Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Nơi cuộc sống biệt lập giữa thời hiện đại

Quỳnh Chi - 10:17, 20/11/2019

Không đường, không điện, không trạm y tế, không sóng điện thoại là cảnh sống của đồng bào dân tộc Mông ở bản Mùa Xuân và bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Hàng trăm hộ dân nơi đây gần như sống biệt lập với cuộc sống hiện đại bên ngoài.

Cuộc sống của người Mông vẫn quẩn quanh trong đói nghèo. 
Cuộc sống của người Mông vẫn quẩn quanh trong đói nghèo. 

“Lặng yên dưới vực sâu”

Bản Mùa Xuân và Xía Nọi nằm lọt thỏm trong một thung lũng trên đỉnh núi cao, được bao bọc bởi bốn bề là rừng núi thâm u, tĩnh mịch. Cách trung tâm xã chừng 15km đường rừng, con đường lên bản chỉ là những lối mòn nhỏ luồn lách qua những đám vầu, nứa, khúc khuỷu và dựng đứng như đường lên trời. Ngày nắng còn đỡ, khi trời mưa xuống, đường lầy lội, trơn tuột, không ai có thể đi lại, kể cả đi bộ, bởi nếu không may sẽ trượt xuống dưới vách núi đá thì không thể cứu nổi.

Sau nhiều giờ vật lộn với con đường, chúng tôi đến bản Mùa Xuân khi trời nhập nhoạng tối. Càng lên cao, nhiệt độ càng rét buốt. Đường trên đỉnh núi, có thể ngắm nhìn những đám mây trắng bồng bềnh, những mái nhà lợp lá của người Mông cheo leo trên các sườn đồi, thấp thoáng, ẩn hiện giữa làn sương khói…

Thoạt nhìn, tưởng chừng cuộc sống nơi đây thật yên bình và thơ mộng, thế nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Ẩn sau vẻ thơ mộng là cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu của người dân. Do giao thông cách trở, mọi giao thương với bên ngoài đều hạn chế. Học sinh không mặn mà với việc đi học xa.

Không đường, không điện lưới, không sóng di động, không tivi… Mọi dấu hiệu của cuộc sống hiện đại đều thiếu vắng, thế nên dân trí thấp, người dân không biết nhiều về thế giới bên ngoài.

Lối thoát nào cho người dân

Để đưa hàng trăm hộ người Mông nơi thung lũng Sơn Thủy thoát nghèo, những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều dự án, chính sách nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Có một số con em người Mông cũng đi học và thậm chí nhiều người còn theo học đến bậc đại học, cao đẳng theo diện cử tuyển. Tuy nhiên, sau khi ra trường không xin được việc lại phải bỏ con chữ để lên rừng trồng ngô sống qua ngày.

Về mặt sinh kế, những năm qua, người dân thường xuyên được cấp thóc và ngô giống, nhờ vậy mà nhiều gia đình Mông đã không còn trông chờ gạo cứu đói. Tuy nhiên, canh tác nhiều năm trên những ngọn núi có độ dốc cao cũng khiến đất đai bị xói mòn, mất đi màu mỡ. Vì thế, năng suất lúa, ngô cũng giảm đi nhiều.

Anh Thao Văn Dia, Trưởng bản Mùa Xuân cho biết, bản có 112 hộ dân thì 100% đều là hộ nghèo. Nhà Trưởng bản Dia là một trong những hộ khá giả nhất, nhưng cũng không có điện lưới.

Anh Dia tâm sự, mong ước lớn nhất của dân bản bao năm nay là có một con đường để giao thương với thế giới bên ngoài. Bởi lẽ người dân dù có chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi ra sản phẩm thì cũng không thể vận chuyển ra ngoài đem bán. Đây là lý do cuộc sống cứ thế quẩn quanh với cái nghèo và lạc hậu.

“Chỉ khi nào có con đường, có ánh điện, thì cuộc sống của chúng tôi mới có thể thay đổi, đó là những gì mà dân bản mong mỏi và khát khao nhất lúc này”, anh Dia tha thiết nói.

Ông Lữ Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho hay: Vấn đề cốt lõi vẫn là thiếu con đường và ánh điện để phát triển kinh tế. Bao năm nay, chính quyền địa phương cũng chỉ mong mỏi các cấp quan tâm, tạo điều kiện về vốn để đầu tư mở đường giao thông đến bản.


Tin cùng chuyên mục
Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Sông Kôn và sông Hà Thanh là 02 con sông lớn của tỉnh Bình Định; lưu vực của 02 con sông là vùng tập trung các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của tỉnh. Ngoài các yếu tố tự nhiên, khách quan (địa hình, thảm phủ, mưa lũ lớn, diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm...), thì các hoạt động trên lưu vực với mục đích phát triển kinh tế cũng đã tạo ra sức cản lớn cho việc thoát lũ. Vì thế, tình trạng sạt lở, lũ ở vùng núi, ngập lụt ở đồng bằng, ven biển thường xuyên xảy ra, đe dọa cuộc sống của người dân, trong đó có người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.