Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nỗi niềm “cô nuôi”

Hồng Minh - 14:04, 03/07/2022

Chỉ thực hiện theo hình thức hợp đồng lao động, không bố trí định mức biên chế… đó là cơ chế đặc thù đối với vị trí việc làm nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú (gọi tắt là cô nuôi) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Khi soi vào thực tế, chế độ chính sách trên đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cô nuôi tại Trường Mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đang phục vụ bữa ăn cho trẻ (Ảnh tư liệu)
Cô nuôi tại trường Mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đang phục vụ bữa ăn cho trẻ (Ảnh tư liệu)

Cách trường học khoảng 12 km, đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6, chị Nguyễn Thị Lưu, cô nuôi tại trường Mầm non Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An lại ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng và cuối buổi chiều mới về nhà. Tại trường, chị Lưu cùng 2 cô nuôi khác phục vụ 165 cháu ăn bán trú.

“Chỉ phục vụ các cháu 2 bữa, bữa trưa và buổi xế chiều, nhưng từ khi đến trường đến khi về là làm việc liền tay không nghỉ. Sáng sớm đến trường dọn dẹp, chuẩn bị thực phẩm, nấu nướng đến 10h30 phút, là chia thức ăn cho các cháu. Sau đó dọn dẹp để chuẩn bị cho bữa ăn chiều vào 2 giờ rưỡi và rửa dọn, chăm sóc rau trồng phục vụ một phần cho giáo viên, học sinh bán trú”, chị Lưu chia sẻ về công việc của mình.

Chị Lưu cho biết, ở các năm học trước, chế độ hàng tháng được nhà trường hợp đồng chi trả 3 triệu đồng/tháng. Nhưng bước vào năm học 2021 - 2022 này, do thực hiện các quy định mới nên các cô nuôi chỉ được nhận có 1,5 triệu đồng/tháng. Thời gian gần như dành trọn vẹn cho công việc ở trường học, nên không làm thêm gì để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Chế độ chính sách với vị trí cô nuôi như hiện nay dễ dẫn tới tình trạng nghỉ làm (Ảnh MH)
Chế độ chính sách với vị trí cô nuôi như hiện nay, dễ dẫn tới tình trạng "cô nuôi" nghỉ làm (Ảnh M.H)

Được biết, trước đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, khi chưa có Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, nghĩa là chưa có sự hỗ trợ từ Nhà nước, tối thiểu 2,4 triệu đồng/người/tháng, thì tiền chi trả cho các hợp đồng nấu ăn được huy động 100% từ sự thoả thuận của phụ huynh với mức trả 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng tuỳ theo điểm trường. Và khi có Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, nhà trường chỉ huy động phụ huynh đóng góp thêm phần còn thiếu để đảm bảo mức chi trả cho cô nuôi.

Tuy nhiên, ngày 13/12/2020, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND, không cho phép các trường đã được hưởng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được thu tiền từ phụ huynh để thuê khoán người nấu ăn, cho nên trường không có cơ sở để thu thêm từ phụ huynh để trả cho cô nuôi.

Từ chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP với định mức 5 cô nuôi và mỗi định mức là 2,4 triệu đồng/tháng, mỗi tháng, trường mầm non Lục Dạ được nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng. Số tiền này được chia cho 8 cô nuôi, mỗi cô là 1,5 triệu đồng.

Cũng phản ánh về vấn đề mức hưởng chế độ cô nuôi, cô Nguyễn Thị Hường, trường Mầm non Cao Xá 2, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, cô đã gắn bó với trường Mầm non Cao Xá 2 gần chục năm, nhưng vẫn chỉ là hợp đồng thời vụ, sau nhiều lần điều chỉnh lương mới lên được 2,5 triệu đồng/tháng, riêng 3 tháng hè cô Hường không được hưởng lương, không được hỗ trợ đóng BHXH.

“Với mức lương như vậy, không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học. Để tăng thêm thu nhập tôi phải nhận may gia công thêm tại nhà vào buổi tối”, cô Hường tâm sự.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ,về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT để bảo đảm phù hợp với việc triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Vị trí việc làm nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú thuộc nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ và được thực hiện theo hình thức hợp đồng lao động, không bố trí định mức biên chế.

Căn cứ vào tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục xác định, số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Từ bất cập về chế độ chính sách đối với cô nuôi ở vùng đặc biệt khó khăn đang diễn ra, rất có thể không ít cô nuôi sẽ nghỉ việc, theo đó, mô hình lớp học bán trú cũng khó có khả năng tồn tại. Thiệt thòi lớn lại rơi vào các em học sinh vùng DTTS, miền núi!

Tin cùng chuyên mục
Thừa Thiên Huế: Mang sách đến cho học sinh vùng biên giới

Thừa Thiên Huế: Mang sách đến cho học sinh vùng biên giới

Chiều 19/4, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, phối hợp với UBND xã A Roàng và Trường Tiểu học - THCS A Roàng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Đây là đơn vị được chọn làm đơn vị điểm tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong Bộ đội Biên phòng tỉnh.