kèn gỗ, sáo trúc, thanh la... Các nhạc khí này dùng để đệm theo giai điệu các bài hát hoặc độc tấu, hòa tấu các bài hát đó…

Tính đến nay, Nghệ nhân Lồ Lài Sửu đã thổi làn gió tươi mới, tạo sức sống cho các làn điệu dân ca truyền thống bằng cách đặt lời mới được 15 bài hát với chủ đề: Hát múa mừng Đảng; Nhớ ơn Đảng và Bác Hồ; Mừng ông trăng; Đoàn kết dân tộc; Trò chơi cờ, Trò đan chân; Trồng cây thuốc thơm…

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã thành lập được 3 đội văn nghệ dân tộc Bố Y, mỗi đội gồm 30 thành viên.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã thành lập được 3 đội văn nghệ dân tộc Bố Y, mỗi đội gồm 30 thành viên

“Bà Sửu đã có nhiều công lao trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Bố Y, góp phần đưa những nét đặc sắc của dân tộc Bố Y cùng hòa điệu với các dân tộc khác, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, bà Tráng Minh Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình cho biết.

Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, dân ca của dân tộc Bố Y được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2018. Để gìn giữ nét đẹp này, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân tiến hành phục dựng và tạo môi trường diễn xướng để đồng bào ngày càng thêm yêu, tự hào và trân trọng di sản nét đẹp văn hóa.

Càng đáng mừng hơn nữa, trong lộ trình thực hiện “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Phù Lá, dân tộc Bố Y giai đoạn 2017 - 2025” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức hướng dẫn duy trì và phát triển 3 đội văn nghệ dân tộc Bố Y ở huyện Mường Khương; mỗi đội gồm 30 thành viên, xây dựng được 5 tiết mục văn nghệ.

Tại thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, Câu lạc bộ Dân ca Bố Y gồm 16 thành viên cũng được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, học hỏi, gìn giữ và phát triển phong trào hát dân ca trong các tầng lớp Nhân dân. Các hội viên thường xuyên tham gia biểu diễn một số tiết mục văn nghệ đặc sắc được dàn dựng công phu với chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Trong lộ trình thực hiện “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Phù Lá, dân tộc Bố Y giai đoạn 2017-2025” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức hướng dẫn duy trì và phát triển 3 đội văn nghệ dân tộc Bố Y tại huyện Mường Khương; mỗi đội 30 thành viên, xây dựng 5 tiết mục văn nghệ”.

Tin cùng chuyên mục
Đội chiêng “nhí” ở làng Tnung - Măng

Đội chiêng “nhí” ở làng Tnung - Măng

Những nghệ nhân "nhí" người Ba Na ở làng Tnung - Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro, Gia Lai) với lối chơi chiêng sáng tạo, trong sáng, tươi vui đã mang lại luồng sinh khí mới mẻ, tràn đầy hứng khởi cho cồng chiêng Tây Nguyên. Đây cũng là minh chứng cho lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc của những chủ nhân di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” mang tính kế thừa mạnh mẽ và sáng tạo của đồng bào Ba Na ở Kông Chro.