Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nơi ấy là Phìn Sư…

Chí Tín - Vũ Mừng - 22:07, 14/01/2024

Những ngày đầu năm mới dương lịch, trên chiếc xe win dã chiến, tôi cùng Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì Lù Kim Triệu tìm về thôn Phìn Sư, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, chót vót trên lưng những dãy núi quanh năm trốn trong mây trắng ngủ vùi, nên con đường này chỉ dành cho những ai có thừa lòng can đảm. Và khi đã bỏ lại sau lưng những đèo dốc dựng đứng khiến xe máy đang đi cũng tự bốc đầu, Phìn Sư hiện lên đẹp như cổ tích. Ở đó có những nếp nhà truyền thống của người Cơ Lao, những ruộng bậc thang không đếm hết được số thửa và cả niềm hạnh phúc của người dân khi được nhà nước hỗ trợ trâu bò để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Những nếp nhà người Cơ Lao tại thôn Phìn Sư
Những nếp nhà người Cơ Lao tại thôn Phìn Sư

Trao "cần câu" cho người dân thoát nghèo

Nghỉ chân sau một khúc cua dài ngoắt ngoéo, thu vào tầm mắt toàn cảnh của xã Túng Sán, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì Lù Kim Triệu kể: “Túng Sán nằm cách trung tâm huyện 22km, với 8 thôn, trong đó Phìn Sư là vùng đất sinh sống lâu đời của 54 hộ đồng bào dân tộc Cơ Lao với 274 nhân khẩu, chiếm hơn 91% số nhân khẩu của toàn thôn. Nhiều năm qua, phần lớn người dân vẫn chỉ biết canh tác, chăn nuôi theo tập quán, sự được mất của mùa màng đều được quyết định bởi… trời! Thiếu tính chuyên canh tập trung nên cây trồng, vật nuôi đều không thể trở thành hàng hoá. Thế nên, bài toán để đưa Phìn Sư thoát nghèo khiến chính quyền các cấp của huyện Hoàng Su Phì trăn trở suốt nhiều năm qua! Những năm gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) mà đời sống văn hoá, tinh thần, kinh tế của người Cơ Lao ở Phìn Sư có nhiều chuyển biến tích cực”.

Đoàn công tác Phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì về thăm hỏi đồng bào các dân tộc hiện đang sinh sống tại thôn Phìn Sư
Đoàn công tác Phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì về thăm hỏi đồng bào các dân tộc hiện đang sinh sống tại thôn Phìn Sư

Sau hai năm thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9: “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” thuộc Chương trình MTQG 1719, thôn Phìn Sư có 54 hộ gia đình đã được hỗ trợ trâu nhằm giải bài toán thoát nghèo. Trước khi quyết định lựa chọn phương án đối ứng đối với khoản hỗ trợ trâu cho hộ nghèo, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn để đi đến thống nhất cách thức triển khai.

Như muốn tôi hiểu rõ hơn anh giải thích, làm theo hình thức đối ứng tức là người dân phải trả tiền chênh lệch vượt định mức hỗ trợ. Thực tế cho thấy, cách làm này đảm bảo được hai yếu tố quan trọng là thiết thực và hiệu quả! Do giá cả thị trường biến đổi liên tục nên với mức hỗ trợ của Nhà nước, chỉ có thể mua được con trâu nhỏ, chứ không mua được con trâu to hơn. Trong quá trình thực hiện Tiểu dự án, việc cùng lúc tìm được một số lượng lớn con giống có trọng lượng như nhau là không thể thực hiện được. Mặt khác khi người dân phải trả phần chênh lệch giá trực tiếp cho đơn vị cung ứng con giống thì sẽ lựa chọn được con giống cho chất lượng tốt hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân. Tại Phìn Sư, 100% số hộ nằm trong diện hỗ trợ đều làm chuồng trại nuôi nhốt đảm bảo, chủ động phòng tránh giá rét và dịch bệnh cho đàn trâu của gia đình mình.

Trước khi lên đường tiếp tục hành trình, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì Lù Kim Triệu khẳng định: “Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn huyện, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng... góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”.

Hộ gia đình anh Min Seo Thế, dân tộc Cờ Lao được hỗ trợ nuôi trâu để phát triển kinh tế hộ gia đình
Hộ gia đình anh Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao được hỗ trợ nuôi trâu để phát triển kinh tế hộ gia đình

Vững tin ở tương lai

Đầu giờ chiều, Phìn Sư đổ mưa, ngồi bên chậu than hồng nhà Min Seo Thế rất lạ là ai cũng tự nhiên xoè rộng hai bàn tay, để cảm nhận sự râm ran ấm nóng của lửa than đem lại.

Trưởng thôn Cáo Sào Sẻng giới thiệu, Min Seo Thế sinh năm 1992, năm 2014 kết hôn cùng Trương Thị Đường sinh năm 1995. Năm 2016 sinh cháu lớn Min Seo Vận hiện đang học tại trường bán trú dưới trung tâm xã, năm 2022 sinh cháu Min Thị Vấn. Thuộc hộ nghèo nên hai vợ chồng được hỗ trợ con giống để làm kinh tế. Từ ngày nhận trâu về chăm sóc, muốn tìm gặp khó lắm, có khi ra tận khu vực con suối ở cuối thôn cách đây hơn nửa tiếng đi bộ để cắt cỏ đem về.

Min Seo Thế thật thà, hai vợ chồng em không có việc làm, chỉ làm nương nên nhà nghèo. Hết việc nương thì ở nhà! Mấy lần định xuống dưới xuôi xin làm trong các khu công nghiệp nhưng rồi lại thôi phần vì thương con còn nhỏ, phần vì cả hai vợ chồng đều chưa đi xa bao giờ. Hôm biết tin gia đình mình được hỗ trợ tiền mua trâu vợ chồng em vui lắm, phải nhờ anh em dựng luôn chuồng trâu. Cán bộ Triệu cũng tuyên truyền phải có chuồng thì chăn nuôi mới bảo đảm. Bây giờ, ngoài chiếc xe máy hai vợ chồng vay mượn để mua từ hồi cưới nhau thì con trâu là tài sản lớn nhất trong nhà.

Có sự hỗ trợ từ chính sách, nhiều hộ gia đình tại Phìn Sư nuôi khát vọng vươn lên thoát nghèo
Có sự hỗ trợ từ chính sách, nhiều hộ gia đình tại Phìn Sư nuôi khát vọng vươn lên thoát nghèo

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, chàng trai người Cơ Lao sôi nổi: “Sau này khi trâu lớn hai vợ chồng sẽ bán đi để mua con trâu nhỏ hơn làm vốn, số còn lại sẽ dành nuôi thêm lợn, thêm gà. Phòng chống dịch bệnh thì có cán bộ thú y ở xã hỗ trợ. Hai vợ chồng cũng phải để dành tiền cho con đi học, cái Vấn sắp đi học mầm non được rồi”.

Buổi tối hôm ấy, tôi cùng dự bữa cơm thân mật với gia đình theo lệ hiếu khách của người Cơ Lao. Bên bếp lửa hồng tí tách, cháu Vấn vẫn ríu rít sau lưng mẹ. Tôi lắng tai nghe tiếng Min Seo Thế bàn với vợ chuyện làm kinh tế mà lòng ấm lạ. Giọng anh rộn ràng, ngày mai phải xẻ thêm mấy tấm ván, rồi xuống chợ mua thêm mấy tấm bạt để thưng lại chuồng trâu cho ấm, phòng khi có thêm mấy đợt rét đại hàn… Những chính sách hỗ trợ thiết thực từ nhà nước không chỉ thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của người Cơ Lao ở Phìn Sư xa xôi kịt cùng này, mà còn gợi mở cả những ước mơ về một cuộc sống ấm no, đổi khác.

Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì thông tin: Trong năm 2023 tại xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì đã hỗ trợ hơn 4.100.000.000 VNĐ cho 215 hộ gia đình kinh phí mua giống vật tư phân bón...; Hỗ trợ xây dựng 11 dự án/11 Tổ HTX, mỗi dự án 500.000.000 VNĐ tiền con giống mua trâu bò (Trong đó: 09 Tổ hợp tác nuôi trâu, mỗi tổ 18 con trâu giống trọng lượng từ 260kg trở lên; 02 Tổ nuôi bò, mỗi tổ 24 con bò, trọng lượng từ 175kg trở lên); Hỗ trợ tổ chức 04 lớp truyền dạy tiếng Cơ Lao theo hình thức truyền khẩu với số lượng 238 học viên tham gia; Hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh dân tộc Cơ Lao trên địa xã; Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho Nhà văn hóa 04 thôn là địa bàn sinh sống của người Cơ Lao trị giá 120.000.000. VNĐ; Tổ chức khôi phục Lễ hội Cầu Mùa dân tộc Cơ Lao vào tháng 7 âm lịch; Tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ sản xuất với 430 lượt người tham gia học tập; Tổ chức 04 đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại các địa phương có điều kiện tương đồng. Đây đều là các nội dung nằm trong Tiểu Dự án 1, Dự án 9: “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.