Từng có 6 năm làm việc, tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện tay nghề tại Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu, cô gái Thái Lò Thị Dị, sinh năm 1986, đã mạnh dạn xây dựng lối đi riêng cho mình, bằng ý tưởng, tạo ra các sản phẩm thổ cẩm thoát ra khỏi khuôn mẫu như quần, áo, khăn quàng cổ... mang tính truyền thống. Để thực hiện ý tưởng, năm 2019, chị đã thành lập HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch bản Lác do chị làm Giám đốc.
Lúc đầu khởi nghiệp, chị cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư. Nhưng nhờ biết khai thác lợi thế trong phát triển du lịch tại địa phương, cũng như phát huy tay nghề của người dân trong dệt thổ cẩm, chị đã thiết kế và sản xuất những sản phẩm có tính ứng dụng cao như các loại túi xách, ví, gối, gấu bông...; đồng thời chủ động liên kết với các chủ nhà sàn tại khu du lịch để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm cho khách du lịch khi đến địa phương.
Theo chị Dị, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn nghề truyền thống, HTX đã lựa chọn hướng đi là chỉ sản xuất thủ công để tạo ra các sản phẩm đúng bản sắc của đồng bào Thái, Mông. Tất cả các sản phẩm đều được tạo ra bằng chính sự khéo léo, đam mê của người con gái Thái, Mông. Đây cũng là cách để giúp chị em dân tộc Thái, Mông tại địa phương giữ nghề và tạo nguồn thu nhập ổn định từ chính nghề truyền thống của dân tộc.
Đến thăm quan gian hàng bày bán các sản phẩm của HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch bản Lác, chúng tôi cảm nhận được sự đam mê bảo tồn nghề truyền thống của chị Dị. Để đáp ứng các tiêu chí sản phẩm: Đẹp, bắt mắt, lạ, vừa mang tính truyền thống, vừa hiện đại để thu hút sự quan tâm của du khách, chị Dị đã chọn các họa tiết gắn với thiên nhiên, gần gũi với cuộc sống của đồng bào như: Voi, cá, chim, hoa lá, phong cảnh... để trang trí trên nền thổ cẩm truyền thống của người Thái, kết hợp với màu sắc sặc sỡ của nhuộm, vẽ sáp ong của người Mông đã tạo nên các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, như: Quần, áo cách tân, túi xách, ba lô, ví, khăn quàng cổ, khăn trải bàn...
Chị Sàng Y Giai, một trong những thợ chuyên nhuộm thổ cẩm truyền thống ở xã Hang Kia, được chị Dị mời về làm tại HTX, chia sẻ: “Nhuộm là một trong những khâu đòi hỏi kỹ thuật, công sức rất nhiều. Kỹ thuật nhuộm, cùng với vẽ sáp ong của người Mông tạo ra những màu vải sặc sỡ và không bao giờ bị phai màu. Theo thời gian, dù các sản phẩm có cũ đi, nhưng vẫn luôn giữ được mùi thơm tự nhiên, khi kết hợp với các họa tiết, hoa văn của người Thái, sẽ tạo ra các sản phẩm rất độc đáo, thể hiện nét đẹp vốn có của hai dân tộc”.
Thành công từ sự kết hợp văn hóa truyền thống độc đáo của hai dân tộc đã góp phần mang lại doanh thu và sự phát triển cho HTX. Giờ đây, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 25 lao động, với mức thu nhập trung bình 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Hiện các sản phẩm do HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch bản Lác tạo ra được nhiều nhà hàng, khách sạn đặt hàng với số lượng lớn. Trong đó, có nhiều đơn hàng xuất ra nước ngoài với những bộ sản phẩm chăn, ga, gối, đệm, rèm có giá lên đến 20 - 30 triệu đồng. Đặc biệt, các sản phẩm thổ cẩm của HTX sản xuất đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hòa Bình.