Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Phú Thọ: Quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục dân tộc thiểu số

PV - 11:34, 18/09/2021

Tỉnh Phú Thọ có số học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 20% tổng số học sinh toàn tỉnh, gồm các dân tộc Mường, Dao, Sán Chay, Tày, Mông… Việc nâng cao đời sống cho nhân dân vùng đồng bào DTTS nói chung, công tác giáo dục dân tộc nói riêng luôn được UBND tỉnh và ngành Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Ngành GD&ĐT huyện Tân Sơn luôn chú trọng giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021))
Ngành GD&ĐT huyện Tân Sơn luôn chú trọng giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021))

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hệ thống trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, PTDT bán trú phát triển về cả quy mô và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Toàn tỉnh có 5 trường PTDT nội trú và 1 trường PTDT bán trú với 62 lớp và 2.030 học sinh (trong đó 1 trường PTDT nội trú THPT; 1 trường PTDT nội trú THCS và THPT; 3 trường PTDT nội trú cấp THCS); học sinh DTTS cấp THCS, THPT được học tại trường PTDT nội trú và bán trú đạt gần 10%.

Để kịp thời triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực tập trung phát triển giáo dục dân tộc, ngành GD&ĐT đã tích cực tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý có hiệu quả công tác giáo dục dân tộc. Chỉ đạo các đơn vị giáo dục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để phát triển giáo dục ở vùng DTTS. Làm tốt công tác tuyên truyền để toàn xã hội quan tâm tới giáo dục ở vùng DTTS, miền núi.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý, chỉ đạo giáo dục dân tộc ở các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng và các địa phương có nhiều học sinh DTTS. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị giáo dục thực hiện nghiêm túc nền nếp, kỷ cương, dân chủ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu về giáo dục dân tộc; thực hiện tốt công tác thông tin giữa Sở GD&ĐT với các địa phương, các nhà trường để kịp thời chỉ đạo về giáo dục dân tộc. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú, các cơ sở giáo dục vùng DTTS ở các lĩnh vực: Quản lý dạy học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, công tác nội trú, bán trú; việc thực hiện chế độ, chính sách...

Thầy giáo Phan Xuân Huy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn cho biết: Huyện hiện có 78 trường với tổng số 1.156 lớp, có 31.325 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, chuẩn về trình độ đào tạo, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, được bố trí, sắp xếp hợp lý. Công tác bồi dưỡng đội ngũ được quan tâm. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đặc biệt là tập huấn về khai thác, sử dụng sách giáo khoa mới, xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cơ sở vật chất phục vụ dạy học trên địa bàn được quan tâm đầu tư. Huyện đã tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục; chú trọng các điểm trường vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn. Hiện nay, toàn huyện có 66 trường học được công nhận trường học đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 84,62%.

Huyện chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt là những cán bộ, giáo viên người DTTS. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên trên cơ sở đề án vị trí, việc làm và các văn bản hướng dẫn. Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng về lý luận chính trị; làm tốt công tác nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường đổi mới sinh hoạt chuyên môn,...; tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đặc thù, giáo dục ngoài giờ chính khóa liên quan đặc điểm tâm lý học sinh DTTS, văn hóa dân tộc và tri thức địa phương.

Song song với đó, triển khai hiệu quả việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Chủ động bố trí, sắp xếp, phân công cán bộ, giáo viên bảo đảm cân đối, phù hợp với năng lực, sở trường từng người. Hằng năm, các đơn vị giáo dục thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý dạy học, quản lý học sinh nội trú, tổ chức ăn, ở tập thể với các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

Trường PTDT nội trú THCS huyện Thanh Sơn có thư viện khang trang, phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh
Trường PTDT nội trú THCS huyện Thanh Sơn có thư viện khang trang, phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh

Quan tâm toàn diện

Những năm qua, các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú của tỉnh, huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách đối với trường có học sinh bán trú, học sinh nội trú. Đã thực hiện việc xét duyệt, chi trả, kịp thời đầy đủ chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh theo quy định.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn là 53.168 triệu đồng với 18.170 lượt học sinh (mỗi học kỳ tính 1 lượt), trong đó hỗ trợ tiền ăn cho học sinh 43.448 triệu đồng; hỗ trợ tiền nhà ở (đối với học sinh phải ở nhờ, ở trọ) 8.763 triệu đồng; hỗ trợ nấu ăn 724 triệu đồng; kinh phí mua sắm tủ thuốc, dụng cụ thể dục thể thao 233 triệu đồng; tổng số gạo hỗ trợ là 1.237.575kg với 18.173 lượt học sinh.

Các đơn vị giáo dục triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy tiếng, chữ DTTS.

Cô giáo Đinh Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS huyện Thanh Sơn cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường có 358 học sinh, 95% là con em đồng bào DTTS. Với mục tiêu đào tạo các em phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm phù hợp tình hình thực tế. Các em học sinh đều ở nội trú, xa gia đình, xa bố mẹ, phải tự chăm sóc bản thân nên chúng tôi luôn quan tâm, chăm lo cho các em về mọi mặt; tìm tòi, đổi mới các phương pháp giảng dạy để các em dễ tiếp thu.

Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức văn hóa, các thầy cô giáo luôn quan tâm, nhắc nhở, hướng dẫn các em thực hiện tốt nội quy khu nội trú, quy tắc ứng xử văn hóa trong Nhà trường; hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, giáo dục kỹ năng sống với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm lý lứa tuổi. Với nỗ lực trong dạy và học, Trường PTDT nội trú THCS huyện Thanh Sơn đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ giáo dục, dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2020 - 2021, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Sở đã định kỳ thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, nhà giáo và cán bộ quản lý công tác ở vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tích cực tham mưu với các cấp quản lý trong việc góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách giáo dục nói chung và đối với giáo dục dân tộc nói riêng. Thường xuyên rà soát, phát hiện những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi để kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới./.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.