Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nỗ lực giảm nghèo ở Trường Xuân

Quỳnh Chi - 10:10, 29/09/2020

Xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có 850 hộ dân sinh sống tại 9 thôn, bản, trong đó, đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều có 222 hộ, chủ yếu tập trung ở các bản: Khe Ngang, Khe Dây, Hang Chuồn, Lâm Ninh, Nà Lâm… Năm 2017, Trường Xuân trở thành điểm sáng trên địa bàn toàn huyện khi hoàn thành Chương trình 135, thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Đồng bào Bru Vân Kiều khai hoang nhiều diện tích để đất trồng lúa nước, nhờ đó cuộc sống ngày càng ấm no.
Đồng bào Bru Vân Kiều khai hoang nhiều diện tích để đất trồng lúa nước, nhờ đó cuộc sống ngày càng ấm no.

Nằm bên dòng Đại Giang hiền hòa là bản Lâm Ninh. Trước đây, Trường Xuân giao thông cách trở, chỉ có rừng núi nên gần như biệt lập với bên ngoài. Còn nhớ thời gian đầu, cán bộ địa phương khi kiểm tra thực địa, phát hiện có 7 hộ người Bru Vân Kiều vào khai hoang, chính quyền địa phương đến vận động bà con quay trở lại bản cũ. Tuy nhiên, thấy bà con chăm chỉ khai hoang, chính quyền địa phương ủng hộ và vận động thêm nhiều người khác đến dựng bản làm kinh tế mới.

Từ vùng đất hoang, bản Lâm Ninh nay đã có 52 hộ, với 187 nhân khẩu, bà con mở rộng phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế nhằm mở hướng thoát nghèo bền vững. Cả bản hiện có trên 150 con trâu, bò, 231ha rừng kinh tế, nhận bảo vệ 150ha rừng tự nhiên; đồng bào còn nuôi ong lấy mật lên tới hàng chục đàn, mang lại giá trị kinh tế cao… Theo đó, nhiều năm qua, Lâm Ninh là một trong số ít bản của đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Xuân luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Trưởng bản Lâm Ninh Hồ Hơn phấn khởi: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền, đầu tư cho bản công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp nên năng suất lúa, ngô mỗi vụ đều tăng cả về chất lượng, số lượng, bà con không lo thiếu lương thực nữa. Chính quyền về mở lớp học để con em trong bản được đến trường, đường giao thông kiên cố được nối thẳng xuống đồng bằng. Cuộc sống của người dân đã thay đổi nên ai cũng vui”.

Bản Khe Ngang, nơi có trên 100 hộ người Bru Vân Kiều sinh sống, nay cũng đã khác trước rất nhiều. Nơi đây đã mọc lên những ngôi nhà kiên cố, ruộng đồng được sản xuất, canh tác quanh năm, đường giao thông được bê tông phẳng phiu thuận lợi cho người dân đi lại…

Ông Hồ Nam, Trưởng bản Khe Ngang vui mừng nói: “Bản hiện có 16ha lúa nước, 200ha đất rừng, bà con đã biết kết hợp trồng rừng và chăn nuôi. Khe Ngang đã qua rồi thời gian khổ; nhà nào còn đói cái bụng, là do nhà đó không biết cách làm ăn, không có ý chí phấn đấu thôi”.

Cùng với Khe Ngang, Lâm Ninh, các bản có đông đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống (Khe Dây, Hang Chuồn, Nà Lâm…) đang từng bước thoát nghèo. Theo ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, tỷ lệ hộ nghèo của xã đang giảm mạnh, đây không chỉ là nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, mà còn nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của người dân, nhất là đồng bào Bru Vân Kiều.

“Nghị quyết HĐND xã đề ra là giảm hộ nghèo hằng năm 3 - 4%, nhưng trên thực tế, kết quả đạt được rất khả quan. Năm 2015 hộ nghèo của xã chiếm 31,06%; hộ cận nghèo 11,41% thì đến năm 2019, hộ nghèo giảm còn 20,65%. Với tiến độ này, tỷ lệ nghèo trong những năm tới sẽ còn giảm nhiều hơn nữa”, ông Đồng tin tưởng nói.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Nỗ lực này không chỉ góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn là giải pháp để Kiên Giang cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững.