Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Nỗi lo sụt giảm tiêu chí NTM vùng đồng bào DTTS

Khánh Ngân - 08:44, 21/03/2022

Thời gian qua dịch Covid-19 bùng phát, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, đời sống của Nhân dân, khiến cho nhiều xã đạt nông thôn mới (NTM) hoặc đang trên đà phấn đấu, nhất là ở các địa bàn vùng DTTS và miền núi đang sụt giảm tiêu chí, trở thành nỗi lo mới của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cả bà con đồng bào DTTS.

Một góc chợ chuối xã NTM Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị)
Một góc chợ chuối xã NTM Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị)

Xã đạt chuẩn NTM đã tụt giảm tiêu chí

Tân Long là xã miền núi của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có gần 65% dân số là người DTTS. Nhờ trồng cây chuối mật mốc, đời sống đồng bào ngày càng được đổi thay. Đặc biệt là vào những năm 2015 - 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh. Đời sống của đồng bào phát triển, cũng vì thế mà phong trào toàn dân xây dựng NTM cũng được triển khai mạnh mẽ. Sau bao nhiêu năm nỗ lực, năm 2016, Tân Long đã hoàn thành 19 tiêu chí để về đích trong xây dựng NTM.

Trong điều kiện đất sản xuất có hạn, đồng bào đã năng động phối hợp với người dân nước bạn Lào để trồng chuối trên đất Lào. Sự hợp tác này góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ở Tân Long thay đổi, đời sống Nhân dân được nâng lên.

Thế nhưng, sự hợp tác ấy gặp trở ngại, khi Covid-19 xuất hiện. Đến thời điểm chuối chín, người dân xã Tân Long, không biết phải làm sao để sang thu hoạch, vì vướng quy định phòng chống dịch Covid-19. Chính điều này khiến nguồn thu của người dân xã Tân Long sụt giảm nghiêm trọng, từ đó tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đã không giữ được.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Võ Tấn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long đã thẳng thắn chia sẻ: “Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân Tân Long đã rất cố gắng, song tiêu chí thu nhập bình quân đầu người trong xây dựng NTM đã không được giữ vững”.

Nếu năm 2019, tổng thu nhập bình quân đầu người ở Tân Long đạt 38 triệu đồng/người/năm (giữ vững tiêu chí NTM), thì đến năm 2020 chỉ đạt 29 triệu/người/năm và 2021 là 35 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người yêu cầu phải đạt từ 38 triệu đồng/người/năm. Vậy là Tân Long 2 năm liên tiếp sụt tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người trong NTM.

Ngoài Tân Long, ở tỉnh Quảng Trị đã có nhiều xã về đích NTM, nhưng trong những năm gần đây, đã có tình trạng sụt giảm tiêu chí trong NTM. Theo số liệu từ UBND tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn hiện có 3 xã đạt chuẩn NTM, nhưng chưa giữ vững các tiêu chí gồm: Tân Liên, Tân Thành (huyện Hướng Hóa) và Hải Phú (huyện Hải Lăng).

Bên cạnh những xã đã về đích, nhiều xã đang trên đà phấn đấu về đích, cũng bị sụt giảm tiêu chí về xây dựng NTM. Tình trạng sụt giảm tiêu chí đã và đang là nỗi lo của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ở nhiều địa phương. Đặc biệt là các xã vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Trong năm 2021, toàn tỉnh Quảng Trị có 18 xã bị sụt giảm từ 1 đến 2 tiêu chí NTM so với cuối năm 2020. Đáng chú ý là 3 xã Tân Long, Tân Liên và Tân Thành huyện Hướng Hóa sụt giảm tiêu chí sau khi đã đạt chuẩn NTM. Còn 15 xã Hướng Lập, Hướng Linh, Hướng Tân, Xã Húc, Thuận, Hướng Lộc, Thanh, Xy, A Dơi, Ba Tầng, Lìa (huyện Hướng Hóa) và A Ngo, Tà Long, Ba Lòng, Hướng Hiệp (huyện Đakrông) đang trên đà phấn đấu về đích cũng sụt giảm tiêu chí NTM.

Nuôi bò vỗ béo đang là hướng đi mới trong việc quyết tâm lấy lại tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đã bị sụt giảm trong xây dựng NTM
Nuôi bò vỗ béo đang là hướng đi mới trong việc quyết tâm lấy lại tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đã bị sụt giảm trong xây dựng NTM

Cần có giải pháp giũ vững tiêu chí NTM

Đã đến lúc phải chú trọng giữ vững  tiêu chí trong xây dựng NTM. Ví dụ như, khi dịch Covid -19 bùng phát, đồng bào ở xã Tân Long bỏ không 1.200 ha chuối bên nước bạn Lào. Nguồn thu nhập chính bấy lâu nay của bà con bị cắt đứt đột ngột. Bước sang năm 2022, cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào ở xã Tân Long đang quyết tâm lấy lại tiêu chí thu nhập bình quân đầu người. Bằng cách, tăng cường thâm canh trên diện tích địa phương có.

Gia đình ông Lê Trọng Dương, ở thôn Mông Quy, có 1ha đất trồng chuối ở khu vực khe Mơ. Trước đây, gia đình ông chỉ trồng có 8.000.000 gốc chuối mật mốc vì còn dành nguồn lực và nhân lực cho việc trồng chuối ở Lào, thì nay ông tăng mật độ lên gần 20.000.000 gốc. Tăng nhân lực chăm sóc, cũng như nguồn vốn để bón phân khoa học, nhờ vậy năng suất và thu nhập cũng tăng theo.

Ngoài trồng chuối, gia đình ông Dương còn phát triển thêm nghề nuôi bò vỗ béo. Thời điểm hiện tại, trại bò của gia đình ông có đến 180 con. Sau vài tháng lại xuất chuồng một lứa bò, cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng/ tháng.

Gia đình ông Lê Trọng Dương (thôn Mông Quy) trồng và thâm canh chuối trên diện tích đất của gia đình
Gia đình ông Lê Trọng Dương (thôn Mông Quy) trồng và thâm canh chuối trên diện tích đất của gia đình

Được biết, mô hình nuôi bò vỗ béo ở Tân Long, được hình thành sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Đến nay, toàn xã có hơn 30 hộ gia đình tham gia phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo, với tổng đàn lên đến 1.600 con. Ngoài hộ ông Dương, một số hộ có số lượng đàn bò lớn như hộ ông Đỗ Nam (100 con), hộ ông Hồ Hải (120 con)…

Không còn thụ động, phụ thuộc nguồn thu vào trồng chuối trên đất Lào, người Bru Vân Kiều ở Tân Long đã đa dạng hóa nguồn thu. Đó là cơ sở để lấy lại tiêu chí thu nhập bình quân đầu người trong xây dựng NTM đã bị sụt giảm trong 2 năm qua. Tạo ra nhiều mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao, không chỉ giữ vững tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, qua đó những tiêu chí khác trong xây dựng NTM cũng được phát triển bền vững.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Trọng Dương, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: “Năm 2022 chúng tôi đề ra mục tiêu nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 41 triệu đồng/người/năm. Với mô hình nuôi bò vỗ béo, thành lập HTX sản xuất và chế biến chuối… nhất định nguồn thu sẽ tăng. Mục tiêu chắc chắn đạt”.

Chuyện sụt giảm tiêu chí trong xây dựng NTM đã hiện hữu ở Quảng Trị. Đối với các xã miền núi, vùng đồng bào DTTS, thì nỗi lo “sụt giảm” lại càng cao. Đã đến lúc cần phải đưa ra các giải pháp giữ vững và nâng cao các tiêu chí  thông qua nhiều mô hình để tăng nguồn thu cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS ở huyện biên giới Sa Thầy

Khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS ở huyện biên giới Sa Thầy

Cái nghèo khó đang dần lùi xa, cuộc sống mới sung túc hơn đang dần hiện hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Điều đó, minh chứng khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS và việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS đang phát huy hiệu quả.