Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm qua nhiều thế hệ

S.Mai - 11:31, 18/02/2020

Đối với nhiều dân tộc, dệt thổ cẩm không chỉ là làm ra những sản phẩm đẹp, tốt để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình, mà nó còn là thước đo để đánh giá một người phụ nữ đảm đang. Mẹ truyền con nối chính là một trong những cách lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình bà H’Dleh Byă ở xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, Đăk Lăk.

Bà H’Dleh Byă (bên trái) chỉ dạy cách dệt thổ cẩm cho con gái.
Bà H’Dleh Byă (bên trái) chỉ dạy cách dệt thổ cẩm cho con gái

Dù tuổi đã cao, không làm được nhiều việc nặng, nhưng nhờ tay nghề vẫn thuần thục, bà H’Dleh vẫn có thể thực hiện được nhiều kiểu hoa văn phức tạp. Gia đình bà H’Dleh Byă đã lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con, từ con gái đến con dâu. “Tôi biết dệt từ khi còn rất trẻ do mẹ dạy, giờ tôi truyền dạy lại cho con cháu với mong muốn có thể giữ gìn được nghề truyền thống của dân tộc mình”, bà H’Dleh cho hay.

Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, trong các hoạt động văn hóa, đời sống như làm trang phục, vỏ chăn, địu trẻ em hay túi xách. Nhưng hiện nay, những tấm vải dệt công phu được nhiều người yêu thích và đặt mua đã giúp gia đình bà có thêm thu nhập cải thiện kinh tế gia đình, đồng thời tạo động lực, khơi gợi sự đam mê cho các con tiếp nối nghề truyền thống.

Điều làm nên giá trị độc đáo trong thổ cẩm của người Ê-đê nằm ở cách tạo hoa văn trên vải. Các hoa văn trên vải thổ cẩm thường được mô phỏng hình ảnh của hoa lá, cỏ cây, muôn loài. Những kỹ thuật này rất công phu, không chỉ ngày một, ngày hai mà có thể dệt được, vì vậy bà H’Dleh dạy cho các con theo phương pháp mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày một ít.

Mẹ truyền con nối, bà H’Dleh hy vọng nghề dệt thổ cẩm sẽ được gìn giữ như một tài sản quý báu của người Ê-đê nói chung và gia đình bà nói riêng. Trong các ngày hội, chương trình do xã, huyện tổ chức, bà H’Dleh đều tham gia dệt và đoạt giải, đó là một cách mà bà truyền dạy cho các thế hệ trẻ sự yêu thích và học nghề dệt.

Chị H’Dam Niê (con dâu bà H’Dleh) cho biết, trước khi về làm dâu chị chưa biết dệt, nay nhờ mẹ chồng chỉ dẫn mà chị đã thành thạo nghề. Qua lời mẹ kể, chị biết trước đây phần lớn các gia đình đều tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải, tiếc là hiện nay thế hệ trẻ không còn được trải qua những công đoạn thủ công như vậy, vì nghề trồng bông, kéo sợi dường như không còn, các sợi bông đã được thay thế bằng sợi công nghiệp.

Còn chị H’Lai Byă (con gái bà H’Dleh) tâm sự, hình ảnh mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi trong tâm trí của chị. Từ đôi bàn tay và sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt nhiều màu sắc, hoa văn phong phú, đa dạng, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, phản ánh phần nào lịch sử phát triển của tộc người Ê-đê khiến chị càng gắn bó với nghề này hơn. Hiện chị thường tranh thủ dệt vải vào cuối ngày hay những lúc nông nhàn vừa để giữ nghề vừa kiếm thêm thu nhập.

Để gìn giữ và phát huy nghề dệt thủ công truyền thống tại địa phương, cấp ủy và chính quyền đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhất là các con cháu trong gia đình”.

Ông Đào Quốc Khánh, Phó Chủ tịch xã Băng Adênh.