Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nông sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Australia

Cát Tường - 17:00, 27/08/2021

Trong 7 tháng đầu năm 2021, sản lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, tăng hơn 45% cùng kỳ năm trước và đạt 46,5 triệu USD.

Vải tươi là một trong những mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường Australia
Vải tươi là một trong những mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường Australia

Nhiều loại hoa quả đắt hàng tại thị trường Australia

So với cùng kỳ năm trước, lượng hàng rau quả Việt Nam nhập khẩu vào Australia trong giai đoạn từ tháng 1 - 7/2021 tăng 45,06% và đạt 46,5 triệu USD. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6/2021, xuất khẩu thanh long - 1 trong 4 loại quả tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Australia - tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 29 triệu USD.

Một loại quả khác là xoài tươi cũng tăng trưởng hơn 8%, đạt giá trị xuất khẩu gần 4,4 triệu USD, dù đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ xoài Thái Lan và Trung Quốc.

Vải tươi cũng là mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường này. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu quả vải Việt Nam vào Australia trong nửa đầu năm nay tăng ngoạn mục, cao hơn 93% so với cùng kỳ năm trước, đạt 508.000 USD.

Bên cạnh đó, quả nhãn cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ với lượng xuất khẩu vào thị trường Australia từ đầu năm đến nay tăng hơn 133,97% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị 150.000 USD. Dự kiến, trong thời gian tới sản lượng xuất khẩu của mặt hàng này còn tiếp tục tăng do mùa vụ trong nước hiện vẫn chưa kết thúc.

Mới đây nhất, 22 tấn quả sấu đông lạnh Việt Nam cũng lần đầu được nhập khẩu chính ngạch, phân phối tại thị trường Australia với giá bán từ 18 - 25 AUD/kg (300.000 - 420.000 đồng/kg). Tổng giá trị lô hàng xuất khẩu đợt đầu lên đến hơn 6 tỷ đồng.

Bên cạnh các mặt hàng nông sản tươi truyền thống, hiện nay một số mặt hàng nông sản đông lạnh và rau củ quả khác cũng bắt đầu được Thương vụ Việt Nam tại Australia kết hợp với doanh nghiệp nhập khẩu xúc tiến làm quen thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gừng đông lạnh Việt Nam sang thị trường lớn nhất châu Đại Dương tăng trưởng 988% so với cùng kỳ năm trước, đạt 642.000 USD.

Ngoài ra, quả sầu riêng, chè của Việt Nam cũng đang chinh phục thị trường Australia. Vừa qua, 45 tấn sầu riêng Ri6 nhãn hiệu Ưu Đàm cũng “cháy hàng” vì các cửa hàng đặt mua hết. Giá sầu riêng Ri6 thấp nhất lên đến 18,99 AUD/1kg (khoảng 320.000 đồng/kg) đối với sầu riêng đông lạnh nguyên quả và 20 - 25 AUD/kg (khoảng 420.000 đồng) đối với loại bóc sẵn múi.

Sản lượng xuất khẩu gạo tăng 

Bên cạnh các loại hoa quả Việt Nam đang được thị trường Australia ưa chuộng, thì mặt hàng gạo của Việt Nam cũng rất được người tiêu dùng Australia ưa chuộng. 

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia, gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia vẫn tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu gạo trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7/2021 cao hơn 37,03% so với cùng kỳ năm trước.

Để quảng bá mạnh hơn nữa gạo Việt Nam, từ ngày 18/8 - 27/9, Thương vụ đã phối hợp với các nhà nhập khẩu tại Australia tổ chức chương trình xúc tiến mời dùng thử gạo, có tên là “Việt Nam - vùng đất của gạo ngon nhất thế giới.”

Những số liệu trên cho thấy, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia ngày càng tăng trưởng mạnh. 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai Chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam để khai thác dư địa thị trường. Thương vụ tin rằng tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam và Australia vẫn còn lớn và những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu từ thị trường này sẽ có cơ hội gia tăng hoạt động thương mại.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.